Hôm nay, CEO Mark Zuckerberg đã đăng một bài post giải thích cụ thể về tình hình, ông thừa nhận đây là lỗi của Facebook nhưng không có lời xin lỗi nào được đưa ra. Zuckerberg nói thêm rằng sắp tới công ty sẽ siết chặt việc truy cập thông tin cá nhân của các app bên thứ ba có sử dụng chức năng liên kết tài khoản, tự động xóa dữ liệu mà app truy cập sau 3 tháng bạn không dùng app, cũng như tiến hành điều tra kĩ hơn về vụ việc rò rỉ thông tin. Facebook cam kết sẽ thông báo cho tất cả những tài khoản nào nằm trong tầm ảnh hưởng của vụ việc.
À nhân tiện, việc comment chữ BFF lên Facebook mà có đổi màu hay không chỉ đơn giản là một tính năng chúc mừng của Facebook, không liên quan gì đến bảo mật hay an toàn tài khoản. Hãy tỉnh táo, suy nghĩ kĩ và đừng để bị lừa nhé anh em!Bấm để mở rộng...
Mọi chuyện bắt đầu vào sáng sớm hôm qua khi một công ty phân tích, quảng cáo, tiếp thị mang tên Cambridge Analytica được cho là đã sử dụng dữ liệu của khoảng 50 triệu người dùng Facebook nhằm gây tác động đến việc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Cambridge Analytica có thể có mối quan hệ mật thiết với tổng thống Trump. Việc can thiệp vào bầu cử tổng thống của Cambridge Analytica vẫn đang được các nhà điều tra tìm hiểu riêng.
Quay trở lại với Facebook, làm sao mà Cambridge Analytica có thể truy xuất được lượng dữ liệu khổng lồ này từ mạng xã hội lớn nhất thế giới? Mark Zuckerberg giải thích:
Năm 2007, Facebook ra mắt Facebook Platform, một tính năng cho phép các ứng dụng hoặc website bên thứ ba tích hợp Facebook vào nội dung của app. Ví dụ, ứng dụng lịch của bạn không chỉ hiển thị ngày sinh của những người bạn tự ghi chú mà còn cả những người có quan hệ với bạn trên Facebook nữa, hay danh bạ tự hiển thị avatar Facebook cũng là một cách mà các app có thể khai thác Facebook Platform. Để được truy cập vào những dữ liệu này, người dùng phải đăng nhập tài khoản Facebook vào app bên thứ ba.
Năm 2013, một nhà nghiên cứu đến từ Đại học Cambridge có tên Aleksandr Kogan đã tạo ra một app giải đố tính cách. App này được khoảng 300.000 người cài đặt, những người này đồng ý chia sẻ dữ liệu của mình cũng như của bạn bè trên Facebook với app. Lúc đó, Facebook chưa siết chặt cách mà các app có thể truy xuất thông tin nên điều này có nghĩa là Kogan đã có trong tay dữ liệu của hàng triệu người dùng Facebook.
Năm 2014, trong nỗ lực ngăn chặn việc lạm dụng thông tin, Facebook thay đổi nền tảng của mình, hạn chế rất nhiều dữ liệu mà các app có thể truy cập. Những ứng dụng giống như cái mà Kogan làm không thể lấy được data của bạn bè của người dùng nữa trừ khi những người bạn này cho phép. Facebook cũng yêu cầu app phải được Facebook duyệt để tránh ăn cắp thông tin, và biện pháp đó vẫn có tác dụng cho đến tận hôm nay.
Năm 2015, Facebook được tờ The Guardian thông báo rằng Kogan đã chia sẻ dữ liệu mà app mình thu thập từ trước với Cambridge Analytica. Điều này trái với quy định của Facebook khi app đã chia sẻ dữ liệu người dùng mà không được họ đồng ý, do đó Facebook ngay lập tức cấm app của Kogan, đồng thời yêu cầu người này cũng như Cambridge Analytica xác thực bằng văn bản rằng họ đã xóa hết mọi dữ liệu nằm trong vụ việc. Họ đã cung cấp đủ bằng chứng cho Facebook.
Tuần trước, cũng tờ The Guardian, có thêm The New York Times và Channel 4 nói rằng Cambridge Analytica có thể đã không xóa hết mọi dữ liệu như họ nói vào năm 2015. Ngay lập tức Facebook cũng cấm mọi hoạt động của Cambridge Analytica trên mạng xã hội này. Cambridge Analytica khẳng định họ đã xóa sạch mọi thứ, họ cũng đồng ý để Facebook thuê một công ty độc lập đến kiểm tra và xác nhận xem lời nói của Cambridge Analytica có đúng hay không. Song song đó, Facebook cũng làm việc với các nhà hành pháp.
Việc này cho thấy một sự rạn nứt về niềm tin giữa Kogan, Cambridge Analytica, Facebook, và cũng làm người dùng thiếu tin tưởng Facebook trong việc kiểm soát, chia sẻ dữ liệu mà đáng ra Facebook phải làm tốt hơn. Zuckerberg thừa nhận điều này, và đưa ra một số bước đi kế tiếp để khắc phục.
1. Facebook sẽ điều tra lại tất cả mọi ứng dụng đã truy cập một lượng lớn thông tin người dùng trước năm 2014, họ sẽ điều tra kĩ tất cả những app có hàng vi đáng ngờ và cấm những nhà phát triển nào không đồng ý để Facebook kiểm tra. Nếu Facebook phát hiện app nào vi phạm chính sách, họ sẽ cấm app đó, cấm luôn nhà phát triển và thông báo cho những người dùng bị ảnh hưởng.
2. Sắp tới Facebook sẽ tiếp tục siết chặt những thông tin mà các app được phép sử dụng. Ví dụ, Facebook sẽ không cho phép app truy cập vào dữ liệu của bạn nếu bạn không xài app hơn 3 tháng. Lượng thông tin mà app được phép truy cập cũng sẽ bị giới hạn chỉ còn hình đại diện, tên và địa chỉ email. Facebook sẽ yêu cầu các app kí một hợp đồng để bảo mật trong trường hợp app muốn truy cập vào dữ liệu bài post hay những dữ liệu nhạy cảm khác. Trong vài hôm tới Facebook sẽ chia sẻ nhiều hơn về những chính sách mới.
3. Trong tháng 4, Facebook sẽ ra mắt một công cụ nằm ngay trên News Feed để bạn biết những app nào mình đã xài, đồng thời dễ dàng xóa bỏ quyền truy cập dữ liệu của những app nào bạn muốn. Hiện công cụ này nằm ẩn bên trong khu vực Privacy nên không phải ai cũng thấy.
Ngoài chuyện của Facebook, mình cũng muốn cảnh báo với tất cả anh em rằng dữ liệu của anh em đăng trên mạng xã hội, từ hình ảnh, dữ liệu post, sở thích cho đến mối quan hệ với bạn bè... đều đang bị nhiều công ty khai thác. Những công ty này sẽ dùng dữ liệu của bạn cho các mục đích quảng cáo, tiếp thị, bán cho đối tác và hơn thế nữa. Bạn nghĩ bạn an toàn, bạn nghĩ bạn chẳng đăng gì thì không ai biết về bạn? Sai rồi, bạn bè của bạn sẽ giúp các công ty biết được nhiều hơn về bạn ngay cả khi bạn chẳng làm gì trên Facebook. Hãy cẩn thận với mọi hành động trên Facebook nhé.