Quyết tâm của người đứng đầu và sự nỗ lực của doanh nghiệp
Thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Hà Tĩnh đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành thường xuyên và xuyên suốt trong toàn hệ thống từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền.
Sở TT&TT Hà Tĩnh đã và đang tích cực tham mưu chiến lược chuyển đổi số (CĐS) một cách toàn diện và đồng bộ trên địa bàn tỉnh, đồng thời tăng cường huy động sự hỗ trợ từ các các doanh nghiệp (DN) viễn thông, bưu chính và công nghệ tham gia sâu hơn, thường xuyên hơn để phát triển hạ tầng số, các nền tảng số trên địa bàn tỉnh.
Xác định xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) là một trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình CĐS, Sở TT&TT Hà Tĩnh đã tham mưu với UBND tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn triển khai 'Hệ thống giám sát và điều hành thông minh IOC'. Chính vì vậy, từ giữa năm 2020, đầu năm 2021, Sở TT&TT Hà Tĩnh đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, VNPT Hà Tĩnh, Viettel Hà Tĩnh và các sở, ngành, địa phương… tổ chức triển khai tích cực, đồng bộ. VNPT, cụ thể là VNPT Hà Tĩnh, được lựa chọn là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức và triển khai thí điểm IOC của tỉnh kịp thời, đáp ứng được yêu cầu về giám sát, điều hành của lãnh đạo tỉnh cũng như của các cấp, các ngành.
Ông Lê Anh Tú, Giám đốc Trung tâm CNTT - VNPT Hà Tĩnh cho biết, với những nỗ lực của VNPT Hà Tĩnh, ngày 12/03/2021, UBND tỉnh đã ký quyết định cho phép VNPT Hà Tĩnh phối hợp Sở TT&TT Hà Tĩnh và các Sở, Ban, Ngành liên quan triển khai thí điểm 'Hệ thống giám sát và điều hành thông minh IOC'.
Theo ông Lê Anh Tú, trong quá trình triển khai IOC, bên cạnh những thuận lợi như sự đồng hành của VNPT, ủng hộ của Văn phòng UBND tỉnh, sự sát sao, quyết liệt của lãnh đạo VNPT Hà Tĩnh, việc triển khai cũng gặp những khó khăn nhất định. Đó là khó khăn trong chuyển giao số liệu, nhiều đơn vị cung cấp phần mềm khác nhau, không phải số liệu nào cũng có thể lấy được tự động qua các kết nối phần mềm, thu thập và chuẩn hóa dữ liệu... Song VNPT Hà Tĩnh đã kiên trì và nỗ lực tháo gỡ dần các 'nút thắt' khó khăn đó.
Đối với những khó khăn trong tiếp cận Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu Tư, Cục Thống kê, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế để chuyển giao số liệu, lãnh đạo VNPT Hà Tĩnh phải sử dụng hết các mối quan hệ để làm việc với các lãnh đạo đơn vị liên quan, tạo điều kiện cho nhân viên giải pháp và các đầu mối Sở, Ban, Ngành có thể kết nối, trao đổi số liệu, giải đáp thắc mắc để hoàn thành mục tiêu chung của tỉnh.
Mặt khác, Hà Tĩnh có nhiều đơn vị cung cấp phần mềm khác nhau ở các phân hệ như hành chính công, iOffice, y tế, giáo dục. Vì vậy, trong quá trình nhân viên giải pháp làm việc với kỹ thuật đối tác cũng có nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của Giám đốc Trung tâm CNTT - VNPT Hà Tĩnh, với phân hệ camera giám sát, VNPT Hà Tĩnh đã tiếp nhận yêu cầu rất khó khăn từ UBND tỉnh, đó là yêu cầu kết nối hệ thống camera hành chính công, an ninh các phường, giám sát môi trường ở khu công nghiệp Formosa, phòng chống cháy rừng ở các chi cục kiểm lâm, kiểm soát mực nước và xã lũ ở thủy hiện, hồ đập… Với nhiều hệ thống, nhiều loại camera, nhiều đầu mối phối hợp, đây cũng là bài toán khó khăn và cần rất nhiều nỗ lực của VNPT Hà Tĩnh mới có thể hoàn thành đúng theo yêu cầu của tỉnh,
Tuy nhiên, sau 6 tháng khẩn trương triển khai, VNPT Hà Tĩnh đã hoàn thành hệ thống giám sát và điều hành thông minh. Ngày 8/9, hệ thống IOC Hà Tĩnh đã chính thức ra mắt.
IOC Hà Tĩnh là nền tảng để phát triển chính quyền số của tỉnh trong giai đoạn tới.
Tại lễ ra mắt IOC Hà Tĩnh, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch Lê Ngọc Châu đã ghi nhận và biểu dương các đơn vị trong đó có VNPT Hà Tĩnh đã tích cực, phối hợp để triển khai hoàn thành hệ thống, hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Việc đưa hệ thống IOC Hà Tĩnh vào hoạt động là một trong những mục tiêu, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Lê Ngọc Châu cho biết hệ thống này sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu công tác giám sát, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn... Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, tạo nền tảng cho phát triển chính quyền số, ĐTTM, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng nền tảng CSDL thông minh, đáp ứng công tác giám sát, chỉ đạo điều hành
IOC Hà Tĩnh gồm 7 phân hệ giám sát, điều hành
Hiện IOC Hà Tĩnh đã tích hợp 7 phân hệ giám sát, điều hành gồm chỉ tiêu kinh tế - xã hội; hệ thống hành chính công; quản lý văn bản điện tử; lĩnh vực y tế, giáo dục; lưu trú và hệ thống camera giám sát thông minh. Từ các phân hệ, tất cả dữ liệu được tự động tích hợp lên hệ thống, thể hiện bằng những bảng biểu trực quan và những phân tích dữ liệu chuyên sâu, phục vụ đắc lực công tác quản trị điều hành của các cấp ở mọi lúc mọi nơi, từ đó ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, bao gồm cả những vấn đề đột xuất, những tình huống khẩn cấp.
Theo Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh Lê Anh Tú, dữ liệu nhận được từ các Sở, Ngành, chính quyền địa phương, hệ thống IOC sẽ phân tích và đưa ra các biểu đồ trực quan, sinh động, giúp cho lãnh đạo tỉnh ra được các quyết định, cũng như hệ thống IOC sẽ sử dụng các công nghệ thông minh như AI để tiếp tục phân tích và đề xuất một số giải pháp cho lãnh đạo tỉnh tùy theo tình hình thực tiễn tại địa phương.
Trong thời gian tới, VNPT Hà Tĩnh sẽ cùng với Sở, Ban Ngành địa phương tiếp tục rà soát đầy đủ từng nhóm nội dung dữ liệu của các ngành các lĩnh vực để thực hiện đồng bộ và kết nối vào trong hệ thống IOC, đặc biệt là tiếp nhận các thông tin phản ánh từ người dân mọi nơi trên địa bàn tỉnh và giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, những yêu cầu của người dân kịp thời và tốt hơn nữa.
Đến nay, cả nước có 38/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai triển khai đề án ĐTTM. Việt Nam đã chủ động tiếp cận và định hướng phát triển ĐTTM từ khá sớm, bắt nhịp với các quốc gia trên thế giới; đã tích cực triển khai thực hiện CĐS; hạ tầng thông tin đã cơ bản được phủ sóng 4G; khả năng tiếp cận các dịch vụ về CNTT và tỷ lệ sử dụng các thiết bị di động ở mức khá cao so với thế giới./.