Hệ thống thử nghiệm của mình có cấu hình như sau: CPU Intel Core i5-8600K/Core i7-8700K, main GIGABYTE AORUS Z370 Ultra Gaming, VGA GTX 1060 Strix, 2 x 8 GB DRR4-3000 Corsair Vengence RGB, SSD 120 GB Corsair Force MP500, PSU FSP Raider 650.
1. Hoạt động ổn định, tính tương thích cao
Đối với mình, lý do quan trọng nhất mà bạn nên cân nhắc lựa chọn nền tảng Intel Coffee Lake là độ ổn định khi hoạt động cũng như mức độ tương thích với các ứng dụng của nó rất cao. Dàn máy thử nghiệm của mình thực chất là tận dụng dàn Kaby Lake có sẵn, chỉ đổi sang CPU và bo mạch chủ Coffee Lake mà thôi. Đơn giản và nhẹ nhàng, với tất cả các ứng dụng đều chạy hoàn hảo như trước (dĩ nhiên hiệu năng sẽ thay đổi, nhưng chúng ta sẽ bàn về việc này sau).
Đây không phải là trường hợp cá biệt vì mình trước đây mình cũng từng test rất nhiều dàn Skylake và Kaby Lake và nhận thấy điều tương tự. Nhờ sự phổ biến của mình, hầu hết các ứng dụng và linh kiện đều tối ưu cho nền tảng của Intel, cũng như sản phẩm của Intel phần lớn đều hoàn thiện trước khi tung ra thị trường (dĩ nhiên vẫn có ngoại lệ như chuyện tương thích Optane gần đây). Đứng ở góc độ người tiêu dùng thì theo mình đây là yếu tố quan trọng vì nó giúp chiếc máy của bạn đáng tin cậy hơn. Một hệ thống mạnh mà lúc chạy lúc lỗi thì cũng chẳng có mấy ý nghĩa.
2. Nhiều sự lựa chọn về bo mạch, tính năng đa dạng
Một trong những lý do mà mình chọn trên tay bo mạch AORUS Z370 Ultra Gaming trong bài này là vì nó nằm ở phân khúc giá khá đặc biệt. Mức giá bán lẻ vào khoảng 4,7 triệu đồng của nó gần như không có sản phẩm tương đương nếu như bạn chọn nền tảng AMD Ryzen. Dĩ nhiên chuyện lựa chọn phân khúc giá nào thì phụ thuộc vào hầu bao và nhu cầu của bạn, chỉ là nền tảng Intel thường được các nhà sản xuất ưu ái hơn nên bạn có rất nhiều lựa chọn phủ đều ở mọi tầm giá và nhiều tính năng hơn.
Tầm giá 5 triệu hiện nay có thể xem là điểm ngọt của bo mạch chủ Intel, với các sản phẩm đầy đủ các tính năng cần thiết và được trang trí đèn LED RGB cơ bản. Dòng AORUS Z370 Ultra Gaming mà mình thử nghiệm trong bài này được trang bị chipset Intel Z370, 4 khe RAM hỗ trợ xung tối đa 4133 MHz, 2 khe M.2 dành cho SSD NVMe, 3 khe PCIe 16x và hệ thống đèn LED Fusion RGB. Nếu chọn dòng Gaming 5 hay Gaming 7 cao hơn thì bạn sẽ có thêm những tính năng hỗ trợ ép xung cũng như âm thanh onboard tốt hơn, mà thật ra chưa chắc chúng ta đã tận dụng hết. Nhắc đến chuyện ép xung, mình thì không phải là người chuyên nhưng cách đây không lâu thì anh Lê Duy Thanh, một overclocker có tiếng tại Việt Nam, cũng đã ép nhẹ nhàng Core i7-8700K từ 3,7 GHz lên 5,3 GHz cũng bằng bo mạch này và dùng tản nước thông thường.
3. Hiệu năng cải thiện đáng kể so với Kaby Lake
Coffee Lake đánh dấu sự thay đổi lớn trong kiến trúc của Intel, với hiệu năng tăng vọt so với thế hệ trước. Cụ thể hơn, Core i3 được trang bị 4 nhân/4 luồng, Core i5 là 6 nhân/6 luồng và Core i7 nâng lên 6 nhân/12 luồng. Sử dụng mức xung mặc định của Core i7-8700K, kết quả benchmark của hệ thống thử nghiệm của mình như sau:
3DMark Time Spy
3DMark Fire Strike Ultra
3DMark PC Mark 8
Lấy điểm Cinebench làm chuẩn, chúng ta sẽ so sánh hiệu năng của Core i7-8700K với một số CPU phổ biến trên thị trường hiện nay:
Với thế hệ bộ xử lý Coffee Lake, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng Intel đã dần bắt kịp khả năng xử lý đa nhân của AMD Ryzen và tiếp tục khai thác ưu thế về sức mạnh xử lý đơn nhân của mình. Đứng về mặt lý thuyết, AMD Ryzen vẫn có ưu thế hơn về các tác vụ có thể tận dụng số lượng nhân nhiều như xử lý đồ hoạ hay dựng video. Tuy nhiên thực tế nếu so hiệu năng giữa Core i7-8600K và Ryzen 7 1700X hay Core i5-8600K và Ryzen 5 1600X thì sự chênh lệch điểm đa nhân cũng không quá nhiều. Trong khi đó sự chênh lệch hiệu năng đơn nhân giữa Intel và AMD tiếp tục được giữ nguyên đem lại ưu thế cho Coffee Lake ở các tác vụ không sử dụng nhiều nhân như chơi game. Nói có vẻ hoành vậy thôi chứ thực chất sự chênh lệch cũng không nhiều lắm, đặc biệt là nếu đã chơi đến Core i5 hay Ryzen 5 hoặc cao hơn.
4. Tỉ lệ P/P tốt
Cùng với việc hiệu năng được cải thiện đáng kể, tỉ lệ giá cả/hiệu năng của CPU Intel Coffee Lake đã tốt hơn rất nhiều so với Kaby Lake và có thể xem là tương đương với AMD Ryzen. Chẳng hạn như Core i7-8600K mà mình sử dụng có giá vào khoảng 9,8 triệu trong khi dòng tương đương AMD Ryzen 7 1700X có giá khoảng 10,3 triệu đồng. Như kết quả trên thì chúng ta cũng thấy Intel thắng điểm đơn nhân trong khi AMD dẫn trước điểm đa nhân trong Cinebench; vì vậy mức giá như hiện tại nhìn chung là rất ổn.
Ngoài giá của bộ xử lý, chúng ta cũng cần xem xét đến những linh kiện khác trong hệ thống. Một đặc trưng của Intel là với các tác vụ thông thường như giải trí hay chơi game thì hiệu năng không phụ thuộc nhiều vào RAM, vì vậy bạn hoàn toàn có thể dùng những dòng RAM giá mềm tốc độ khiêm tốn mà không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm toàn hệ thống. Trong khi đó hiệu năng của AMD Ryzen tỉ lệ thuận cùng xung RAM.
5. Windows 10 Fall Creator tối ưu cho chơi game với CPU 6 và 8 nhân
Vừa qua thì Microsoft vừa tung ra bản cập nhật Windows 10 Fall Creator, với chế độ Game Mode giúp tối ưu hệ thống cho CPU 6 và 8 nhân. Tính đến hiện tại thì phần lớn các trò chơi, tính cả bom tấn, thường chỉ tận dụng khoảng 4 nhân mà thôi. Chính vì vậy Core i5 tiếp tục là bộ xử lý rất được các bạn game thủ ưa chuộng, vì lên cao thêm nữa thì tiền trả nhiều nhưng hiệu năng cải thiện chẳng bao nhiêu.
Windows hiện là hệ điều hành máy tính phổ biến nhất, và Microsoft cũng hỗ trợ rất tốt các nhà phát triển game với nền tảng DirectX 12. Chính vì vậy có vẻ như xu hướng phát triển game mới hứa hẹn sẽ tận dụng nhiều nhân hơn để tối ưu cho các dòng CPU cao cấp. Cũng cần lưu ý là cái này chỉ là đón đầu tương lai thôi, vì một sự thật phũ phàng là thời gian qua mình test chế độ Game Mode của Windows 10 Fall Creator thì thấy hiệu năng gần như không mấy khác biệt.
Bộ ảnh bo mạch chủ GIGABYTE AORUS Z370 Ultra Gaming: