Câu trả lời được đưa ra bởi đại diện Samsung Việt trong buổi Offline trải nghiệm Galaxy S7 và Galaxy S7 edge diễn ra vào ngày hôm qua.
Kể từ khi bộ đôi Galaxy S7 và Galaxy S7 edge được ra mắt, trang bị tản nhiệt chất lỏng trên bộ đôi smartphone cao cấp của Samsung là vấn đề được đông đảo người dùng quan tâm. Bởi sau con chip Snapdragon 810 gặp lỗi tỏa nhiệt, nhiều người đang lo ngại về trường hợp tương tự sẽ xảy đến với vi xử lý Snapdragon 820.
Và đó là lý do tại sao, Samsung lại đưa cơ chế tản nhiệt chất lỏng lên bộ đôi Galaxy S7 thế hệ mới. Công dụng làm mát, tản nhiệt của cơ chế này thì nhiều người đã rõ. Nhưng cách hoạt động của tản nhiệt chất lỏng trên Galaxy S7 và Galaxy S7 edge thì không phải ai cũng hiểu.
Nhất là trong bối cảnh, xuất hiện thông tin cho thấy: tản nhiệt chất lỏng trong Galaxy S7 không có chất lỏng, khi một vài người dùng ở nước ngoài tiến hành mổ Galaxy S7 để kiểm tra cơ chế tản nhiệt này.
Mổ hệ thống tản nhiệt chất lỏng trong Galaxy S7 nhưng không có chất lỏng (Xem từ phút thứ 4 trở đi).
May mắn là vào ngày hôm qua, tại buổi Offline trải nghiệm Galaxy S7 và Galaxy S7 edge diễn ra ở Hà Nội, đại diện diễn đàn Samsung Việt đã giải đáp thắc mắc lớn nhất này của người dùng.
Đây là câu trả lời cho việc tản nhiệt chất lỏng trong Galaxy S7 không có chất lỏng của đại diện Samsung Việt:
'Trên Galaxy S7 series, Samsung sử dụng một công nghệ tản nhiệt chất lỏng dựa trên cơ chế thay đổi định hình chất liệu - Vapor. Trong ống dẫn nhiệt S7 series có 0,02 gram dạng chất lỏng này. Đây là một công nghệ đã được khá nhiều hãng sản xuất sử dụng, cơ bản Vapor là một dạng khí ga ở điều kiện sử dụng tự nhiên khi máy chưa nóng. Đó là lý do tại sao khi mở máy ra các bạn sẽ không thấy bất kỳ một chất lỏng nào chảy ra cả.
Nhưng nếu trong quá trình sử dụng máy bạn nóng lên thì khí Gas bốc hơi đi đến 1 đầu gọi là đầu ra mang theo nhiệt độ để làm mát và hóa lỏng đầu bên kia. Từ đó nhiệt độ sẽ được tản ra nhanh chóng và đều trên khắp ống dẫn, Samsung họ gọi đây là Heat Pipeline Liquid. Đây chính là cơ chế hoạt động của tản nhiệt chất lỏng trên Galaxy S7 series'.
Ống tản nhiệt chất lỏng tìm thấy trên Galaxy S7.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đây mới thực sự là cơ chế tản nhiệt chất lỏng được nhắc tới trên bộ đôi Galaxy S7.
- Hiểu một cách đơn giản, cơ chế tản nhiệt chất lỏng trên Galaxy S7 và Galaxy S7 chính là cơ chế 'tản nhiệt buồng hơi' khá quen thuộc, hay còn có tên gọi là Vapor Chambers. Nếu so về nguyên lý, nó không khác nhiều so với cách làm mát trong tủ lạnh hiện nay.
- Cơ chế này sẽ nạp vào ống tản nhiệt một chất làm mát đặc biệt, thông thường ở dạng lỏng dưới áp suất cao, chứ không phải khí như giải thích ở trên. Còn việc tản nhiệt chất lỏng trên Galaxy S7 không có chất lỏng là do, khi mổ hệ thống tản nhiệt này, người dùng đã vô tình làm mất đi áp suất trong ống, khiến chất lỏng hóa hơi và bay hết. Điều này giải thích tại sao mổ hệ thống tản nhiệt lại không hề có chất lỏng.
chất lỏng trong ống nhận nhiệt sẽ bốc hơi lên trên, gặp tản nhiệt sẽ ngưng tụ thành dạng lỏng và chảy lại xuống dưới vùng nhận nhiệt, rồi lại bốc hơi tạo thành chu trình tuần hoàn liên tục.
Còn về cơ chế chung, khi được làm nóng, chất làm mát sẽ chuyển trạng thái từ lỏng sang hơi và ngược lại. Thể hơi sẽ di chuyển tự do nhờ hiện tượng đối lưu và ngưng tụ trên khu vực có nhiệt độ thấp, truyền nhiệt sang những nơi bị làm nóng, sau đó được dẫn trở về chỗ chứa để tiếp tục lấy nhiệt.
Hệ thống tản nhiệt có thể hấp thụ và phát tán đi một lượng nhiệt lớn qua cơ chế này, chính là mục đích tản nhiệt cho Galaxy S7 và Galaxy S7 edge. Sự ngưng tụ phụ thuộc vào chênh lệch nhiệt độ giữa chất làm mát và bề mặt tiếp xúc.
Buồng tản nhiệt được xây dựng sao cho chất làm mát có thể tự chảy về nơi có nhiệt độ bề mặt thấp nhất. Sự tự sắp xếp này của các phân tử chất làm mát bên trong ống tản nhiệt tạo nên tính chất nhiệt vượt trội. Kết quả là nó có thể phát tán nhiệt từ toàn bộ bề mặt một cách đồng đều. Điều này giúp cho 'tản nhiệt buồng hơi' có công suất thoát nhiệt lớn từ những vi xử lý cao cấp, như Snapdragon 820 trên di động là một ví dụ.