TV OLED G7 thuộc bộ sưu tập Signature cấp cấp của LG, kết hợp thiết kế tinh tế và công nghệ hiện đại. Sự thật là ở phân khúc này mà nói đến chuyện 'giá cả' thì chẳng có gì gọi là hợp lý cả. Tuy nhiên sau đây là 5 điểm mình ấn tượng về LG G7, cũng như vì sao mà mình nghĩ chiếc TV này sẽ xứng đáng nếu như bạn đủ 180 triệu để rước nó về.
Đối với mình, chất lượng hình ảnh là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn TV và công nghệ OLED mà LG G7 sử dụng có thể xem là tốt nhất hiện nay. LG là hãng duy nhất hiện nay sản xuất được tấm nền OLED 4K HDR cỡ lớn cho TV và rõ ràng là họ biết cách khai thác chúng một cách hiệu quả trong các sản phẩm của mình. So với dòng E6 mà mình từng đánh giá năm ngoái (dòng G6 không bán tại Việt Nam), G7 đã cải thiện độ sáng giúp hình ảnh rõ đẹp hơn.
Nhiều bạn cho rằng công nghệ WOLED mà LG sử dụng không phải là OLED thực thụ vì vẫn sử dụng tấm lọc màu, nhưng thời điểm này thì đây là công nghệ OLED duy nhất trên TV. Điều quan trọng nhất là WOLED của LG vẫn có đủ 8 triệu điểm ảnh là đi-ốt hữu cơ có khả năng tự phát sáng, từ đó cho phép tắt hoàn toàn để đạt được màu đen sâu tuyệt đối. Đây là chìa khoá để đạt được độ tương phản cao, giúp hình ảnh của TV OLED nổi khối và bắt mắt hơn. LG G7 cũng tương thích với cả 3 định dạng HDR phổ biến là HDR10, Dolby Vision và HLG. Do sử dụng đi-ốt hữu cơ, trước đây OLED gặp phải khuyết điểm mà độ sáng tương đối khiêm tốn. Với thế hệ tấm nền mới, G7 đã cải thiện phần nào vấn đề này và độ sáng tổng thể tuy vẫn chưa bằng một số dòng LED đầu bảng nhưng vẫn đủ dùng trong phần lớn điều kiện.
Không chỉ đơn thuần là chất lượng hình ảnh được cải thiện, năm nay LG cũng bổ sung vài tính năng vui vẻ cho G7. Mình thích nhất là chế độ Live Focus cho phép phóng to hình theo thời gian thật, nếu xem nội dung 4K chất lượng cao thì bạn có thể tha hồ soi chi tiết. Gu màu sắc thì tùy thuộc vào cá nhân mỗi người, nhưng đối với mình thì tông màu tổng thể các chế độ mặc định của LG khá trung tính chứ không rực như của Samsung. Dĩ nhiên, bạn hoàn toàn có thể tự cân chỉnh là màu sắc cho phù hợp. Sự thật là một khi đã xem hình ảnh của TV OLED, bạn rất khó quay trở lại với LED.
Soundbar tích hợp công nghệ Dolby Atmos
Một điểm mình đánh giá rất cao ở các dòng TV OLED cao cấp của LG đó chính là loa được thiết kế theo dạng soundbar rời. Chính sự riêng biệt này cho phép loa không bị bó buộc vào thiết kế chung của TV, từ đó giúp các kỹ sư của LG tối ưu chất lượng âm thanh. Đối với G7, hệ thống loa của TV được thiết lập 4.2 kênh và có khả năng hỗ trợ giả lập chuẩn âm thanh Dolby Atmos.
Hiện tại nếu muốn sắm một chiếc soundbar hỗ trợ Dolby Atmos chất lượng bạn sẽ phải bỏ ra trên dưới 20 triệu đồng. Dĩ nhiên mình chưa có điều kiện so sánh thử, nhưng tổng thể thì soundbar của G7 giả lập hiệu ứng âm thanh vòng 360 độ ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên cần lưu ý là do cơ cấu giả lập hiệu ứng Atmos của G7 đòi hỏi phải sử dụng trần nhà để dội âm thanh, tương tự như soundbar truyền thống, nên nó sẽ không hiệu quả nếu trần nhà bạn quá cao hoặc lắp đặt tiêu âm.
Thiết kế siêu mỏng sang trọng
LG G7 thuộc bộ sưu tập Signature vì vậy không chỉ chất lượng hình ảnh mà thiết kế cũng vô cùng ấn tượng. Thật ra năm nay hãng điện tử Hàn Quốc vẫn sử dụng ngôn ngữ thiết kế 'Ảnh trên Kính' (Picture on Glass) nên cũng không nhiều thay đổi so với G6, nhưng đây vẫn là một trong những dòng TV có thiết kế đẹp và sang trọng nhất hiện nay. Thực chất tấm nền OLED chỉ có độ mỏng vỏn vẹn 2,57 mm nên được dán lên một tấm kính để gia cố độ cứng, phía sau được làm vân 3D phản chiếu rất đẹp mắt.
Như mình đã nói ở phần âm thanh, thiết kế của LG chia ra làm 2 phần tách biệt với phía trên là màn hình và phía dưới là soundbar. Soundbar này thực chất kiêm luôn chân đế cũng như tích hợp tất cả các linh kiện khác của TV như cổng kết nối, nguồn,... Cách thiết kế này rất hay bởi lẽ không những giúp phô diễn độ mỏng ấn tượng tấm nền OLED, nó còn cho phép tối ưu chất lượng âm thanh. Hiện tại có rất nhiều TV thiết kế loa rất độc, chẳng hạn như Sony A1 tận dụng toàn màn hình làm soundbar, nhưng vẫn bị hạn chế vì phụ thuộc vào thiết kế tổng thể nên chưa thể tích hợp Atmos như G7. Thiết kế của G7 thì bạn có thể để trên bàn hay treo lên tường (soundbar có thể gập lại) đều đẹp cả.
Hệ điều hành WebOS 3.5 thân thiện
Nếu có giải hệ điều hành thân thiện nhất thì mình nghĩ nó sẽ thuộc về WebOS của TV LG. Giao diện kiểu thẻ bài mang đậm phong cách hoạt hoạ nhìn rất bắt mắt, tối ưu cho việc điều khiển bằng con trỏ với smart remote. Tuy nhiên điểm mà mình thích nhất chính là tất cả những tính năng chính đều có hình minh hoạ bằng chim cánh cụt rất dễ thương. So với giao diện có phần hơi lỗi mốt của Android TV hay phong cách hiện đại tối giản của Tizen (Samsung), mình nghĩ sự thân thiện của WebOS sẽ rất phù hợp với các bạn không rành công nghệ và trẻ em.
Ứng dụng thì nhìn chung WebOS 3.5 vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu giải trí thông thường của người dùng với những cái tên như Netflix, YouTube, FPT Play,.. Tuy nhiên nếu bạn muốn vọc vạch khám phá thì đây không phải là sự lựa chọn đầu tiên.
Sự lựa chọn lâu dài cho tương lai
Một cái hay khi lựa chọn những dòng TV siêu cao cấp chính là chúng đi trước thời đại, giúp bạn 'an tâm' rằng chiếc TV trăm triệu của mình sẽ lỗi mốt chỉ sau vài năm. Đối với LG G7 thì đó chính là công nghệ màn hình OLED mang lại chất lượng hình ảnh vượt trội so với phần còn lại, vốn vẫn sử dụng công nghệ LCD. G7 cũng hỗ trợ cả 3 định dạng HDR là HDR10, Dolby Vision và HLG. Hiện nay cuộc chiến định dạng HDR vẫn còn đang tiếp diễn, nhưng tương lai thì dù định dạng nào thắng thì cũng không ảnh hưởng đến chủ nhân của LG G7. Để tham khảo, chỉ có những dòng TV cao cấp nhất của Sony mới hỗ trợ cả 3 chuẩn HDR trong khi Samsung chỉ tương thích duy nhất HDR10.
Bộ ảnh TV OLED LG G7