Dù được đánh giá giàu tiềm năng, thậm chí các startup Việt được cho là có nhiều cơ hội khởi nghiệp hơn cả ở Mỹ và Nhật Bản, nhưng không có startup nào của Việt Nam lọt TOP 15 startup nhận vốn khủng nhất Đông Nam Á.
Trong khi đó, Singapore tiếp tục khẳng định vị thế trung tâm khởi nghiệp của Đông Nam Á, một trong những thành phố khởi nghiệp giàu tiềm năng phát triển nhất thế giới khi có 8 startup lọt TOP này. Hơn thế, hai startup nhận được vốn khủng nhất là Grab và Lazada cũng thuộc về Singapore. Theo đó, Grab trở thành startup lớn nhất Đông Nam Á (được định giá 6 tỷ USD) sau khi nhận được vốn khủng 2,5 tỷ USD trong năm 2017, nâng tổng số vốn mà startup này nhận được lên 4,1 tỷ USD. Indonesia đang vươn lên mạnh mẽ trong hành trình trở thành quốc gia khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á. Quốc gia này có 5 startup góp mặt. Trong đó, startup thương mại điện tử Tokopedia đứng thứ 4 khi nhận được số vốn 1,34 tỷ USD. Malaysia cũng có 1 startup nằm trong TOP 15.
Thực trạng này phơi bày sự thật: Startup Việt đang chạy theo phong trào hơn là đi vào thực chất. Những người đưa ra nhận định này đã đưa ra lý lẽ riêng của họ.
Theo đó, Việt Nam có tỷ lệ startup tính theo đầu người cao nhất châu Á, vượt qua cả Trung Quốc và Ấn Độ. Người Việt dẫn đầu thế giới về tinh thần khởi nghiệp, đứng thứ 2 thế giới về thái độ tích cực khởi nghiệp. Thậm chí, khi đánh giá về tiềm năng thị trường khởi nghiệp Việt Nam, các chuyên gia hàng đầu về startup cũng cho rằng: Việt Nam hội tụ được hầu hết nhân tố cần thiết để có thể trở thành quốc gia khởi nghiệp như có vị trí chiến lược ở châu Á; Quy mô thị trường lớn, phát triển nhanh; Chi phí thuê văn phòng, nhân công thấp... Cũng nhờ đó, Việt Nam đã được Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN) xếp vào nhóm 20 nền kinh tế khởi nghiệp cao nhất.
Tuy nhiên, GEN cũng đưa Việt Nam vào danh sách 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất. Đa phần startup trẻ vẫn tập trung vào ý tưởng sản phẩm mà bỏ qua bài toán lớn về năng lực cũng như khả năng vận hành của doanh nghiệp khởi nghiệp. Điều đó phần nào lý giải vì sao chất lượng doanh nghiệp của Việt Nam khá thấp. Tỷ lệ tồn tại của doanh nghiệp sau 3-5 năm chỉ 20-30%. Thậm chí, doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ 5-10%.
Để thay đổi thực trạng này, việc thay đổi tư duy từ gốc rễ các khái niệm khởi nghiệp, thậm chí phải nghiêm túc ngay từ khi tạo lập và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp là tiền đề quan trọng. Bởi mục đích mà làn sóng quốc gia khởi nghiệp hướng đến là chất lượng, chứ không chỉ là số lượng. Việc gia tăng số lượng startup phải đi cùng với giảm thiểu số startup ngừng hoạt động hay tồn tại dưới dạng 'xác sống'. Bằng không các chương trình thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp sẽ chẳng thể mang lại kết quả như mong đợi.
Bên cạnh đó, startup Việt cần thay đổi tư duy về vốn khi mà hầu hết nhà khởi nghiệp Việt đều cho rằng tiền là yếu tố tiên quyết, quyết định thành công cho startup. Việc khó huy động vốn thường được viện ra như nguyên nhân khiến họ gặp khó khăn khi startup. Trong khi đó, tiền (vốn đầu tư) chỉ là chuỗi cuối cùng, hệ quả của quá trình startup.
Các nhà khởi nghiệp thường mang theo hoài bão lớn lao. Song nếu hoài bão mà thiếu tầm nhìn sẽ chỉ là phong trào. Bởi khi gặp khó khăn hoặc thất bại, họ dễ buông xuôi. Vì thế, việc thay đổi tầm nhìn và tư duy cạnh tranh đóng vai trò quan trọng.
Văn hóa khởi nghiệp cũng phải đến từ mọi tầng lớp dân cư trên tinh thần khát vọng làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội dựa trên những phát kiến của đổi mới sáng tạo và đột phá. Bởi bản chất startup là biến không thành có, phải có nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra đổi mới, sáng tạo và đột phá. Ở cấp độ quốc gia khởi nghiệp, văn hóa khởi nghiệp thể hiện bằng tinh thần đồng tâm hiệp lực, mang tính hệ thống. Có như vậy mới tạo được nền tảng vững chắc để startup Việt vượt qua những thách thức của sự biến đổi từng ngày, từng giờ trên thế giới về quá trình tiến hóa và phát triển.
Quang Huy