Rạng sáng nay (theo giờ Việt Nam), Apple đã giới thiệu hệ thống robot tên là Liam chuyên tháo dỡ iPhone cũ để tái chế các vật liệu có giá trị như bạc và vonfram.
Apple giới thiệu robot tháo rời iPhone để tái chế
Theo hãng tin Reuters, động thái này được xem là một nỗ lực trả lời cho những chỉ trích rằng các sản phẩm của Apple, tuy có thiết kế đẹp, liền khối, nhưng có thể gây hại cho môi trường bởi chúng được chế tạo quá chặt đến nỗi các linh kiện khó có thể tháo rời, tân trang và tái sử dụng.
Robot Liam được Apple phát triển trong gần 3 năm. Apple cho biết ban đầu nó sẽ tập trung vào iPhone 6. Apple có kế hoạch điều chỉnh và mở rộng hệ thống này để xử lý các thiết bị khác và thu hồi thêm nhiều nguồn tài nguyên từ iPhone cũ hơn.
Theo Apple, hệ thống robot này đã bắt đầu đi vào hoạt động đủ công suất từ tháng trước. Nó có thể tháo rời 1 chiếc iPhone 6 trong vòng có 11 giây để thu hồi nhôm, đồng, thiếc, coban, bạc và vàng.
Với tốc độ và hoạt động liên tục như vậy, Liam chắc có thể xử lý chưa được vài triệu chiếc điện thoại mỗi năm – một con số rất nhỏ so với hơn 231 triệu chiếc iPhone được bán trong năm 2015.
Tổ chức Hòa Bình Xanh đã hoan nghênh sáng kiến này của Apple, coi đó là một ví dụ về việc Apple cam kết như thế nào để hạn chế sản phẩm điện tử đổ đống dưới đất. Tuy nhiên, tổ chức môi trường này băn khoăn robot Liam sẽ có tác động thực sự như thế nào lên tổng thể số iPhone tái chế.
Các nhà tái chế rác thải điện tử độc lập – hiện đang xử lý rất nhiều iPhone loại thải – không được tiếp cận Liam.
Tổ chức Hòa Bình Xanh thúc giục Apple chế tạo thêm nhiều sản phẩm sử dụng kim loại tái chế và dễ tháo rời hơn nữa. Ông Tim Cook, CEO Apple nói Apple là người đi đầu trong ngành công nghiệp về các vấn đề môi trường, như yêu cầu các nhà cung cấp sử dụng năng lượng tái tạo.
Apple không tiết lộ có bao nhiêu thiết bị của họ thuộc diện tái chế hằng năm.
Hệ thống Liam có chứa 29 module robot đặt tại một địa điểm gần trụ sở của Apple tại Cupertino, California. Ban đầu nó sẽ tập trung vào tái chế iPhone 6 được bán ở Mỹ, thị trường đem lại đến 40% doanh thu của hãng.
Hệ thống Liam thứ hai sẽ được đặt ở châu Âu.
Một số nhà hoạt động môi trường đã chỉ trích Apple vì không làm cho những sản phẩm của họ thân thiện với môi trường hơn. Chẳng hạn, trong chiếc laptop siêu mỏng MacBook Air, những con chip, ổ cứng, pin... không thể dễ dàng nâng cấp, dùng ốc vít riêng hoặc keo dính để gắn linh kiện. Còn máy tính của các hãng khác dễ dàng tháo rời hơn.
Kyle Wiens, đồng sáng lập iFixit, cho biết một lý do iPhone, iPad khó tháo tời là pin của chúng bị dính chặt vào thiết bị.
Một số lượng lớn model iPhone cũ được bán lại cho người tiêu dùng ở Trung Quốc và châu Phi. Số này lại ít có lựa chọn tái chế hơn nhiều. Do đó, vị lãnh đạo iFixit cho rằng đặt robot ở châu Âu và Mỹ không có tác dụng nhiều. Và mặc dù con robot thực sự là tuyệt nhưng thực tế lại khác xa do đó nó sẽ không thực sự tác động nhiều.
Thanh Xuân