Trang công nghệ TechTastic là những người đầu tiên phát hiện ra bằng sáng chế này, trong đó nêu chi tiết về một chiếc bút cảm ứng (stylus) có thể viết trên mọi bề mặt, sau đó những gì chiếc bút ghi ra sẽ được gửi dữ liệu đó đến bất kì thiết bị nào đang ghép đôi với nó.
Theo một số thông tin thì bằng sáng chế này được Apple đăng kí từ tháng 7 năm ngoái, nhưng phải đến tháng 1 năm nay mới được công bố.
Bằng sáng chế cho biết, chiếc bút cảm ứng sẽ sử dụng kết nối không dây với một cảm biến gắn ngoài, có khả năng theo dõi độ dài nét bút, lực nhấn bút trên một bề mặt không cảm ứng, các chuyển động và phương hướng trong không gian ba chiều, và nhiều nét bút liên tục.
Mọi dữ liệu thu được sẽ chuyển đến cảm biến thông qua một số loại tín hiệu tần số sóng vô tuyến hoặc tần số âm thanh.
Với chiếc bút cảm ứng này, bạn không cần phải sở hữu một màn hình cảm ứng hay một chiếc tablet đắt đỏ để phục vụ cho các tác vụ như vẽ, viết hay thiết kế kỹ thuật. Bạn thậm chí có thể dùng bút này để ghi chú trong quá trình chiếu PowerPoint, hay phác thảo một bản thiết kế trên máy tính bàn.
Điều đặc biệt ở đây là quy mô tiềm năng của thiết bị. Hình ảnh ở trên cho chúng ta thấy một cặp cảm biến được gắn lên các thiết bị điện tử dùng để “đo” các nét vẽ ở khá gần màn hình. Còn hình vẽ bên dưới lại cho thấy một thiết kế mang hơi hướng thực tế ảo (VR), với các cảm biến được đặt quanh căn phòng nơi bạn sử dụng bút.
Các game VR như Tilt Brush của Google dành cho Oculus Rift và HTC Vive đều phải dựa vào các cảm biến đặt trong phòng và các điều khiển cảm ứng, cho phép người dùng phác thảo các hình ảnh 3D ở giữa không khí.
Bút cảm ứng này của Apple sẽ không chỉ hoạt động với các màn hình 2D, mà về lý thuyết có thể đóng vai trò là một món phụ kiện dành cho kính thực tế ảo tăng cường mà Apple được đồn đoán là đang phát triển. Người dùng có thể vẽ các thiết kế 3D trong khi vẫn nhìn thấy không gian xung quanh bản vẽ.
Xét việc thiết bị này gởi tín hiệu đến các cảm biến, chúng ta có thể đoán được nó sẽ được tích hợp một loại cảm biến gia tốc, tương tự như một số thiết bị điều khiển chuyển động như Oculus Touch.
Hoặc chiếc bút này có thể chỉ gởi tín hiệu liên quan lực nhấn của nó lên các bề mặt, còn các cảm biến gắn ngoài sẽ đảm nhiệm việc theo dõi vị trí của nó trong không gian 3 chiều.
Chiếc bút cảm ứng Apple Pencil hiện chỉ hoạt động trên iPad Pro, nhưng năm ngoái một bằng sáng chế đã cho ta thấy Pencil 2 sẽ hoạt động cả trên iPhone nữa, và sẽ ra mắt vào năm 2019. Chưa hết, một bản vẽ khác còn cho thấy chiếc bút cảm ứng này kết nối với cả iPad, iPhone, Watch và iPod.
Techradar nói rằng, nhiều khả năng bằng sáng chế mới nhất này cho thấy đây là chiếc Apple Pencil thứ 3 đang được phát triển song song với chiếc Apple Pencil 2 đã nói ở trên. Apple thường làm cho các thiết bị mới tương thích ngược với các thiết bị ngoại vi cũ của mình, do đó nếu chiếc bút này thành hiện thực, hẳn người dùng Apple lâu năm đang sở hữu các thiết bị cũ sẽ khá hào hứng.
Tất niên, chúng ta vẫn chưa rõ liệu Apple Pencil 3 có thành hiện thực hay không, nhưng rõ ràng nó có tiềm năng rất lớn trong ứng dụng thiết kế 3D và AR, và chỉ riêng việc nó có thể hoạt động hầu hết trong các môi trường nào đã là một điều cực kì hấp dẫn rồi.
Tech Funny