Samsung là ông khổng lồ đầu tiên có sự đột phá trong thiết kế tỉ lệ màn hình và có những nỗ lực cải thiện diện tích sử dụng trên bề mặt điện thoại, bằng cách giới thiệu loại màn hình cong tràn hai cạnh thực sự từ thời của chiếc Galaxy S7 Edge và kế đến là Note 7.
Chưa bàn đến việc đó là bước đi đúng hay sai của Samsung, nhưng kết quả là trong năm 2017 này, hàng loạt hãng điện thoại đã cho ra đời các sản phẩm có tỉ lệ màn hình tương tự như vậy, và dĩ nhiên là cả thiết kế tràn viền với tên gọi FullView.
Đơn cử, có thể kể đến ông khổng lồ LG. Hãng không thể so sánh được về thị phần với Apple và Samsung, nhưng khó mà bỏ qua sản phẩm V30. LG đã nhồi nhét được màn hình kích thước lớn vào một khung máy nhỏ gọn, làm cho chiếc điện thoại trở nên cao hơn.
Huawei, bên cạnh việc ra mắt Nova 2i trong tháng 11 vừa qua, cũng đã giới thiệu Mate 10 và Mate 10 Pro, có màn hình viền mỏng, và được tuyên bố sẽ trở thành đối trọng của iPhone 8 và Galaxy Note 8.
Xiaomi với con át chủ bài là Mi Mix 2 được giới thiệu tại Bắc Kinh có tỉ lệ màn hình thực dụng lên đến 93%, lớn hơn cả tỉ lệ mà Mi Mix đời trước.
Mobiistar, hãng điện thoại Việt Nam còn sót lại trên thị trường, cũng đã giới thiệu Prime X Max, có màn hình không viền kèm theo 2 cặp máy ảnh kép cho mặt trước và mặt sau. Dĩ nhiên, sản phẩm này cũng có mức giá dễ chịu như toàn bộ các điện thoại của Mobiistar trước đây.
Không khó để nhận ra rằng các hãng đang trong quá trình chạy đua doanh số cho các điện thoại màn hình viền mỏng, và Việt Nam sẽ là một trong những thị trường tiêu thụ chính của các hãng này.
Cách đây 1 năm, Samsung khởi đầu cho xu hướng, nhưng cái giá để trải nghiệm Infinity Display là quá cao so với đại đa số người dùng, và ở phân khúc đó, thị phần còn bị iPhone lấy mất tương đối nhiều.
Do đó, việc các ông khổng lồ đến từ Trung Quốc tham chiến vào mảng sản phẩm này đã làm cho thế trận trở nên dễ chịu hơn. Người dùng có nhiều mức giá để lựa chọn, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng và các tính năng mà các sản phẩm đó mang lại (chụp hình, giải trí, cấu hình hay thời lượng dùng pin).
Tại sao cuộc đua không viền lại nóng bỏng như vậy
Rõ ràng, không quá khó để thấy, sau 1 thập kỉ thay đổi chậm chạp từ tỉ lệ màn hình 4:3 lên 16:9 (theo kích thước màn hình máy tính và tivi), việc thay đổi lên tỉ lệ 18:9 có thể xem là một bước nhảy vọt ở góc nhìn về thiết kế. Những nhà sản xuất điện thoại trước đây phải tạo ra các sản phẩm kích thước lớn để tăng kích thước màn hình.
Nay, nhờ vào các tiến bộ của công nghệ, các hãng sản xuất có thể tạo ra các điện thoại thông minh nhỏ hơn, gọn gàng hơn mà không phải hi sinh kích thước màn hình.
Ví dụ, Galaxy S8 có màn hình dài hơn, độ phân giải QHD+ kích thước 5,8 inch, với viền ở cạnh trên và dưới mỏng hơn nhiều, đem lại tỉ lệ màn hình thực dụng là 83 phần trăm. Với việc giảm bớt viền màn hình, máy đem lại nhiều trải nghiệm mới mẻ cho việc xem phim và chơi game trên điện thoại di động. Ngược lại, iPhone 7 có tỉ lệ màn hình thực dụng chỉ 65%.
Rõ ràng, chúng ta có những vấn đề thực tế về việc giới hạn kích thước của các điện thoại thông minh, cụ thể là do bàn tay người dùng hoặc kích thước giới hạn của túi quần.
Kết quả là thay vì tăng kích thước của thiết bị, các hãng sản xuất điện thoại bắt đầu tìm các giải pháp có thể tăng diện tích hiển thị mà không làm phình điện thoại ra. Việc cải thiện kích thước đường viền và tỉ lệ hiển thị là hai trong những cách làm đó.
Thiết kế không viền tận dụng toàn bộ diện tích mặt trước, đem lại kích thước màn hình cực lớn vượt lên giới hạn của những thiết bị hiện tại. Nút Home được loại bỏ để tối ưu không gian kỹ thuật, mở rộng không gian cho người dùng và đập bỏ những giới hạn giữa thiết bị và trải nghiệm thực tế.
Khả năng cầm nắm của chiếc điện thoại nay được xác định bằng việc các đường cong của điện thoại có thể nằm gọn gàng trong lòng bàn tay của người dùng như thế nào.
Thiết kế đối xứng của các đường nét mềm mại ở cả mặt trước, sau và ở giữa mỗi cạnh tạo ra một hình thể hoàn hảo, loại bỏ gần như toàn bộ đường viền.
Người dùng có được những trải nghiệm tốt hơn trên các thiết bị không viền. Đối với một số người, các máy này có thể sẽ đem lại sự bất tiện, nhưng đối với những người thích trải nghiệm mới mẻ, đây là một cải tiến vượt bậc.
Thiết kế không viền: Vẫn còn chưa hoàn hảo
Màn hình điện thoại đang tăng về kích thước mà không làm cho thiết bị lớn hơn. Các điện thoại không viền hứa hẹn sẽ đem lại các thiết kế sản phẩm tuyệt đẹp.
Tuy nhiên, thiết kế này cũng khiến cho máy trở nên dễ vỡ hơn, hoặc gặp các tai nạn bất thường. Ý tưởng màn hình không viền là rất hay, nhưng hãy nhớ rằng, máy sẽ rất mỏng manh.
Loại màn hình được thiết kế tràn ra các cạnh sẽ rất dễ bị hao mòn trong quá trình sử dụng so với các viền màn hình dày. Hơn nữa, chi phí sản xuất và sửa chữa, thay mới cũng sẽ còn rất cao.
Không quá khó để cầm một chiếc điện thoại không viền trong tay, tỉ lệ 18:9 đem lại kiểu dáng mảnh mai, sang trọng. Tuy nhiên, trải nghiệm xem phim hiện tại vẫn chưa thể tận dụng được toàn bộ diện tích màn hình. Viền màn hình đã mỏng đi, nhưng không làm cho trải nghiệm xem phim tốt hơn nhiều.
Câu hỏi cuối cùng: Bạn có cần một chiếc điện thoại với thiết kế không viền? Việc sử dụng các điện thoại có viền dày từ trước đến nay vẫn chưa gặp phải vấn đề lớn nào.
Về mặt ý tưởng, đúng, các điện thoại không viền sẽ là tương lai của ngành công nghiệp điện thoại, nhưng ở thời điểm này vẫn chưa có lợi ích nào khác. Chúng ta vẫn chưa nghe thấy khách hàng hỏi về một chiếc điện thoại không viền. Do đó, các hãng sản xuất điện thoại sẽ tiếp tục giới thiệu các ản phẩm không viền trong tương lai, và làm mọi cách để có được sự chú ý của bạn.
Nguyễn Nhật