Trong những ngày gần đây, việc Xiaomi được cho là chi đến 2 triệu CNY, tương đương hơn 7 tỷ VND, để đổi logo, mà sự thay đổi dễ nhận thấy nhất chính là thay từ khung vuông sang bo tròn. Việc này đã gây xôn xao trên cộng đồng mạng và mới đây, CEO Bkav là ông Nguyễn Tử Quảng, đã có đôi lời về “góc bo icon'.
Theo ông, Bphone cũng dùng icon bo góc và đó là cả một quá trình nghiên cứu và phát triển của đội ngũ thiết kế đồ hoạ tại Bkav. “Tôi không dấu tự hào khi đã trực tiếp tham gia, định hướng để chúng tôi sở hữu được CÔNG NGHỆ LÕI khi thiết kế các góc bo như thế này!”, ông cho biết.
Ông Quảng còn nói rằng thiết kế icon bo góc trên Bphone còn khó hơn nhiều so với hình Super Ellipse mà Xiaomi áp dụng trên logo mới.
'Icon phóng to của Bphone và của một hãng khác. Để ý góc bo cong và đặc biệt là điểm ghép nối giữa nó với cạnh thẳng, bạn sẽ nhận ra điều khác biệt.
Một bên là góc bo bị răng cưa, điểm ghép nối có thể phân biệt rõ, một bên góc bo liền mạch và gần như KHÔNG NHẬN RA ĐƯỢC ĐIỂM GHÉP NỐI, khi đường cong được chuyển sang thẳng một cách mềm mại.' theo ông Quảng.
“Sở dĩ nó khó hơn vì Superellipse dù sao cũng đã được định nghĩa bằng một công thức toán học rõ ràng, bởi nhà toán học người Pháp Gabriel Lamé và về trực giác bạn biết rằng nó không có điểm ghép nối ĐẦY THÁCH THỨC giữa cong và thẳng.”
“Sau nhiều tuần báo cáo các phương án, bao gồm cả nghiên cứu hãng A đã làm như thế nào với góc bo của họ, vẫn chưa tìm được lời giải. Hóa ra đây là một NỖI BĂN KHOĂN LỚN CỦA CẢ GIỚI THIẾT KẾ TRÊN THẾ GIỚI chứ không chỉ với đội thiết kế của chúng tôi. Đội Thiết kế tìm được nhiều diễn đàn nói về vấn đề này, có những đội cất công nội suy góc bo của A ra một hàm số toán học vô cùng phức tạp.”
Cuối cùng, ông cho biết:
“Quay về tiêu đề của bài viết, vấn đề 7 tỷ VNĐ. Mấy hôm nay nhiều người nói đây là một chiêu PR, cũng có thể. Nhưng đến đây tôi tin các bạn cũng đã có suy nghĩ của riêng mình.
Để có được những công nghệ tốt thì hoặc bạn R&D nó để sở hữu từ LÕI, cũng tốn kém nhưng nó là của bạn, có thể tái sử dụng nhiều lần, hoặc bạn bỏ tiền ra mua nó, tốn kém nhưng nó vẫn không phải là của bạn. Nhưng biết sao được, nếu không thể R&D thì cũng phải mua thôi.”