So với các mẫu pin di động khác, MiLi Power Miracle III có lợi thế ở chỗ giá thành không quá đắt và lại được trang bị công nghệ sạc nhanh Quick Charge 3.0. Theo công bố của nhà sản xuất, dung lượng của viên pin này là 10.000 mAh, và để biết được dung lượng pin thật của sản phẩm này, mình đã thực hiện một vài thử nghiệm như bên dưới, mời các bạn theo dõi.
Thông số pin:
Dung lượng 10.000mAh
Đầu vào: 5V/2A – 9V/1.67A
Đầu ra 1 (Quick Charge 3.0): 3.6->6.5/3A – 6.5->9/3A – 9->12/3A
Đầu ra 2: 5V/3A
Kích thước: 138 x 68 x 18 mm
Quá trình thử nghiệm:
Bắt đầu sạc đầy viên pin MiLi Power Miracle III
Sử dụng một smartphone Android có dung lượng pin 3200 mAh, hỗ trợ Quick Charge 3.0
Xả cạn pin của smartphone này, và sạc đầy lại viên pin 3200 mAh bằng MiLi Power Miracle III và lặp lại như vậy cho đến khi nó hết cạn pin.
Do là loại pin Lithium-Polymer, thế nên MiLi Power Miracle III khá mỏng mặc dù chiều dài và rộng có nhỉnh hơn đôi chút so với các viên pin cùng dung lượng của những hãng khác. Với phần thân được làm bằng nhôm và 2 đầu là nhựa bóng, cục pin này mang lại cho chúng ta một chút gì đó sang trọng hơn so với các cục pin dự phòng có vỏ nhựa. Có 4 đèn LED màu xanh để hiển thị mức độ pin, mỗi 1 đèn tương tứng với 25% dung lượng. Để biết được pin còn lại bao nhiêu, bạn cần nhấn vào 1 nút ở bên hông, lúc bấy giờ thì đèn LED mới sáng lên. Đây cũng là nút nguồn của viên pin.
Phần đỉnh của MiLi Power Miracle III là 2 cổng sạc ra và 1 cổng MicroUSB để sạc cho nó. Trong số 2 cổng USB đầu ra, cổng màu cam là sạc thường trong khi cổng màu xanh trang bị công nghệ sạc nhanh Quick Charge 3.0.
Hiệu năng - dung lượng thật khoảng 6720 mAh
Mặc dù có dung lượng 10.000mAh, tuy nhiên trên thực tế, dung lượng pin của MiLi Power Miracle III vào khoảng 6720 mAh, tương ứng với mức hiệu suất đạt được là khoảng 67,2%. Thật ra, không có bất kỳ nguồn sạc nào có thể chuyển toàn bộ 100% năng lượng ban đầu cho các thiết bị khác. Nguyên nhân là do năng lượng không chỉ truyền từ cục pin di động sang máy, mà còn bị hao hụt bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như việc chuyển đổi điện áp đột ngột, nhiệt năng hao phí,…Qua thử nghiệm thực tế, trang Androidauthority có đưa ra một công thức mà họ cho là “gần đúng” để tính dung lượng thực tế của một cục pin dự phòng, công thức như sau: dung lượng thật = ((dung lượng ban đầu * 3.7) / 4.2) * 0.8).
So với kết quả của mình với kết quả thu được từ công thức này thì thật sự cũng không có quá nhiều khác biệt. Tuy vậy, không ai có thể khẳng định cách tính này chính xác, và như đã nói ở trên, dung lượng thật của một nguồn sạc phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có cả cấu tạo của viên pin.
Sạc bằng cổng không có Quick Charge 3.0 - 20 phút đo 1 lần
Mình sử dụng một chiếc điện thoại có viên pin 3200 mAh, và thực tế có thể sạc đầy được khoảng 2 lần cho thiết bị này. Sau cả hai lần sạc thì thời gian sạc đầy mặc dù có chênh lệch nhưng không quá nhiều. Như các bạn có thể thấy trong bảng thống kê dưới đây, dòng điện ban đầu vào khá mạnh nhằm đẩy nhanh tốc độ sạc, nhưng khi bắt đầu từ ngưỡng 50% trở đi, dòng điện bắt đầu hạ thấp dần, xuống đến mức 5.2V - 0.2A. Đây được xem là một tính năng thông minh nhằm bảo vệ cũng như kéo dài tuổi thọ pin của thiết bị được sạc.
Sạc bằng cổng không có Quick Charge 3.0 - 10 phút đo 1 lần
Quick Charge 3.0 mới thật sự là yếu tố đáng quan tâm đối với MiLi Power Miracle III. Trên lý thuyết, công nghệ Quick Charge 3.0 có thể giúp sạc thiết bị từ 0-80% chỉ trong 35 phút, nhưng dù gì thì đó vẫn chỉ là lý thuyết. Qua thử nghiệm thực tế ở cục pin di động này, thời gian để sạc cho chiếc smartphone có viên pin 3200 mAh từ mức 0 - 50% là hơn 30 phút một xíu. Rõ ràng là so với cổng sạc thường, cổng sạc Quick Charge cho tốc độ sạc nhanh hơn đáng kể. Nếu như với cổng sạc thường, bạn mất gần 120 phút (2 tiếng) để sạc đầy thiết bị, thì với cổng QC 3.0, thời gian đó chỉ hơn 90 phút một xíu. Tức là bạn tiết kiệm được khoảng 30 phút.
Nhược điểm của viên pin di động này là do nó có phần vỏ được làm bằng kim loại, dù tạo nên vẻ sang trọng nhưng điều này cũng khiến nó dẫn nhiệt tót hơn. Trong lúc dùng MiLi Power Miracle III để sạc cho thiết bị khác, hoặc là khi bạn sạc nó, trong mọi trường hợp, cục pin này đều nóng lên đáng kể. Mặc dù vậy, đối với những bạn đang sở hữu một chiếc smartphone có hỗ trợ Quick Charge 3.0 thì đây cũng là một lựa chọn rất đáng để lưu tâm.
Thời gian sạc đầy MiLi Power Miracle III (10.000 mAh) hơn 3 tiếng
Sử dụng một cục sạc Quick Charge 3.0, cho dòng điện duy trì ổn định ở mức 9V - 2.1A, thời gian để sạc đầy viên pin có dung lượng 10.000 mAh này là khoảng 3 tiếng 7 phút.
Theo Tinhte.vn