Android Market (tiền thân của Google Play Store - CH Play) được ra mắt vào ngày 22/10/2008, khoảng một tháng sau khi thiết bị Android đầu tiên, HTC Dream được tung ra thị trường. Thời gian đầu ra mắt, Android Market chỉ có khoảng 13 ứng dụng, một con số quá nhỏ để có thể so sánh với 2.6 triệu ứng dụng hiện có.
Vào năm 2012, Google hợp nhất Android Market với Google Music và Google eBookstore thành Google Play như hiện tại. Mặc dù có những thay đổi về giao diện, nhưng các chức năng cốt lõi của cửa hàng Google Play vẫn xuất phát từ Android Market mười năm trước.
Dưới đây là 10 thống kê thú vị về Google Play được Android Authority chia sẻ nhân dịp “sinh nhật 10 tuổi” của kho ứng dụng và dịch vụ này, cùng theo dõi nhé.
1. Lượt tải xuống từ CH Play gấp đôi Apple App Store...
Mặc dù Apple App Store là một “ông lớn” trong ngành công nghiệp ứng dụng dành cho thiết bị di động, nền tảng này vẫn bị áp đảo về số lượt tải xuống so với Google Play Store.
Tỉ lệ lượt tải trên Google Play Store và Apple App Store 2012 - 2017
Trong năm 2017, cửa hàng Google Play chiếm 70% lượt tải xuống trên toàn thế giới, trong khi kho ứng dụng cho người dùng iOS chỉ chiếm 30%. Xu hướng qua các năm cho thấy Google Play Store sẽ còn tiếp tục mở rộng thị phần của mình trong những năm tới.
2. Nhưng doanh thu chỉ bằng 1 nửa của App Store
Mặc dù số lượt tải xuống ứng dụng chỉ bằng một nửa so với người dùng Android, người dùng iPhone và iPad vẫn chi tiêu nhiều tiền hơn. Trong năm 2017, tỉ lệ chi tiêu trên toàn thế giới giữa người dùng Android và iOS gần như trái ngược với tỉ lệ số lượt tải xuống, lần lượt là 34% và 66%.
Tỉ lệ chi tiêu trên Google Play Store và Apple App Store 2012 - 2017
Con số này ở các năm gần đây vẫn chung một xu hướng như vậy. Hiện vẫn chưa có số liệu cho năm 2018, nhưng khả năng Google Play đảo ngược tình thế là gần như bằng không.
3. Người dùng Android thích tải nhiều nhưng dùng ít
Mặc dù người dùng Android có xu hướng tải xuống rất nhiều ứng dụng nhưng thực tế, họ không sử dụng hết các ứng dụng đó. Theo thống kê, người dùng Android ở Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Brazil, Ấn Độ,... chỉ sử dụng khoảng 33 đến 40 ứng dụng.
Trong khi đó, người dùng Mỹ trung bình cài đặt tới 102 ứng dụng nhưng chỉ dùng khoảng 37 ứng dụng mỗi tháng.
Nguyên nhân chính yếu là vì có rất nhiều ứng dụng miễn phí, do đó người dùng có xu hướng tải xuống vì nghĩ họ sẽ cần dùng vào một số trường hợp nào đó trong tương lai.
4. Người dùng châu Á - Thái Bình Dương chi tiêu mạnh tay hơn châu Mỹ
Vào năm 2017, những dùng Android tại Châu Mỹ đã dành khoảng 6.2 tỷ USD cho các ứng dụng và dịch vụ trong cửa hàng Google Play. Con số tưởng chừng lớn nhưng chỉ bằng một nửa so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), khoảng 11.2 tỷ USD.
Thống kê lượt tải (trên) và chi tiêu (dưới) trên Google Play Store ở các khu vực
Một trong những lý do dẫn đến sự chênh lệch này là thói quen thanh toán qua nhà cung cấp dịch vụ di động của người dùng ở châu Á - Thái Bình Dương.
Google đã mở rộng hỗ trợ thanh toán cho nhà cung cấp dịch vụ ở khu vực APAC vào năm 2013, qua đó chi tiêu của người tiêu dùng ở các quốc gia APAC đã tăng thêm 15% chỉ trong một năm.
5. Game Android chỉ chiếm 41% lượt tải xuống nhưng chiếm tới 88% chi tiêu
Người dùng Android có xu hướng tải xuống các ứng dụng phục vụ công việc, học tập nhiều hơn các nhóm ứng dụng khác. Tuy nhiên, nhóm ứng dụng trò chơi và các dịch vụ giải trí mới là nhóm được chi tiêu nhiều hơn.
Trong năm 2017, có tổng cộng 71.4 tỉ lượt tải xuống trên cửa hàng Google Play ứng với số tiền người dùng đã chi tiêu là 22 tỉ USD. Trong đó, các trò chơi Android chiếm tới 19.4 tỉ USD chi tiêu, khoảng 88%.
6. Nhật Bản là quốc gia chi tiêu cho ứng dụng nhiều nhất
Mặc dù dân số Nhật Bản chỉ bằng 39% dân số Hoa Kỳ, người dùng Nhật đang tiêu nhiều tiền hơn vào các ứng dụng so với Hoa Kỳ. Cụ thể, Nhật Bản đã chi hơn khoảng 5.8 tỉ USD so với Mỹ cho các ứng dụng từ tháng 1/2012 đến tháng 8/2018.
Quốc gia chi tiêu nhiều thứ ba trong cùng khoảng thời gian đó là Hàn Quốc, ít hơn 13.9 tỉ USD so với Nhật Bản và 8.1 tỉ USD so với Hoa Kỳ.
7. Các ứng dụng kiếm tiền chiếm tỉ lệ rất nhỏ
Hiện có khoảng 2.6 triệu ứng dụng trên cửa hàng Google Play. Trong đó, có một số ứng dụng kiếm tiền, nhưng phần lớn không kiếm được nhiều tiền trực tiếp từ cửa hàng Google Play.
Thực tế, chỉ có 1.697 ứng dụng kiếm được hơn 1 triệu USD và 330 ứng dụng kiếm được hơn 10 triệu USD từ cửa hàng Google Play vào năm 2017, con số này chỉ chiếm khoảng 0,013 phần trăm tổng số ứng dụng hiện có.
Đa số các ứng dụng kiếm tiền lớn không có thu nhập trực tiếp từ Google Play Store mà họ kiếm tiền từ dữ liệu của người dùng.
8. Tinder là ứng dụng có doanh thu khủng
Từ tháng 1/2012 đến tháng 8/2018, số tiền mà Tinder kiếm được từ cửa hàng Google Play còn cao hơn cả Netflix, Pandora và HBO. Có thể nói, đây là một ứng dụng hẹn hò hàng đầu khi nói đến doanh thu.
9. Facebook sở hữu 4 ứng dụng có lượt tải nhiều nhất
Danh sách 10 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên cửa hàng Google Play đều khá quen thuộc. Đáng nói là 4 cái tên đứng đầu đều thuộc sở hữu của Facebook.
Từ tháng 1/2012 đến tháng 8/2018, Facebook là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất từ Google Play Store. Ứng dụng số hai là WhatsApp, được sở hữu bởi Facebook.
Vị trí thứ 3 và thứ 4 cũng là các ứng dụng của Facebook, lần lượt thuộc về Facebook Messenger và Instagram.
10. Đèn pin là ứng dụng phổ biến hàng đầu
Đã có một thời gian các thiết bị Android không tích hợp ứng dụng đèn pin. Nếu muốn sử dụng đèn flash của máy ảnh làm đèn pin, bạn phải cài đặt ứng dụng của bên thứ ba.
Do đó các ứng dụng đèn pin cực kỳ phổ biến đối với người dùng Android. Trên thực tế, từ năm 2008 đến năm 2016, ứng dụng đèn pin luôn xuất hiện trong danh sách các ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trong năm
Nguồn : http://xdavn.com/tin-tuc/google-play-store-tron-10-tuoi-10-thong-ke-khong-phai-ai-cung-biet-1717.html