Nếu đứng một mình, hẳn chẳng mấy ai hiểu các con số 22.370.000.000.000, 15.000.000, 50% có ý nghĩa gì. Nhưng khi chúng được gắn sự kiện hay thương hiệu cụ thể như Apple, Samsung, Microsoft… thì lại có quá nhiều vấn đề phải bàn về nó.

22,37 nghìn tỷ đồng (1 tỷ USD)
Đây là số tiền được cho là Apple sẽ đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu cho khu vực châu Á đặt tại Hà Nội nhằm biến Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn ở châu lục này.
Nếu so với hơn 8 tỷ USD mà Apple dành cho hoạt động R&D trên toàn thế giới năm 2015, thì số tiền 1 tỷ USD dành cho hoạt động R&D Việt Nam khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao Apple lại đầu tư số tiền lớn như vậy vào thị trường Việt Nam. Trong khi ở châu lục này, Apple đã xây dựng các trung tâm R&D ở Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Ấn Độ. Phải chăng Apple đang nhìn nhận Việt Nam như là trung tâm mới, không chỉ về sản xuất mà cả trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Vì thế, Apple quyết định mạnh tay đầu tư nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ hòng chiếm lĩnh phân khúc thị trường còn mới mẻ ở Việt Nam.
Nhìn vào chiến lược phát triển của Apple và những động thái gần đây của các đối thủ, xem ra khả năng này hoàn toàn có thể. Bởi trong chiến lược phát triển của tập đoàn này, đầu tư vào các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ giúp hãng duy trì vị thế đứng đầu trên thị trường điện tử cũng như phát triển các lĩnh vực kinh doanh mới trong thời gian qua. Vì thế, Apple không muốn bị chậm chân tại Việt Nam khi mà kình địch Samsung đang hoàn tất thủ tục để xây dựng trung tâm R&D mới tại Hà Nội với số vốn đầu tư là 300 triệu USD thay cho trung tâm đang hoạt động tại tòa nhà PVI Tower, Hà Nội.
Để hiện thức hóa tham vọng này, Apple được cho là đang trong giai đoạn tìm kiếm địa điểm và hoàn tất thủ tục đầu tư cần thiết. Vẫn chưa thể biết được rằng dự án đầu tư của Apple tại Hà Nội đến lúc nào sẽ được triển khai và lĩnh vực nghiên cứu cụ thể mà Apple muốn tập trung ở Việt Nam. Nhưng với quy mô của dự án như vậy, cuộc chiến giữa Apple và Samsung cũng như các ông lớn khác trên lĩnh vực nghiên cứu và phát triển tại thị trường Việt Nam sẽ diễn ra vô cùng khốc liệt.
15 triệu
Đó là dự báo về lượng iPhone SE tiêu thụ trong năm 2016 của DigiTimes. Nếu so với 231 triệu iPhone bán ra trong năm 2015, thì con số này quá nhỏ bé và không nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, khi đặt con số này trong bối cảnh hầu hết hãng phân tích thị trường đều dự báo Apple sẽ lần đầu phải đối mặt với sự suy giảm lượng iPhone bán ra trong năm 2016, thì con số này lại rất có ý nghĩa. Bởi doanh số bán hàng kể trên có thể giúp dòng máy danh tiếng này thoát khỏi tình cảnh lần đầu suy giảm kể từ khi ra mắt năm 2007. Thậm chí, nó còn giúp Apple có thể lật ngược thế cờ, nếu dự báo của RBC Capital Markets trở thành hiện thực: Lượng iPhone tiêu thụ năm 2016 tăng 10 - 15 triệu máy.

Bản thân Apple cũng đang tràn trề hy vọng iPhone SE sẽ thu hút người dùng chưa nâng cấp lên iPhone 6/6s mà theo thống kê của Mixpanel hiện có 34% người dùng iPhone đang sở hữu các model màn hình 4inch. Tuy nhiên, kỳ vọng của Apple không dễ trở thành hiện thực. Bởi model này chẳng có gì mới lạ và hấp dẫn khi kiểu dáng bên ngoài hoàn toàn vay mượn iPhone 5s xuất hiện cách đây 3 năm, còn cấu hình tương tự iPhone 6s đã lạc hậu sau 2 năm bày bán trên thị trường.
Thêm nữa, tại các thị trường smartphone lớn thứ 2 thế giới Ấn Độ, iPhone SE có thể không phải là sự lựa chọn hàng đầu. Giá bán 399 USD mà Apple áp dụng cho iPhone SE là quá cao so với tầm giá 100-200 USD mà người dùng Ấn Độ hướng đến. Trong khi đó, tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới Trung Quốc, người dân nước này thích iPhone, nhưng không thích giá rẻ. Vì ở phân khúc đó, họ có rất nhiều lựa chọn thay thế đến từ các nhà sản xuất nội địa.
50%
Đó là số lượng smartphone Lumia không được nâng cấp lên Windows 10 Mobile. Theo đó, những smartphone chạy RAM 512MB của Microsoft sẽ không được cập nhật hệ điều hành mới nhất của hãng. Sự việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu các dòng máy không thuộc diện được nâng cấp chỉ chiếm thị phần nhỏ. Nhưng đằng này, chúng lại đóng góp 50% thị phần cho Microsoft trên thị trường smartphone thế giới, nhất là khi lại thiếu vắng những mẫu điện thoại đang được sử dụng khá phổ biến như Lumia 920, 520.

Thêm nữa, quyết định được đưa ra trong bối cảnh Microsoft liên tục trì hoãn thời điểm ra mắt Windows 10 Mobile và tỏ ra chậm chạp trong việc ra mắt smartphone mới chạy hệ điều hành này đang làm dấy lên đồn đoán răng: Microsoft sẽ khai tử smartphone Lumia để thay bằng thương hiệu Surface do hãng phát triển. Nghi vấn này càng có thêm sức nặng khi xuất hiện thông tin cho rằng: Microsoft sẽ chỉ ra mắt duy nhất một mẫu smartphone Lumia chạy Windows 10 Mobile trong năm 2016. Phải chăng thời điểm Microsoft khai tử smartphone Lumia đang đến rất gần?
Xem thêm:
Quang Huy