Ngoài việc trang bị chipset Z370 mới thì ASUS cũng giới thiệu nhiều công nghệ mới đáng chú ý là OptiMem tối ưu bộ nhớ DRAM trên một số dòng bo mạch cao cấp, hệ thống đèn AURA được mở rộng với SDK dành cho lập trình viên hay người dùng thích độ chế và công nghệ âm thanh DTS trên dòng TUF Gaming.
Sự kiện ra mắt được tổ chức tại Malaysia và như thường lệ, ASUS không quên khoe những thành tựu mà hãng đạt được trong thời gian đối với mảng linh phụ kiện máy tính như bo mạch chủ, card đồ họa, màn hình.
ASUS hiện tại là thương hiệu có giá trị nhất tại Đài Loan 4 năm liên tiếp theo xếp hạng của Interbrand và đồng thời là 1 trong số những công ty được ngưỡng mộ nhất suốt năm 2 qua theo đánh giá của Fortune. Riêng với dòng sản phẩm bo mạch chủ thì ASUS đang nắm giữ vị trí số 1 trong hơn 10 năm qua. Trong đó dòng bo mạch chủ Z270 năm ngoái đã đạt gấp đôi giải thưởng so với các thương hiệu khác.
Năm nay với dòng Z370, ASUS tiếp tục phát huy những giá trị vốn có với 4 khía cạnh thẩm mỹ, khả năng chế độ DIY, hiệu năng chơi game và tính cá nhân hóa trong hệ sinh thái phần cứng với AURA. Z370 sẽ có mặt trên tất cả các dòng của ASUS từ ROG Maximus cao cấp đến ROG Strix phổ thông, Prime và đặc biệt là TUF Gaming lần đầu xuất hiện ở phân khúc bo mạch chủ dành cho game thủ.
Những kỷ lục thế giới về OC hầu hết đều được thực hiện trên bo mạch chủ ASUS và với dòng Z370 mới nhất, ASUS tiếp tục chứng minh khả năng hỗ trợ OC với màn demo thực tế trên bo mạch Maximus X Apex - dòng bo chuyên dùng để OC. Core i7-8700K đạt 2179 điểm Cinebench R15 đa nhân đa luồng.
ASUS lưu ý rằng bo mạch chủ Z370 sẽ dùng socket 1151 v2 nên những CPU thế hệ 6 và 7 sẽ không dùng được. Có nhiều thông tin cho rằng Intel cố tình chặn Kaby Lake bằng firmware và buộc người dùng phải sắm mới cả CPU Coffee Lake lẫn bo mạch chủ 300 series.
Khác biệt cơ bản của Z370 so với Z270 là việc hỗ trợ các vi xử lý 6 nhân 12 luồng thế hệ 8, TDP 95 W với tiến trình 14++ nm. Ngoài ra nền tảng này còn tối ưu hóa về bộ nhớ DRAM với việc hỗ trợ mặc định tối đa DDR4-2666 MHz và OC lên đến trên 4133 MHz.
Thêm vào đó, Z370 sẽ hỗ trợ đến 24 PCIe 3.0 lane, chưa tính 16 lane từ CPU. Nhờ đó các nhà sản xuất bo mạch chủ như ASUS sẽ có thể tùy biến trang bị cổng trên bo mạch theo nhu cầu và phân khúc. Z370 tích hợp vi điều khiển USB 3.1 tối đa 10 cổng trong đó có đến 6 cổng US 3.1 Gen2 (10 Gbps) và 4 USB 3.1 Gen1 (5 Gbps). Vi điều khiển SATA AHCI/RAID tối đa 6 SATA 6 Gbps và hỗ trợ các tùy chọn bộ nhớ lưu trữ dùng giao tiếp PCIe như M.2, U.2 liên kết trực tiếp với CPU thay vì đi qua chipset (được Inte gọi là CPU-attached Intel PCIe storage) - một giải pháp rất giống với nền tảng AMD AM4. Ngoài ra Z370 cũng sẽ hỗ trợ loại bộ nhớ Intel Optane.
Một thay đổi đáng chú ý trong UEFI BIOS của dòng bo mạch Z370 của ASUS là hãng đã nạp sẵn profile 5G OC cho phép bạn ép xung dễ dàng CPU lên xung nhịp cao nhất chỉ với một cú click. Hãng cho biết với bo mạch chủ Maximus X Apex, CPU Core i7-8700K đã được ép xung thành công lên 7,3 GHz với tốc độ RAM trên 55xx MHz, từ đó đạt điểm số Cinebench R15 đến 2306 điểm đa nhân đa luồng. Với profile 5G OC thì Core i7-8700K cũng đạt hiệu năng cao hơn 1,69 lần so với xung mặc định test bằng Cinebench R15 và 1,57 lần với nội dung CPU-Z.
Dưới đây là loạt bo mạch chủ mới dùng chipset Z370 của ASUS:
ASUS Maximus X Hero.
ASUS Maximus X Apex.
ASUS Maximus X Formula với mô-đun màn hình OLED chính giữa.
ASUS Maximus X Code.
ASUS Prime Z370-A.
ASUS Prime Z370-P.
ASUS TUF Z370-PRO Gaming.
ASUS TUF Z370-PLUS Gaming.
ASUS Strix Z370-I Gaming (Impact).
ASUS Strix Z370-G Gaming (Gene).
ASUS Strix Z370-H Gaming (Hero).
ASUS Strix Z370-F Gaming.
ASUS Strix Z370-E Gaming.