Không phải LCD hay OLED, mà chính những màn hình LED của những bảng quảng cáo chúng ta hay thấy mới chính là tương lai của công nghệ màn hình với nhiều ưu điểm vượt trội. Nghe thì khó tin nhưng trong một tương lai không xa những chiếc điện thoại, tablet hay laptop sẽ được trang bị công nghệ này.
Khi ra mắt LCD đã giúp thay thế được những chiếc màn hình CRT cồng kềnh, đây là một bước tiến lớn cho việc phát triển các thiết bị di động. Cho đến vài năm trở lại đây, OLED đã bắt đầu phổ biến hơn nhờ những tập đoàn sở hữu những công nghệ màn hình hàng đầu như Samsung hay LG. OLED tỏ ra vượt trội so với LCD nhờ kích thước vật lý mỏng hơn, chất lượng hiển thị ngoài trời tỏ ra vượt trội và tiêu thụ điện năng thấp hơn. OLED còn cho độ tương phản màn hình đạt mức gần như vô cực, vì màu đen được thể hiện tuyệt đối, chứ không như LCD sử dụng đèn nền. Đặc biệt màn hình OLED cho góc nhìn cực rộng và có thể uốn cong - những sản phẩm cao cấp của Samsung là một ví dụ cho ưu điểm của công nghệ màn hình này.
Nhưng OLED cũng không phải hoàn hảo, màn hình OLED sẽ bị lão hóa theo thời gian. Nói dễ hiểu hơn thì sau vài năm sử dụng màn hình OLED sẽ giảm độ sáng nhưng đó vẫn chưa phải là vấn đề lớn nhất. Điểm ảnh được tạo ra bởi 3 màu cơ bản là Đỏ, Lục và Lam. Qua thời gian những điểm màu này có độ lão hóa khác nhau dẫn đến sự sai lệch về màu sắc, một nhược điểm chết người mà công nghệ hiện tại chưa giải quyết được, chỉ là các nhà sản xuất không cho bạn biết mà thôi.
Hơn nữa OLED cũng có chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với LCD thông thường. Những bạn nào từng đi thay màn hình của những chiếc Samsung chắc sẽ thấm thía điều này. Một chiếc tấm nền OLED Samsung cung cấp cho iPhone X cũng có giá cả trăm USD, việc thay thế đến tay người dùng cuối 200 - 300USD là chuyện bình thường.
Như vậy OLED mặc dù tỏ ra khá vượt trội LCD ở nhiều mặt nhưng vẫn chưa thể phổ biến bằng LCD, ít nhất là trong một vài năm tới. Hiện tại người ta đã nghĩ đến việc tạo ra một công nghệ màn hình khác sở hữu đầy đủ các ưu điểm của OLED, khắc phục tất cả nhược điểm của công nghệ này.
Hãng điện tử hàng đầu Hà Lan là Phillips đã giới thiệu màn hình sử dụng công nghệ Electrowetting, và tách ra một công ty con là LiquaVista vào năm 2006 để thương mại hóa công nghệ này. Được quảng bá là 'LCD 2.0', màn hình của LiquaVista có thể hoạt động dựa và cả hai chế độ phát xạ (phát ra ánh sáng) và phản xạ (phản xạ ánh sáng từ môi trường) hoặc kết hợp cả 2 chế độ này, cho màu sắc và góc nhìn tốt hơn, thời gian phản hồi nhanh, tiêu thụ năng lượng ít hơn so với màn hình LCD. LiquaVista đã được Samsung mua lại vào năm 2010, rồi sau đó lại qua tay Amazon vào năm 2013. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một sản phẩm nào được thương mại hóa.
Các loại màn hình khác cũng chưa tìm được bước phát triển nào đáng kể. Trong suốt 7 năm (2004 tới 2011), Qualcomm đã mua lại 2 công ty start-up đã phát triển các công nghệ màn hình sử dụng hệ thống vi cơ điện (microelectromechanical ) là iMOD được phát triển bởi Iridigm và Direct-view micro-shutter của Boston-area Pixtronix. Năm 2015, Qualcomm âm thầm rút khỏi các dự án này.
Một công nghệ sử dụng cơ cấu màn trập điện cơ khác (electromechanical-shutter) là Time-Multiplexed Optical Shutter (TMOS) được giới thiệu bởi UniPixel Displays cũng không thể được thương mại hóa. UniPixel vẫn còn hoạt động chủ yếu sản xuất film quang học và kính bảo vệ cho màn hình, còn công nghệ TMOS thì gần như đã bị quên lãng. LCD và OLED sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài sắp tới. Chẳng ai biết chắc được sẽ có thứ gì đó thay thế được LCD và OLED hay không.
Tuy vậy hiện tại có một công nghệ rất đáng được lưu tâm, đáng nói là công nghệ này không hề mới, đó chính là những màn hình LED của bảng quảng cáo hay màn hình sân khấu lớn. Công nghệ này cho chất lượng màu sắc hiển thị, tương phản, góc nhìn, độ sáng tốt, độ phản hồi nhanh và tiêu thụ năng lượng ít hơn tất cả những loại màn hình chúng ta đang có.
LED có gần như đầy đủ tất cả những điều chúng ta cần cho một chiếc màn hình hiển thị. Dải màu sắc rộng, gồm cả 3 màu cơ bản: đỏ, lục và lam. Với LED, góc nhìn cũng đã không còn là vấn đề nữa và độ sáng, độ tương phản của LED thì tương đương với màn hình OLED. Màn hình LED cũng không cần kính lọc màu hoặc kính lọc phân cực, và có khả năng tắt/ mở chỉ trong một phần triệu giây đồng hồ.
Mặc dù mà hình LED phổ biến như vậy, gần đây Samsung cũng đã giới thiệu màn hình LED cho rạp chiếu phim với độ phân giải 4096 x 2160 với chiều dài khoảng 10 mét. Nhưng đấy là câu chuyện của một chiếc màn hình cực lớn. Còn với một chiếc điện thoại 5 inch thì câu chuyện khác hoàn toàn.
Giả sử độ phân giải chấp nhận được là HD thì đã có tới 1280 x 720 điểm ảnh, mỗi điểm ảnh cấu tạo bởi 3 bóng LED Đỏ, Lục, Lam. Có nghĩa là cần đến 1280 x 720 x 3, hơn 2,7 triệu bóng LED nhét trên kích thước 5 inch. Đó là một bài toán chẳng dễ dàng gì, những màn hình Full HD, 2K còn đau đầu hơn nhiều.
Tuy nhiên tương lai cũng rất rộng mở khi hàng loạt những ông lớn đang tham gia vào nghiên cứu công nghệ này. Vào năm 2014, Apple đã mua lại LuxVue Technology, một công ty chuyên sản xuất màn hình LED siêu nhỏ ở Santa Clara. Năm ngoái Facebook cũng thâu tóm một doanh nghiệp start up ở Ireland là InfiniLED. Foxconn của Đài Loan và Sharp – mới được Foxconn mua lại đã đầu tư khá nhiều cho eLux – một công ty con của Sharp America. Và cả Samsung, mặc dù là nhà sản xuất OLED tiên phong, cũng đã bắt đầu để ý đến PlayNitride – một công ty chuyên sản xuất LED siêu nhỏ của Đài Loan.
Chuyện LED có thay thế được LCD hay OLED không thì vẫn chưa thể khẳng định, nhưng với việc tham gia nghiên cứu của hàng loạt ông lớn như Apple, Samsung, Facebook, Foxconn thì chắc chắn đây là một công nghệ rất đáng để chờ đợi.
Nguồn androidauthority