Đó là kết quả khảo sát thương mại kết nối toàn cầu do công ty nghiên cứu thị trường Nielsen thực hiện.
Khảo sát thương mại kết nối toàn cầu được thực hiện ở 63 quốc gia để hiểu được những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến quá trình kỹ thuật số hóa trong việc mua sắm của người tiêu dùng, nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan về những công nghệ kỹ thuật số người tiêu dùng sử dụng trong các cửa hàng hôm nay và những yếu tố tiềm năng tương lai. Đồng thời, đây cũng được cho là bản phác thảo các xu hướng đột phá lớn nhất sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại kết nối trong những năm tới.
Báo cáo cho thấy rằng một khi một người tiêu dùng mua trực tuyến, thì các kênh trực tuyến vẫn là điểm đến mua sắm yêu thích của họ. Trong số những người Việt mà đã mua các sản phẩm du lịch, dịch vụ trực tuyến, thì có đến hơn 7o% nói rằng họ mua các loại sản phẩm này trực tuyến thường xuyên hơn so với việc đến cửa hàng. Điều này cũng đúng đối với các sản phẩm trò chơi video, vé tham gia sự kiện và các dịch vụ giao hàng từ nhà hàng, với 50% người đã mua trực tuyến các loại sản phẩm này nói rằng họ đều mua trực tuyến thường xuyên hơn so với việc đến cửa hàng.
Tuy nhiên, câu chuyện này không xảy ra giống nhau cho tất cả các sản phẩm. Đối với các loại sản phẩm có giá trị cao, chu kỳ mua không thường xuyên và đòi hỏi sự trải nghiệm (trong đó tương tác với các sản phẩm là quan trọng), các kênh trực tuyến không phải là kênh mua sắm chiếm ưu thế.
Cụ thể, đối với sản phẩm thời trang, chỉ có 23% người được hỏi cho biết họ mua thường xuyên hơn trên mạng, 37% mua thường xuyên hơn trong cửa hàng và 40% mua trực tuyến và trong cửa hàng với tần số ngang nhau. Và đối với các sản phẩm chăm sóc em bé và trẻ em, thì tỷ lệ người được khảo sát cho biết mua thường xuyên hơn tại cửa hàng (39%) lớn hơn so với tỷ lệ mua trực tuyến thường xuyên hơn (23%), và gần giống với tỷ lệ mua trong cửa hàng và trực tuyến là như nhau (38%).
Theo nhận định của đại diện Nielsen, hệ sinh thái bán lẻ trực tuyến đang nhanh chóng phát triển. Và không chỉ là thói quen mua đang chuyển dần sang nền tảng kỹ thuật số, mà toàn bộ trải nghiệm bán lẻ đang thay đổi. Người mua hàng hôm nay đang tích hợp các điểm cảm ứng kỹ thuật số dọc theo toàn bộ hành trình mua hàng của họ, từ việc xem xét các sản phẩm trực tuyến đến việc sử dụng điện thoại thông minh như là trợ lý cá nhân cho việc mua sắm trong cửa hàng.
Trong thực tế, ở một số nước như Trung Quốc, người tiêu dùng đang sử dụng các thiết bị di động để mua một vài loại sản phẩm ở mức cao. Người mua sắm của thời đại “bán lẻ đa kênh” có thể chuyển đổi liền mạch giữa kênh trực tiếp và kênh trực tuyến một cách dễ dàng.