Bên cạnh việc nghe, gọi, nhắn tin, chụp ảnh và giải trí, smartphone ngày nay còn có thể biến thành một số thiết bị chuyên dụng phục vụ cuộc sống, công việc, cũng như nghiên cứu khoa học.
1. Phát hiện động đất
Nếu đang sống gần khu vực thường có động đất, ứng dụng MyShake sẽ rất có ích cho bạn. Với các thuật toán đặc biệt, ứng dụng có thể nhận biết các hoạt động địa chấn và cảnh báo cho người dùng.
MyShake được phát triển bởi nhóm Berkeley đến từ Trường ĐH California, Mỹ. Nhóm nghiên cứu hy vọng khi có đủ lượng người dùng, MyShake có thể hình thành một hệ thống cảnh báo động đất.
MyShake hiện tại chỉ mới có phiên bản cho smartphone Android, bản cho iOS đang được phát triển và sẽ sớm ra mắt người dùng.
2. Ống Ni-vô
Ống Ni-vô (còn được gọi là Thước thủy) là một dụng cụ dùng để xác định một bề mặt trên Trái đất có nằm ngang hay không. Dụng cụ này thường được dùng trong xây dựng, trắc địa, hay lắp đặt máy móc.
Nếu đang sử dụng smartphone Android hay iOS, bạn có thể dễ dàng biến nó thành một cái Ni-vô chỉ với việc gõ từ khóa “bubble level” vào thanh tìm kiếm của Google. Ngoài ra, khi vuốt sang phải trên ứng dụng Compass của iOS bạn cũng sẽ có một cái Ni-vô với tính năng tương tự.
3. Phát hiện ung thư da
MoleScope là một phụ kiện đặc biệt dành cho các smartphone Android và iOS. Sau khi gắn vào camera của điện thoại, người dùng chỉ cần bật ứng dụng trên hệ điều hành tương ứng và quét lên các nốt ruồi trên da.
Sau đó nó sẽ chỉ ra các nốt ruồi khác thường và hướng dẫn bạn cách tự chẩn đoán. Bạn cũng có thể gửi kết quả từ MoleScope đến các bác sĩ chuyên khoa da liễu để nhờ trợ giúp.
Nếu không thích sử dụng phụ kiện, ứng dụng SkinVision dành cho cả Android và iOS cũng có thể đưa ra các chẩn đoán tương tự.
4. Kính hiển vi
Cũng là một phụ kiện dành cho smartphone, công dụng của Micro Phone Lens là phóng to một vật thể lớn hơn gấp 150 lần. Do đó, bạn có thể sử dụng nó như là một cái kính hiển vi di động để phục vụ cho công việc nghiên cứu.
Micro Phone Lens tương thích với hầu hết các smartphone có camera độ phân giải từ 5MP trở lên, giá bắt đầu từ 30 USD.
5. Đo cường độ âm thanh
Ngưỡng nghe của con người vào khoảng từ 0 đến 125dB (dB là đơn vị tính cường độ âm thanh, viết tắt của decibel). Dưới 40 dB thì nghe rất khó còn trên 105 dB thì tai sẽ bị đau đớn và trên 115 dB trong khoảng thời gian dài thì sẽ bị điếc vĩnh viễn.
Nếu cảm thấy môi trường xung quanh bạn quá ồn nhưng không biết nó có cường độ bao nhiêu, bạn có thể cài ứng dụng Decibel Meter Pro. Ứng dụng sẽ sử dụng micro trên điện thoại để ghi nhận tiếng ồn xung quanh và đưa ra chỉ số cường độ cụ thể, hiện tại nó chỉ mới có phiên bản dành cho iOS và đang được bán với mức giá 1 USD.
Nếu sử dụng Android, bạn có thể cài ứng dụng miễn phí có tên Sound Meter với tính năng tương tự.
6. Nhiệt kế
Thermodo là một cảm biến được thiết kế dưới dạng là một phụ kiện dành cho smartphone. Khi kết nối vào cổng tai nghe 3.5 mm của smartphone và khởi chạy ứng dụng, phụ kiện này sẽ cho bạn biết mức nhiệt độ của môi trường hiện tại. Một chiếc Thermodo có giá rẻ nhất là 30 USD.
Theo Ẩn Lê (Kỷ nguyên số/ Pháp luật TP HCM)