Trong nhiều trường hợp khác nhau, bạn phải tính phần trăm theo những cách khác nhau và có thể làm các bạn phân vân. Trong đó chúng ta hay thấy nhất là tính phần trăm chênh lệch doanh thu giữa hai năm, % của 1 con số, hay tính % lãi xuất ngân hàng, tính phần trăm tăng trưởng, phần trăm hoàn thành, phần trăm lợi nhuận.
Không phải ai cũng giỏi tính toán để thực hiện tính phần trăm một cách chính xác nhất, nếu bạn không mạnh về khoản tính toán thì có thể làm theo một vài hướng dẫn dưới đây để tính phần trăm nhanh nhất và chính xác nhất nhé.
I. Tính phần trăm doanh thu chênh lệch giữa hai năm, tính phần trăm tăng trưởng của năm sau so với năm trước
1. Ví dụ thứ nhất
Ở đây ta lấy ví dụ là Công ty XYZ có tổng doanh thu năm 2016 là 120 tỷ đồng. Doanh thu năm 2017 là 136 tỷ đồng. Để tính phần trăm tăng trưởng doanh thu năm 2017 là bao nhiêu thì chúng ta có công thức tính như sau.
Phần trăm tăng trưởng 2017 = (Doanh thu năm 2017 - Doanh thu 2016)/Doanh thu 2016 * 100 ==> (136 - 120)/120 * 100 = 13.33(%).
Như vậy ta có thể kết luật rằng, công ty XYZ có mức tăng trưởng hơn 13% so với năm 2016
2. Ví dụ 2
Một ví dụ khác về giá cổ phiếu như Giá cổ phiếu của Apple trước khi ra mắt iPhone X là: 112,1 USD/1 cổ phiếu, sau khi ra mắt iPhone X, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng rằng sẽ bán được nhiều hơn thiết bị đó, nên mức cổ phiếu đã tăng lên 120,53 USD/ 1 cổ phiếu.
Như vậy cổ phiếu của Apple đã tăng bao nhiêu %, chúng ta sẽ tính theo công thức dưới đây.
Phần trăm tăng = (Giá cổ phiếu sau khi ra mắt - Giá cổ phiếu trước khi ra mắt)/ Giá cổ phiếu trước khi ra mắt * 100 ==> (120,53 - 112,1)/112,1 * 100 = 7.52(%).
Như vậy có thể kết luận rằng giá cổ phiếu Apple đã tăng khoảng 7.52 % sau khi ra mắt iPhone X.
Bạn có thể áp dụng tương tự khi tính lợi nhuận của năm sau với năm trước, quý sau so với quý trước, tháng sau so với tháng trước... chỉ bằng một công thức chung như trên.
Trong trường hợp năm sau giảm hơn so với năm trước thì số % sẽ là số âm, tức là thay vì tăng thì sẽ giảm bằng chính số % đó.
Ví dụ như doanh thu năm 2016(136 tỷ đồng) cao hơn so với 2017(120 tỷ đồng) ở ví dụ 1 thì ta sẽ có kết quả như sau:
(120 - 136)/136 * 100 = -11,76% ==> doanh thu giảm 11,76%.
(% tăng trưởng, lợi nhuận...) = (Năm sau - Năm trước)/Năm trước * 100 = kết quả.
II. Cách tính phần trăm hàng hóa
Nhiều người đi mua sắm sẽ được giảm giá theo phần trăm, ví dụ như bạn mua một cái Samsung Galaxy S9 với giá là 19 triệu đồng và được khuyến mại giảm giá 9%.
Như vậy câu hỏi là bạn sẽ được giảm bao nhiêu tiền và sẽ phải mua chiếc S9 đó với giá là bao nhiêu? Chúng ta sẽ có công thức tính như sau:
Số tiền giảm = Số phần trăm * Giá tiền / 100 ==> 9 * 19.000.000 / 100 = 1.710.000. Như vậy là bạn được giảm giá 1.710.000 đồng và chỉ mua với giá là 17.290.000 đồng.
Nếu muốn tính nhanh hơn bạn có thể tính ra số thập phân của % trước, ví dụ được giảm 9% thì sẽ lấy 9 chia cho 100 = 0.09 và nhân với mức giá là sẽ ra '(9/100 * 19.000.000) = 1.710.000'.
Tương tự như trên khi mua một số hàng hóa, hay là đặt cọc trước một hợp đồng mua bán nào đó thì thường bạn sẽ phải thanh toán 1 số % nhất định.
Chẳng hạn như khi mua 1 căn nhà với giá 3.4 tỷ đồng và bạn phải đặt trước 15%. Thì số tiền đặt cọc sẽ được tính như sau: 3.400.000.000 * 15 / 100 = 510.000.000 (510 triệu)
Số tiền được giảm = Số phần trăm * Giá tiền / 100
III. Tính phần trăm hoàn thành/ định mức đạt được
Ví dụ như Công ty XYZ đặt mục tiêu doanh thu cho cả năm 2017 là 180 tỷ đồng. Thế nhưng chỉ đến quý 3 năm 2017 đã đạt mức doanh thu là 165 tỷ đồng, hoặc đã vượt định mức với 195 tỷ đồng thì chúng ta sẽ tính như sau:
Với doanh thu đạt được 165 tỷ đồng ta sẽ có:
Số phần trăm đã đạt được = 165/180 * 100 = 91.66 (%)
==> Như vậy là chỉ sau quý 3 thì doanh thu đã đạt được 91.66% so với mục tiêu đề ra.
Còn với doanh thu đạt được 195 tỷ đồng ta sẽ có:
Số phần trăm đã đạt được = 195/180 * 100 = 108 (%)
==> Như vậy là chỉ sau quý 3 thì doanh thu đã vượt mức 8% so với mục tiêu đề ra.
% Đã đạt được = Doanh thu đã đạt được / Doanh thu đặt ra * 100
IV. Tính lãi suất ngân hàng
Cái này dùng để tính phần trăm khi bạn thực hiện gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng và đó là lãi xuất % một năm là bao nhiêu hoặc % một tháng là bao nhiêu.
Lấy ví dụ như ngân hàng AFC có mức lãi xuất 12 tháng là 8% và 6 tháng là 6,5%. Vậy ở đây số tiền bạn lãnh sẽ là bao nhiêu?
Đầu tiên chúng ta phải hiểu rằng, các mức lãi xuất mà ngân hàng đưa ra đều tính dựa trên 1 năm. tức là lãi suất 8% 1 năm, hoặc 6,5% 1 năm chứ không phải bạn được lãnh 8% một năm và 6,5% cho 6 tháng nhé, nghĩa là khi gửi 6 tháng thì bạn chỉ nhận được 1 nửa số % lãi suất ngân hàng đưa ra (6/12).
Ví dụ như gửi vào 350.000.000 đồng trong vòng 1 năm với lãi suất là 8% bạn sẽ được nhận mức tiền lãi là: 350.000.000 * 8 / 100 * 12/12 = 28.000.000 đồng.
Còn nếu gửi 350.000.000 đồng trong vòng 6 tháng với lãi suất 6,5% bạn sẽ nhận được mức lãi suất là: 350.000.000 * 6.5 / 100 * 6/12 = 11.375.000 đồng.
Lãi suất = Số tiền gửi * % lãi suất / 100 * thời gian gửi/thời gian gửi
V. Phần trăm chiếm trên tổng số
Đây cũng là cách tính phần trăm hay gặp nhất, ví dụ trong một công ty có 56 nam và 45 nữ, để biết số phần trăm nhân viên nữ là bao nhiêu ta có công thức sau:
% nhân viên nữ = Số nhân viên nữ / (Số nhân viên nam + Số nhân viên nữ) * 100 ==> 45/(56+45) * 100 = 44.55 (%)
Như vậy là số phần trăm nhân viên nữa chiếm hơn 44% tổng số nhân viên của công ty, nếu muốn biết số % của nhân viên nam bạn chỉ cần lấy 100 trừ đi 44,55% là ra số phần trăm nhân viên nam.
% nhân viên nữ = Số nhân viên nữ / (Số nhân viên nam + Số nhân viên nữ) * 100
VI. Tính phần trăm trên Excel, WPS Spreadsheets
Không có gì lạ khi Excel của Microsoft Office được đưa vào đây, công cụ văn phòng này giúp bạn thống kê và tính toán được rất nhiều thông số khác nhau, và tất nhiên là trong một thời điểm nào đó sẽ phải tính số %. Tùy vào từng trường hợp mà cách tính sẽ khác nhau. Ngoài ra bạn có thể sử dụng Spreadsheets của WPS.
Tuy nhiên thì bạn có thể dựa theo 1 cách dễ nhất đó là tính % ra số thập phân sau đó format định dạng % để hiển thị số %, cụ thể hơn các bạn có thể theo dõi cách làm dưới đây với WPS SpeardSheets.
Bước 1: Ví dụ bạn được yêu cầu tính số lượng % hàng đã bán ra, đơn giản chỉ cần lấy số hàng đã bán chia cho tổng số hàng (không nhân với 100 nhé).
Bước 2: Lúc này, giá trị mà bạn vừa thực hiện chia sẽ được hiển thị với số thập phân (nhỏ hơn 1 và lớn hơn 0), tùy vào từng bài tính mà nó có thể lớn hơn 0 và nhỏ hơn 1.
Tiếp đó, bôi đen tất cả và bấm chuột phải vào đó, rồi chọn Format Cells.
Bước 3: Tại bảng Format Cells, trong phần Category hãy chọn Percentage để chuyển giá trị thành phần trăm. Còn dòng Decimal Places là hiển thị số làm tròn sau dấu phẩy, tùy bạn có thể chọn 2 hoặc 4 số để giá trị được hiển thị chi tiết trên phần Sample.
Hoặc không thích bạn có thể chọn số 0 để giá trị được làm tròn và bấm OK.
Và chúng ta sẽ có kết quả như sau.
Với số phần trăm hàng hóa còn lại bạn có thể lấy 1 trừ đi phần trăm số hàng đã bán, rồi chọn chuyển thành hiển thị phần trăm với Format Cells như trên.
Hy vọng những cách tính phần trăm trên đây sẽ giúp ích cho các bạn trong học tập và công việc!