Phát triển chính quyền số, ĐTTM, kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện
Tại Hà Tĩnh, phát triển chính quyền số, ĐTTM và kinh tế số đã từng bước hình thành và có những tín hiệu tích cực. Các sở/ban/ngành, UBND các xã/huyện đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý công việc, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), rút ngắn thời gian xử lý, tăng tính công khai, minh bạch từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp,...
Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trung tuần tháng 3/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch, triển khai xây dựng hệ thống giám sát và điều hành thông minh Hà Tĩnh (IOC Hà Tĩnh).
Hiện Hà Tĩnh cũng đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Đề án Phát triển Chính quyền số, ĐTTM và kinh tế số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Dự thảo Đề án khẳng định quan điểm CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện; là giải pháp mang tính đột phá, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chất lượng đời sống cộng đồng. Quá trình phát triển chính quyền số, ĐTTM và kinh tế số phải gắn với cải cách hành chính, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, hướng tới xã hội số an toàn.
Đối với Hà Tĩnh, một tỉnh nghèo của mảnh đất miền Trung, nắng cháy da, mưa thối đất với những trận bão lũ thường xuyên, những nội dung trên đều mới và khó nhưng lãnh đạo tỉnh xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh và phải được triển khai đồng bộ, toàn diện, từng bước, phù hợp với thực tiễn của tỉnh trong từng thời kỳ, từng ngành, lĩnh vực.
Theo dự thảo Đề án, việc triển khai ĐTTM cần phải có đề án thí điểm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù địa phương và định hướng phát triển đô thị của tỉnh, với mục tiêu nhân rộng mô hình ĐTTM ra 3 - 5 trung tâm đô thị của tỉnh; phát triển rộng rãi hệ thống dịch vụ ĐTTM trong toàn tỉnh.
Vận hành thông suốt hệ thống giám sát và điều hành thông minh
Để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, sáng 8/9, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức ra mắt hệ thống giám sát và điều hành thông minh (IOC Hà Tĩnh).
Các đại biểu ấn nút ra mắt IOC Hà Tĩnh
IOC Hà Tĩnh được triển khai nhằm xây dựng nền tảng và các phân hệ, kết nối liên thông các hệ thống thông tin phục vụ điều hành, các cơ sở dữ liệu của tỉnh theo lộ trình; đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về giám sát, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh.
Đồng thời, hệ thống cũng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, tạo nền tảng cho phát triển chính quyền số, ĐTTM, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau khi kế hoạch của UBND tỉnh được ban hành, trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, Sở TT&TT đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, VNPT Hà Tĩnh, Viettel Hà Tĩnh và các sở, ngành, địa phương… tổ chức triển khai tích cực, đồng bộ. VNPT, cụ thể là VNPT Hà Tĩnh, được lựa chọn là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức và triển khai thí điểm IOC của tỉnh kịp thời, đáp ứng được yêu cầu về giám sát, điều hành của lãnh đạo tỉnh cũng như của các cấp, các ngành... VNPT còn hỗ trợ hệ thống trang thiết bị hiển thị thông tin, thiết bị mạng và một số trang thiết bị liên quan khác, phần mềm nền tảng và một số phần mềm khác, thi công lắp đặt, tổ chức kết nối liên thông và quản trị vận hành,...
Đến thời điểm này, IOC Hà Tĩnh đã được triển khai đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra và vận hành ổn định, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh: 'Việc đưa hệ thống IOC Hà Tĩnh vào hoạt động là một trong những mục tiêu, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Đặc biệt, hệ thống này sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu công tác giám sát, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế -xã hội, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn... Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, tạo nền tảng cho phát triển chính quyền số, ĐTTM, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh'.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu trong giai đoạn thử nghiệm nên các đơn vị liên quan cần tiếp tục hoàn thiện các tính năng; cập nhật, bổ sung, tích hợp các phân hệ và khai thác ứng dụng có hiệu quả hệ thống IOC; bố trí nhân lực vận hành thường xuyên và xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành, các đơn vị liên quan để bảo đảm dữ liệu cập nhật liên tục, đầy đủ...
Nền tảng IOC Hà Tĩnh gồm 7 phân hệ cơ sở dữ liệu: Phân hệ quản lý về chỉ tiêu kinh tế - xã hội; Phân hệ quản lý dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử; Phân hệ quản lý văn bản và điều hành trực tuyến; Phân hệ quản lý y tế; Phân hệ quản lý giáo dục và đào tạo; Phân hệ quản lý du lịch thông minh và lưu trú và Phân hệ camera giám sát thông minh.
Các đại biểu nghe thuyết trình hệ thống giám sát và điều hành thông minh
Bằng quyết tâm chính trị cao và nhiều nỗ lực, hệ thống IOC Hà Tĩnh đã chính thức được đưa vào vận hành sử dụng, đặt nền móng đầu tiên cho phát triển ĐTTM tại Hà Tĩnh. Có thể nói đây là tiền đề quan trọng để Hà Tĩnh nhanh chóng xây dựng chính phủ điện tử, ĐTTM trong tương lai không xa.
Việc đưa vào vận hành IOC Hà Tĩnh một lần nữa khẳng định sự hợp tác hiệu quả thiết thực giữa UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn VNPT. Với vai trò tiên phong, dẫn dắt trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, trong thời gian qua VNPT đã đồng hành cùng Chính phủ và nhiều tỉnh/thành phố xây dựng các IOC./.