Đã từ rất lâu rồi người ta không được chứng kiến các cuộc cách mạng mang tính đột phá của thiết bị di động nữa. Liệu có phải smartphone ngày nay đã đạt tới giới hạn của sự sáng tạo?
Thời tiền iPhone
Khi Steve Jobs trình diễn chiếc iPhone đầu tiên của mình, ông đã phát biểu rằng: 'Today, Apple is going to reinvent the phone' (Ngày hôm nay, Apple sẽ tái phát minh ra điện thoại). Dù thế nào đi chăng nữa chúng ta không thể phủ nhận rằng iPhone đã làm thay đổi cả một ngành công nghiệp di động, phân chia quá trình phát triển của chiếc điện thoại thành hai giai đoạn: tiền iPhone và hậu iPhone.
Kể từ ngày đó, điện thoại di động ngày càng cải tiến, thiết kế lớn hơn, hiệu năng nhanh hơn, cấu hình mạnh mẽ hơn, nhiều tính năng thông minh hơn. Nhưng, về tổng thể thì thiết kế smartphone đều chung một đặc điểm là có hình chữ nhật cùng màn hình cảm ứng ở phía trước, chưa thực sự độc đáo. Phải chăng, thiết kế đó đã đạt tới cảnh giới của sự sáng tạo?
Vào những năm 1960 xuất hiện chiếc điện thoại có nút bấm đầu tiên với các chức năng nghe gọi cơ bản. Nhiều năm sau đó, điện thoại quay số vẫn cố gắng tồn tại và vẫn được sử dụng khá phổ biến. Nhưng càng về sau, người ta lại càng càng sử dụng điện thoại bấm nút nhiều hơn vì thao tác đơn giản và dễ dùng. Ngoài ra, các âm thanh được tạo ra bằng cách bấm nút đã kéo theo sự phát triển của hàng loạt công nghệ khác như quay số tự động, hộp thư thoại được bảo vệ bằng mật khẩu, mua hàng qua điện thoại.
55 năm sau điện thoại bấm nút vẫn là một thiết bị không thể thiếu trên bàn làm việc của mỗi người. Tuy được gọi với cái tên khác là VOIP (Voice over Internet Protocol – truyền giọng nói trên giao thức IP) có dây hoặc không dây nhưng về bản chất vẫn là một chiếc điện thoại từ những năm 60.
Điều đó cho thấy, 55 năm phát triển, chiếc điện thoại cố định cũng không thay đổi quá nhiều. Thiết kế của nó đã đạt đỉnh điểm vào năm 1963, còn thiết kế của điện thoại di động đạt đỉnh điểm vào năm 2007.
Thời kỳ hậu iPhone
Không phủ nhận rằng công nghệ di động đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhưng có lẽ nó vẫn chưa đủ để tạo được sự đột phá. Có rất nhiều sản phẩm mới liên tục ra mắt, sở hữu những tính năng có thể thay đổi được cả ngành công nghiệp mà chúng ta vẫn thường biết. Cấu hình ngày càng mạnh hơn, thời lượng pin được kéo dài hơn, camera được cải tiến tốt hơn nhưng thiết kế tổng quan vẫn chưa thoát được vỏ bọc của một thập kỷ trước.
Nhưng, các nhà thiết kế vẫn chưa chịu bỏ cuộc.
Điển hình nhất là chiếc ZTE Axon M vừa ra mắt trong năm qua có thiết kế khác biệt hoàn toàn so với smartphone thông thường. Nhìn thiết kế bên ngoài có vẻ hơi cồng kềnh và đồ sộ, nhưng phía sau được trang bị một màn hình thứ hai biến chiếc điện thoại hình chữ nhật trở thành hình vuông lớn hơn khá nhiều. Đây là một ý tưởng mới khá độc đáo và táo bạo nhưng vẫn chưa thu hút được sự chú ý.
Samsung cũng cố gắng thử vận may của mình với chiếc Galaxy Round màn hình cong và nhanh chóng nhận được đánh giá cao từ các chuyên gia nhờ tư duy tiến bộ, mang lại một số lợi ích cho người dùng như giảm lóa màn hình,… nhưng doanh số lại rất ảm đạm.
Trong khi đó, BlackBerry đang cố gắng đưa bàn phím vật lý quay trở lại thông qua chiếc KEYone. Nhưng cũng thất bại, chỉ một nhóm nhỏ những người đam mê thương hiệu này còn tình yêu với bàn phím vật lý.
Các nhà sản xuất vẫn không ngừng nuôi hi vọng mang đến một thiết bị hoàn toàn mới. Rất có thể vào năm sau, Samsung sẽ ra mắt Galaxy X sở hữu màn hình cảm ứng gập. Phần lưng của điện thoại có cấu trúc bản lề, tương tự Lenovo Yoga Tab, khi cất điện thoại bạn chỉ cần đóng nó lại như chiếc vỏ sò. Đây là ý tưởng thú vị và độc đáo nhưng liệu người dùng có tiếp nhận nó hay không?
Hầu như mọi người không thích những thiết kế khác thường này, tương tự như việc họ không muốn một chiếc điện thoại không có nút bấm. Điều đó đã được chứng minh bằng cả một thập kỷ qua. Tất cả thiết bị di động thành công trong thời gian vừa qua đều tuân theo công thức thiết kế từ năm 2007. Điểm khác biệt có chăng chỉ đến từ một số yếu tố như bút S Pen hoặc màn hình tràn cạnh. Còn về tổng quan vẫn không có gì thay đổi.
Vậy, nếu như thiết kế của điện thoại di động đã đạt tới giới hạn thì điều gì tiếp theo sẽ xảy ra? Thứ gì có thể đủ sức phá vỡ rào cản quả lớn này?
Tương lai của ngành công nghiệp di động sẽ đi về đâu?
Nếu như những gì xẩy ra trong bộ phim viễn tưởng nổi tiếng thế giới Star Trek trở thành sự thật, trong lương lai con người có thể sử dụng smartphone mà không cần phải chạm vào màn hình. Hoặc sử dụng công nghệ ảnh ba chiều điều khiển giọng nói như trong phim Blade Runner 2049 hay những mô cấy trong phim truyền hình nổi tiếng Black Mirror.
Muốn thay đổi cục diện của ngành công nghiệp di động thì các thiết bị trong tương lai phải hoàn toàn khác biệt. Có thể lúc đó, thứ chúng ta cầm không phải là smartphone nữa. Nhưng, dù cuộc cách mạng mới có là gì thì ở thời điểm này bạn cũng không nên quá nôn nóng chờ đợi. Bởi chiếc điện thoại bấm nút vẫn được dùng phổ biến sau nửa thế kỷ, xu hướng thiết kế smartphone mới được Apple khởi xướng cách đây 10 năm. Do đó, nhiều khả năng chiếc smartphone mà bạn mua vào năm 2027 cũng có cách thức hoạt động tương tự như các thiết bị hiện nay.
Duyên
Nguồn: Androidauthority.com