Tờ Barron's đã có một bài phân tích chuyên sâu về những thách thức và thuận lợi trên con đường trở thành công ty ngàn tỷ USD của Apple, từ giá trị cổ phiếu, tỷ suất lợi nhuận, lòng trung thành khách hàng... Bên cạnh thuận lợi, Apple cũng có những thách thức mà họ phải giải quyết nếu muốn đạt được điều này.
Năm 2011 chứng kiến những xáo trộn lớn diễn ra tại Apple khi vào tháng 8, Steve Jobs công bố ông đang phải điều trị ung thư tuyến tụy và sẽ nhường vị trí CEO cho Tim Cook. Hai ngày trước khi Apple công bố iPhone 4s vào năm đó, Steve Jobs qua đời. Sau khi bán ra, iPhone 4s đã tạo ra một cú hích rất lớn trên thị trường khi trong năm tài chính 2012 họ đạt lợi nhuận cao hơn 60% và giá cổ phiếu tăng hơn 80%.
iPhone 4s thành công rực rỡ nhưng cũng khiến Apple gặp áp lực với những thế hệ đi sau nó, cụ thể là iPhone 5 và iPhone 6 Plus. iPhone 5 ra mắt một năm sau đó chứng kiến lợi nhuận giảm vào 2013 và cổ phiếu giảm 40% sau khi ra mắt. Sự cố tiếp tục lặp lại với thế hệ tiếp theo của iPhone 6 Plus ra mắt 2014, khiến cổ phiếu Apple lại sụt giảm 25%.
Đó là một trong những mốc thăng trầm của Apple với giá cổ phiếu và giờ là thời gian thích hợp để định giá lại cổ phiếu khi Apple đang ở rất gần cột mốc là công ty đầu tiên đạt giá trị vốn hóa thị trường 1 ngàn tỷ Mỹ kim. Chưa một công ty nào ở Mỹ từ cổ chí kim đạt được cột mốc này, kể từ thời Standard Oil của Rockefeller. 'Các công ty khác tập trung vào doanh số bán hoặc doanh thu, nhưng trong nhiều quý vừa rồi, Apple thu về tổng cộng 80% lợi nhuận của toàn ngành công nghiệp smartphone', David Rolfe - giám đốc đầu tư của Wedgewood Partners nhận định.
Đây là một ví dụ điển hình củng cố cho nhận định của David Rolfe: trong năm tài chính gần đây, Apple thu về 229,2 tỷ USD doanh thu và lợi nhuận đạt 48,4 tỷ USD, bằng cả Microsoft và JPMorgan Chase cộng lại, đáng chú ý khi đây là hai công ty có tỉ lệ lợi nhuận cao thứ 2 và thứ 3 tại Mỹ. Ngoài ra, việc mua lại cổ phiếu đã phát hành cũng giúp tỉ lệ lợi nhuận trên cổ phần (EPS - earnings per share) tăng 11% đạt 9,21 USD.
Apple đang băng băng trên con đường rộng mở nhưng họ cũng có những vấn đề. Doanh số bán iPhone dự kiến sẽ giảm vào năm tới, thị trường chứng khoán gặp khó khăn hay nhiều thị trường smartphone trọng yếu trở nên bão hòa. Ngoài ra, Apple cũng gặp những vấn đề từ bên trong nội bộ, như những phàn nàn về phần mềm làm mất lòng khách hàng cũng khiến Apple khó đạt được cột mốc này hơn, hoặc chỉ đơn giản là lâu hơn. Apple vừa hoàn thành trụ sở phi thuyền trị giá 5 tỷ USD và có thể sẽ là dấu hiệu họ sẽ gặp khó khăn trong tương lai, từ những sự kiện tương tự của Woolworth, Chrysler hay Sears trong quá khứ.
Tạp chí này cũng cho rằng Apple sẽ khó trở thành công ty có giá trị vốn hóa 1 ngàn tỷ USD trong thời gian ngắn sắp tới. Apple dường như không theo đuổi chiến lược siêu vòng đời sản phẩm nữa mà chuyển sang mục tiêu tăng trưởng bền vững qua từng năm và nó cũng gián tiếp ảnh hưởng tới giá trị cổ phiếu của công ty này. Barron's theo dõi giá cổ phiếu từ khi còn 76 USD/cổ phiếu cho tới khi Apple ra mắt những máy Plus từ 2014 thì giá trị cổ phiếu tăng tới 147% kể từ khi đó.
'Apple không chỉ bán điện thoại'. David Pearl của Epoch Investment Partners nhận xét. 'Họ bán cho bạn những gì dễ nhất, trải nghiệm tuyệt vời nhất cho truyền thông di động và máy tính; doanh thu từ dịch vụ đang tăng trưởng nhanh hơn doanh thu từ sản phẩm'. So với 20 năm trước đây thì thời thế đã thay đổi rất nhiều với vận mệnh của Apple và đối thủ Microsoft. Thời đó, Microsoft đang thống lĩnh với máy tính chạy Windows và Apple phải đối diện với cảnh phải phá sản, Steve Jobs thì buộc phải ra đi với công ty mà ông đồng sáng lập. Sau đó Jobs quay lại với những cam kết cách tân sản phẩm nhưng ông và Apple cần tiền mặt hơn bao giờ hết. Rất may là dưới sức ép từ đạo luật chống độc quyền, Bill Gates đồng ý đầu tư 150 triệu USD vào Apple. Lúc đó, Apple được định giá 1,7 tỷ USD, tức là khoảng 1% so với giá trị của Microsoft.
Sau đó, Apple ra iMac, rồi iPod sau đó giúp cách tân ngành công nghiệp âm nhạc với iTunes, và Apple Store, iTunes Store bán nhạc và phim theo cách chưa từng có trước đây. Apple cũng phổ biến kho nhạc iTunes cho Windows, chuyển qua dùng chip Intel cho máy Mac để phổ biến rộng rãi hơn, ra mắt iPhone năm 2007... Kết quả thì các bạn biết rồi đó, giá trị thị trường của Apple giờ đây cao hơn 200 tỷ USD so với Microsoft.
Ngày nay, Apple có khoảng 900 triệu khách hàng, rất nhiều trong số đó mua dịch vụ bao gồm stream nhạc, thuê phim, ứng dụng, bộ nhớ đám mây, gia hạn bảo hành và thanh toán số. Với mức tăng 23% trong quý tài chính vừa rồi, dịch vụ chiếm 13% toàn doanh số Apple, và khoảng 20% lợi nhuận. iPhone tạo ra 60% doanh thu cho Apple và có khoảng 800 triệu máy đang hoạt động, giúp tạo ra cơ sở hạ tầng để Apple bán dịch vụ.
Một khảo sát gần đây của UBS ở 5 thị trường trọng điểm cho thấy mức độ trung thành (tiếp tục mua và sử dụng máy) của người dùng iPhone cao nhất với 85%, so với 71% của Samsung và 78% của Android. Thời gian nâng cấp iPhone trung bình của người dùng Mỹ là khoảng 2 năm, lý do cho việc tiếp tục bỏ tiền ra nâng cấp là thương hiệu, hệ điều hành tốt, cộng với sự khao khát được nâng cấp lên model mới nhất để có được trải nghiệm tốt và nhanh nhất.
'Khi nói về chúng ta đang ở đâu trong vòng đời iPhone, tôi không quan tâm', John Barr - quản lý của quỹ Needham Aggressive Growth nhận định. 'Smartphone không chỉ là một sản phẩm. nó là một nền tảng không thể thiếu cho cuộc sống của người dùng, nơi mà Apple tiếp tục thêm những giá trị cùng với phần mềm và dịch vụ'. Năm nay iPhone X ra mắt với rất nhiều thay đổi và kiểu dáng hoàn toàn mới, cũng được kỳ vọng sẽ đem về một năm thành công cho Apple ở mặt tăng trưởng doanh số. Wall Street dự đoán doanh số iPhone sẽ đạt 242 triệu máy, tăng 12%. Đừng quên là giá iPhone năm nay cũng cao hơn rất nhiều các năm trước.
Không chỉ bán sản phẩm và dịch vụ mà Apple cũng đang đẩy nhanh bán các phụ kiện cho chúng. AirPods vừa bán hết hàng trong kỳ mua sắm cuối năm và đang hết hàng. Sự phổ biến của chúng cũng khiến Apple bán được nhiều phụ kiện đi kèm hơn, như bàn sạc không dây sẽ bán ra vào 2018. Những sản phẩm này giúp đem về doanh thu 12,9 tỷ USD năm ngoái, chiếm 5,6% doanh số. Chỉ riêng trong năm tài chính này, Wall Street ước tính Apple tăng 20% doanh thu lên mức 274 tỷ USD và tỉ suất lợi nhuận trên cổ phần (EPS) tăng 24% lên thành 11,43 USD.
Trung Quốc cũng là một yếu tố 'rất khó tiên đoán', có thể giúp Apple trở thành công ty có giá trị vốn hóa 1 ngàn tỷ USD vào năm 2018. Theo Morgan Stanley, đơn vị này dự đoán mức tăng trưởng của Apple tại thị trường đông dân này đạt 70% năm nay. Trong khi Wall Street thì tin rằng nó chỉ ở mức 15% mà thôi. Nhà phân tích của Morgan Stanley là Katy Huberty cũng dự đoán tỉ suất lợi nhuận trên cổ phần thậm chí còn đạt 13 USD, tức tăng 41% và nếu như những gì cô này dự đoán là đúng thì Apple có thể đạt giá trị 200 USD cho mỗi cổ phiếu trong khoảng thời gian nào đó trong năm tới. Hiện Apple đang niêm yết khoảng 5 tỷ cổ phiếu, đó là đã giảm nhiều vì Apple tích cực mua lại, và nếu đạt mức 200 USD mỗi cổ phiếu thì họ sẽ có giá trị 1 ngàn tỷ USD.
Apple cũng đang tích cực mua lại số cổ phiếu họ đã phát hành, là niềm vui cho các nhà đầu tư khi giá trị cổ phiếu họ nắm giữ tăng lên. Để làm được điều này, Apple sẽ phải dùng tới số tiền mặt họ dự trữ ở nước ngoài trong tổng số 250 tỷ USD tiền mặt họ đang có. Trước đây lượng tiền mặt bị đánh thuế doanh nghiệp rất nặng nhưng dự luật mới sẽ giảm thuế cho tiền mặt ở nước ngoài chuyển về.
Apple vẫn tiếp tục mở rộng dải sản phẩm và cũng giúp doanh thu tiếp tục tăng. Họ sắp bán ra loa HomePod và đang đầu tư mạnh cho xe tự lái, trong đó bao gồm cả nền tảng Apple CarPlay. Tim Cook đang đặt cược vào công nghệ thực tế tăng cường (AR) bắt đầu xuất hiện trên iOS 11. Dù hiện tại AR vẫn đang chỉ là một tiềm năng và chưa thực sự phát huy nhưng trong tương lai có thể nó sẽ đem về nhiều tỷ doanh thu cho Apple thông qua App Store.
Nguồn: Barron's
Hình ảnh: Inverse