Trong đây mình sẽ giải thích về việc bảo hành Mac, iPad, iPhone theo chính sách toàn cầu của Apple, khi nào thì bạn phải trả tiền, khi nào thì không (hầu hết trường hợp thôi, không phải tất cả), những lưu ý riêng dành cho iPhone xách tay cũng như cách mua gói Apple Care để mở rộng thời gian bảo hành cho thiết bị của bạn. Nếu bạn có thắc mắc hay câu hỏi gì mình chưa đề cập trong bài thì hãy comment vào nhé, mình và các anh em khác sẽ cố gắng hỗ trợ bạn.
Mac và iPad có được bảo hành toàn cầu không?
Với hai loại thiết bị này, trừ iPad 4G LTE, Apple áp dụng chính sách bảo hành toàn cầu không quan trọng bạn mua máy ở đâu và mua từ ai. Khi đi bảo hành Mac và iPad bạn không cần đem theo bất kì giấy tờ gì để chứng minh quyền sở hữu hay chứng minh bạn là chủ máy, mọi thứ sẽ được quyết định dựa trên số series của máy. Cứ xách máy tới trung tâm bảo hành là xong, bạn sẽ được hỗ trợ tiếp.
Ghi chú: đa số phụ kiện, ví dụ cục sạc, cáp, mua từ nước ngoài về sẽ không được bảo hành chính hãng tại Apple. Apple chỉ bảo hành toàn cầu cho phụ kiện đi kèm theo máy của bạn mà thôi. Những thứ như Smart Keyboard thì mình không rõ vì chưa phải bảo hành bao giờ.
iPhone và Apple Watch có bảo hành toàn cầu không?
Với iPhone, nếu máy của bạn mua không phải là máy locked (khóa mạng, hợp đồng nhà mạng), đa phần bạn sẽ được bảo hành tại Việt Nam. Trước đây có một số trường hợp cần chứng minh hóa đơn mua hàng, nhưng dạo gần đây có vẻ như Apple đã nới lỏng chính sách này khi nhiều người đã được bảo hành thành công iPhone xách tay mà không cần đưa bất kì giấy tờ gì. Với các iPhone xách tay mua tại Apple Store hoặc các đại lý bán lẻ ở nước ngoài theo dạng SIM free (không khóa mạng, bản global), bạn sẽ được bảo hành như bình thường, nếu có hóa đơn thì cũng nên giữ lại lỡ khi cần.
Còn một trường hợp nữa là iPhone nhà mạng nhưng được unlock để thành bản global. Ví dụ, bạn mua iPhone từ T-Mobile, sau đó bạn trả tiền luôn 1 lần (one time payment) và biến nó thành bản không khóa mạnh. Trường hợp này vẫn được nhận bảo hành tại Việt Nam. Tham khảo thêm ở topic này: Đi bảo hành iPhone X T-Mobile xách tay 1 đổi 1 tại Việt Nam.
Còn nếu iPhone của bạn mua chính hãng tại Việt Nam, hay còn gọi là hàng FPT, hàng FPT Trading, hàng của Thế Giới Di Động, Viettel, VienThongA... thì đương nhiên được bảo hành chính hãng và không cần hóa đơn gì, cái này thì không có gì phải nói rồi.
Chính sách bảo hành của Apple Watch tương tự như iPhone. Mình chưa đi bảo hành Apple Watch bao giờ, mời anh em nào rành thì chia sẻ thêm nhé.
Khi nào thì được bảo hành 1 đổi 1?
Nếu sản phẩm của bạn có khả năng thay thế được linh kiện bị hư hỏng, Apple sẽ ưu tiện chọn phương án thay thế. Mac là ví dụ dễ thấy nhất, có rất ít trường hợp bạn được đổi nguyên máy mới vì Apple không có nhiều lý do để làm chuyện này. iPad, iPhone đôi khi cũng có thể không đổi mới mà chỉ sửa cái nào bị hỏng thôi. Mình đã từng đi sửa cụm camera iPhone 6 Plus bị mất focus, và trung tâm bảo hành chỉ thay đúng camera thôi.
Với những dòng iPhone chống nước, mình đã thấy nhiều trường hợp được đổi máy mới hoàn toàn khi bị hư hỏng lớn về màn hình, cụm camera, bo mạch, lỗi cảm ứng hay máy bị khởi động lại liên tục, gần đây nhất là có một số trường hợp iPhone X, iPhone 8, 8 Plus đã được đổi máy dù là hàng xách tay. Chưa rõ khi hư hỏng những linh kiện nhỏ hơn và ít quan trọng hơn thì Apple sẽ làm thế nào.
Với Apple Watch, Apple sẽ không sửa chữa mà chỉ thay mới cho bạn.
Khi nào thì bạn cần trả tiền dù vẫn còn hạn bảo hành
Trong hầu hết trường hợp, bạn sẽ được bảo hành miễn phí hoàn toàn, không tốn 1 đồng nào cả, trừ khi:
- Máy của bạn đã hết hạn bảo hành (tất nhiên, nhưng cũng tùy, Apple hay có mấy chương trình thay thế free ngay cả khi đã hết hạn)
- Máy của bạn đã bị vào nước bên trong (chống nước không có nghĩa là bạn được ngâm nước nó dưới biển hay hồ, khi đó chết máy sẽ bị mất bảo hành)
- Máy của bạn bị hư hỏng do chính bạn gây ra (ví dụ: làm rơi máy, va đập làm nứt màn hình, tức giận bồ đập máy vào tường, vô tình làm rơi...)
- Riêng với Apple Watch, nếu bạn gây lỗi do bạn, Apple có chính sách thu hồi và bù tiền để đổi đồng hồ mới cho bạn
Có nhiều anh em phản ánh rằng vì sao bảo hành vẫn thu thêm các khoản phí, hoặc không bảo hành nhưng vẫn thu phí, thì đây là lý do:
- Nếu trung tâm bảo hành Apple kiểm tra và phát hiện ra máy của bạn đã bị can thiệp không phải bởi trung tâm bảo hành chính hãng, họ sẽ từ chối bảo hành, và bạn buộc phải trả vài trăm nghìn đồng tiền phí lao động (labor cost) cho công ty. Tất cả trung tâm bảo hành đều thông báo với bạn điều này, và không chỉ Apple mà hãng khác cũng thế. Công bằng thôi, bạn sửa ở tiệm nào đó bên ngoài, xong bạn yêu cầu Apple bảo hành cho bạn thì làm sao Apple lỗi thật sự do hãng hay do cửa tiệm đó can thiệp, liệu họ có làm gì thêm với thiết bị của bạn hay không?
Có nên mua AppleCare? Mua như thế nào?
AppleCare là tên gói mở rộng bảo hành của Apple. Ngoài ra còn có gói AppleCare+ nữa nhưng ở Việt Nam mình không thấy bán. AppleCare là một cái hộp, trong cái hộp đó có một mã code để bạn nhập vào và đăng kí mở rộng bảo hành cho thiết bị của mình.
AppleCare cần mua riêng, nó sẽ tăng thời gian bảo hành của thiết bị lên thành 3 năm (1 năm tiêu chuẩn + 2 năm mở rộng) với máy tính Mac hoặc lên thành 2 năm với iPod, iPad, iPhone và Apple TV. Đồ Apple khi cần sửa chữa thì rất đắt, nhất là Mac, nên bạn có thể cân nhắc mua AppleCare để sử dụng. Với iPhone thì không cần vì vòng đời ngắn, có khi sang năm sau là bạn mua máy mới mất rồi.
Với iPhone, mình nghe nói bạn phải mua AppleCare ngay khi vừa mua điện thoại (chưa xác thực xem tin này đúng hay không), còn với Mac, bạn có thể mua sau đó, miễn là Mac của bạn còn trong hạn bảo hành (đã xác thực). Mình đã từng mua AppleCare cho cái Mac đang sử dụng, không có chuyện phải mua trước 90 ngày hay gì cả. Cứ còn hạn bảo hành là chiến. Mình cũng đã gặp một bạn kia chỉ còn 1 ngày nữa là hết hạn bảo hành, mua AppleCare áp vào vẫn ổn.
Gói AppleCare ở Việt Nam khá hiếm, nhất là gói cho Mac, cho iPhone thì gần như không thấy xuất hiện luôn. Gói cho Mac bạn có thể mua tại các đại lý, cửa hàng hoặc trung tâm bảo hành ủy quyền Apple như FutureWorld, TharkalOne, FPT, iCenter, KTC. Mình thì chọn cách mua gói AppleCare từ nước ngoài, sẽ rẻ hơn nhiều khi có đợt giảm giá, mua về áp vào vẫn y như khi bạn mua chính thức tại Việt Nam.
Với Mac, AppleCare cho MacBook / MacBook Pro 13' / MacBook Air sẽ rẻ hơn so với MacBook Pro 15'. Gói cho Mac Pro lại là gói khác nữa. Bạn nên gọi hỏi trung tâm bảo hành hoặc xem kĩ model của máy mình.
Để biết thiết bị của bạn có thể dùng AppleCare hay không, bạn có thể truy cập link này: https://checkcoverage.apple.com, nhập số series và nếu vẫn còn mua được AppleCare, bạn sẽ thấy dòng 'Eligible for AppleCare'.
Vị trí trung tâm bảo hành
Ở Việt Nam có khá nhiều trung tâm bảo hành ủy quyền. TharkalOne, FPT, iCenter, KTC là những cái tên quen thuộc, và bạn có thể đến bất kì chỗ nào gần bạn nhất. Mình thì thích TharkalOne nhất vì thái độ nhân viên tốt, bảo hành nhanh, kĩ, giải thích rõ lý do vì sao máy hỏng và khi nào thì cần trả tiền.
Để tìm được nơi bảo hành Apple chính hãng gần bạn nhất, hãy vào link này: https://locate.apple.com/vn/en/service/?pt=all&lat=10.794633&lon=106.737408&address=5 đường số 24, bình trưng, thành phố hồ chí minh, việt nam. Bạn có thể thay đổi địa điểm tìm kiếm cho phù hợp với vị trí mình đang ở.