IOS vốn luôn được ca tựng ở tính dễ sử dụng và thân thiện người dùng. Ngược lại, Android có thế mạnh là tùy biến cao nhưng trải nghiệm bị cho là rối rắm.
Nhưng 10 ví dụ dưới đây chứng minh điều ngược lại khi Android cung cấp trải nghiệm tốt hơn hẳn iOS:
1. Tinh chỉnh độ sáng
Với Android, khi điều chỉnh độ sáng màn hình bằng thanh trượt, bạn chỉ cần đặt ngón tay ở vị trí mong muốn là con trỏ tự chạy đến. Còn với iOS, bạn phải kéo nó đi, mất công hơn.
2. Tính năng “Back”
Trên bất kỳ máy Android nào cũng có nút Back bên dưới màn hình, giúp bạn dễ dàng trở về màn hình trước đó ở bất kỳ ứng dụng nào.
Còn trên iOS, mặc dù Apple có đưa vào chế độ quẹt ngón tay từ trái sang khá hay nhưng vấn đề là không phải ứng dụng nào cũng hỗ trợ. Còn khu vực “Back” mặc định trên các ứng dụng iOS lại nằm tuốt bên trên, khiến bạn phải duỗi ngón tay mới bấm được.
3. Tìm kiếm Spotlight còn khuya mới bì được Google
Tìm kiếm bằng Google đã trở thành mặc định trên các máy Android từ lâu và rất dễ dàng. Chất lượng kết quả thì không cần phải bàn.
Trên iOS, Apple cung cấp chức năng Spotlight Search. Tuy nhiên với bất kỳ kết quả nào, nó cũng hiển thị kết quả gợi ý của Siri trước, tuốt dưới đáy mới cho bạn thấy chức năng tìm kiếm trên web.
4. Tinh chỉnh các lựa chọn kết nối
Cả iOS và Android đều có khu vực bật tắt nhanh các kết nối cần thiết (Control Center và Quick Settings). Nhưng với Control Center trên iOS, bạn chỉ có thể bật tắt WiFi hay Bluetooth mà không thể lựa chọn kết nối vào mạng hay thiết bị khác.
Trong khi đó với Quick Settings, sẽ có một menu phụ bên dưới các biểu tượng, cho phép bạn chọn nhanh khi muốn chuyển đổi mạng WiFi rất nhanh, không tốn nhiều thao tác vào WiFi trong Settings như iOS.
5. Thông tin sản phẩm Android rõ ràng hơn
Thử nhìn vào mặt lưng một chiếc iPhone bất kỳ, bạn chỉ thấy “iPhone”, chả biết nó là iPhone 6 hay 6s. Thậm chí bạn có vào Settings > About, cũng chẳng thấy thông tin nào kiểu “iPhone 5” hay “iPhone 6”. Điều này có thể gây nguy hiểm cho những người không rành công nghệ khi mua hàng cũ từ các “gian thương”.
Trong khi đó ở mục 'About phone' trên Android, phần Model number luôn cho ta thấy rõ ràng đây là thiết bị tên gì.
6. Với iOS, “Delete” ứng dụng không có nghĩa là xóa hẳn nó
Trên Android, bạn có thể vào trang “App info” và xóa hết dữ liệu của ứng dụng, đúng nghĩa “sạch sành sanh” rồi sau đó có thể cài lại khi cần thiết.
Còn trên iOS, mặc dù có thông báo Delete ứng dụng nào đó và bạn đã đồng ý, nhưng không có nghĩa là dữ liệu của nó đã hoàn toàn sạch bóng khỏi máy. iOS vẫn giữ lại một mớ dữ liệu của ứng dụng mà không xóa hẳn. Điều này sẽ gây rắc rối nếu ứng dụng nào đó “trở chứng”, xóa và cài lại có thể sẽ không giải quyết được vấn đề.
Muốn xóa ứng dụng triệt để, bạn buộc phải xóa toàn bộ các sao lưu iCloud rồi “factory reset” để máy trở lại trạng thái vừa xuất xưởng. Đây là điều mà có lẽ chẳng ai muốn làm chỉ để xóa 1, 2 ứng dụng.
7. Cơ chế hoàn tiền trên App Store là ác mộng
Với kho Google Play của Android, khi mua một ứng dụng nào đó, bạn có 15 phút để suy nghĩ quyết định của mình sau khi mua. Nếu không thích nữa, bạn có thể nhấn vào nút “Refund” để lấy lại tiền.
App Store của Apple không cho bạn làm thế một cách dễ dàng. Để lấy lại tiền, bạn buộc phải làm qua một loạt các bước, rất nhiêu khê và tốn thời gian.
8. Bạn không thể loại bỏ các ứng dụng mặc định của Apple
Trước đến nay, iOS chỉ cho bạn sắp xếp các ứng dụng vào thư mục chung, mà không cho bạn xóa bất kỳ ứng dụng mặc định nào của Apple, cho dù bạn chẳng bao giờ xài đến chúng, như Watch hay Health chẳng hạn.
Dĩ nhiên điều này không hề xảy ra với Android. Và với iOS 10, Apple đã cho phép bạn làm việc này, dù không hẳn là tối ưu.
9. Nút Home của iPhone có quá nhiều chức năng
Điều này có thể không là vấn đề với một số người. Nhưng Apple có vẻ hơi tham khi gán cho nút Home quá nhiều chức năng: nhấn 1 lần để ra màn hình chính, nhấn 2 lần để lựa chọn các ứng dụng đang mở, nhấn giữ để kích hoạt Siri, nhấn 3 lần để mở các đường dẫn Accessibility (nếu kích hoạt) và chạm 2 lần để kích hoạt Reachability (kéo các ứng dụng xuống để dễ chọn trên iPhone 6s). Tóm lại là hơi quá nhiều nhiệm vụ cho một nút nhỏ xíu.
Chưa hết, với iPhone, bạn phải thực sự bấm nút. Còn với Android, ngoài phím Home, các nút như Back hay Menu (hay Recent Apps) là các nút ảo, bạn chỉ cần chạm vào chúng mà thôi.
10. iOS không tận dụng triệt để sức mạnh của các trình duyệt web thứ 3
Apple sử dụng một thứ gọi là UIWebView để xử lý hiển thị trang web trong trình duyệt Safari. Quả thật là nó vẫn đẹp và nhanh.
Nhưng vấn đề là khi bạn chuyển sang dùng một trình duyệt khác, như Chrome chẳng hạn, nó vẫn buộc phải dùng UIWebView để xử lý nội dung hiển thị. Điều này nghĩa là iOS sẽ không tận dụng được những lợi ích riêng của các trình duyệt khác, mà đơn giản chỉ là bạn đang dùng Safari với một giao diện khác, cách thức điều khiển khác mà thôi.
Nguyên Khang
Nguồn : kul.vn