Hiện tại, giữa GFX 100S và GFX 100 giá chênh lệch nhau khoảng 4.000$, 1 con số không hề nhỏ 1 chút nào! Vậy chúng giống và khác nhau ở điểm nào, sự khác biệt đó có xứng đáng hay không, các bạn hãy cùng mình xem bài so sánh bên dưới nhé!
1. GFX 100S VÀ GFX 100: GIỐNG NHAU Ở ĐIỂM NÀO?
Cảm biến: 102MP, 43,8x32,9mm, tính năng Pixel Shift Multi-Shot chụp ảnh 400 MP
Dãy ISO: 100 - 102,400
Hệ thống lấy nét: PDAF, 3,78M điểm AF, độ phủ 100% khung hình
Video: 4K 30p không crop
Cả hai đều sử dụng cảm biến CMOS Medium Format 102MP, 43,8x32,9mm của Fujifilm và đều có tính năng Pixel Shift Multi-Shot 400MP.
Tính năng Pixel Shift Multi-Shot chụp ảnh 400 MP này sẽ cho phép chụp và kết hợp 16 tấm ảnh RAW thành một bức ảnh 400MP.
Tính năng hoạt động bằng cách kết hợp cảm biến 102MP của máy ảnh, vi xử lý X Processor 4 và hệ thống chống rung IBIS bên trong máy ảnh, khi sử dụng tính năng thì cảm biến sẽ xê dịch khoảng 0.5 pixel và ghi lại thông tin RGB điểm ảnh độ phân giải cao. Quy trình sẽ lặp lại như vậy với 16 bức ảnh.
Dãy ISO giống nhau từ 100 - 102,400 và hệ thống lấy nét tự động theo pha trên cảm biến cũng giống nhau với 3,78 triệu điểm AF bao phủ 100% khung hình.
Không chỉ trang bị cảm biến giống nhau mà ngay cả tính năng quay video của hai máy ảnh này cũng tương tự như nhau với 4K 30p không crop.
Tính tới thời điểm hiện tại thì sự khác biệt lớn nhất giữa hai máy này là ở thiết kế vật lý của chúng và đây chính là điểm mà bạn sẽ quyết định lựa chọn máy ảnh nào tùy thuộc vào tính năng mà bạn đánh giá cao nhất!
2. KÍCH THƯỚC VÀ TRỌNG LƯỢNG
GFX 100S: 150.0x104.2x87.2mm, 900g (thân máy, pin và thẻ nhớ)
GFX 100: 156.2mm × 163.6mmx102.9mm, 1.400g (thân máy với kính ngắm, pin x2 và thẻ nhớ)
Sự khác biệt là khá lớn, GFX 100S nhẹ hơn 500g và nhỏ hơn 30% so với GFX 100. Nó chỉ hẹp hơn vài mm, nhưng chiều cao thấp hơn và thân hình mảnh mai hơn nhiều. GFX 100S cũng có khả năng chống chịu thời tiết, va đập,… giống như GFX 100.
Tất nhiên, kích thước không phải là yếu tố quan trọng vì nhiều ống kính Fujinon GF khá là lớn và có thể nhiều nhiếp ảnh gia muốn có một thân máy to và nặng để gắn chúng vào.
3. BÁNG CẦM DỌC
GFX 100S: Không có báng cầm dọc
GFX 100: Báng cầm tích hợp với pin đôi và điều khiển dọc
Nếu bạn cần một báng cầm thích hợp để cầm nắm tốt hơn, kéo dài thời gian chụp hoặc thời lượng pin lâu hơn thì GFX 100 là lựa chọn số 1.
4. ĐIỀU KHIỂN
GFX 100S: Bánh xe chế độ thông thường
GFX 100: Bánh xe đặc biệt
Fujifilm đã khiến nhiều người ngạc nhiên về thiết kế điều khiển của GFX 100, máy ảnh không tích hợp bánh xe điều chỉnh ISO/Tốc độ màn trập hoặc thậm chí là bánh xe tùy chỉnh. Fujifilm cho biết bố cục điều khiển của GFX 100 phù hợp với các nhiếp ảnh gia studio mà chiếc máy ảnh này hướng đến.
Trong khi đó, GFX 100S vẫn có bánh xe chế độ thông thường, đây là điều mà hầu hết các nhiếp ảnh gia khi chuyển sang máy ảnh Medium Format đều sẽ sử dụng và điều này phù hợp với phong cách chụp ảnh cầm tay, tính di động mà GFX 100S hướng đến.
5. KÍNH NGẮM EVF
GFX 100: EVF có thể tháo rời, độ phân giải 5,76M, độ phóng đại 0,86x
GFX 100s: EVF không thể tháo rời, độ phân giải 3,69M, độ phóng đại 0,77x
GFX 100 thực sự có một lợi thế hơn hẳn so với GFX 100S, EVF của nó có thể tháo rời và thay đổi.
Hơn thế nữa, nó có độ phân giải 5,76 triệu điểm ảnh và độ phóng đại 0,86x.
Trong khi đó EVF của GFX 100S là cố định với độ phân giải nhỏ hơn là 3,69 triệu điểm ảnh và độ phóng đại thấp hơn 0,77x.
Cả hai máy ảnh đều có 1 màn hình phụ ở trên và 1 màn hình chính có thể tùy chỉnh các góc lật nghiêng.
6. HỆ THỐNG ỔN ĐỊNH BÊN TRONG THÂN MÁY
GFX 100s: 6 stop
GFX 100: 5,5 stop
Fujifilm không chỉ làm cho hệ thống ổn định trong thân máy trên GFX 100S nhẹ hơn 20% và nhỏ hơn 10% để phù hợp với thân máy nhỏ hơn mà còn làm cho nó hoạt động hiệu quả hơn nhờ các kinh nghiệm từ việc chế tạo X-T4 và X-S10.
Trên lý thuyết, hai chiếc máy này chỉ chênh nhau 0,5 stop về khả năng chống rung nhưng với nhiều ống kính Fujinon thì đó là con số đáng kể.
Bạn cũng có thể yên tâm rằng việc giảm kích thước của GFX 100S so với GFX 100 cũng không ảnh hưởng đến khả năng chống rung của nó.
7. CÁC CHẾ ĐỘ GIẢ LẬP PHIM
GFX 100: 19 chế độ
GFX 100: 18 chế độ
Fujifilm GFX 100S bổ sung một chế độ Giả lập Phim Âm bản Hoài cổ mới, nhằm mục đích tái tạo giao diện của “American New Color” phổ biến trong những năm 1970 - 1990.
Tuy nhiên không phải ai cũng cần sử dụng các chế độ Giả lập Phim, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường sẽ chụp ảnh RAW, tự cài preset, profile hoặc LUTs của riêng họ.
8. MÀN TRẬP
GFX 100S: 150.000 shot, độ trễ 0,07 giây
GFX 100: 150.000 shot, độ trễ 0,09 giây
Màn trập của GFX 100S đã được làm nhỏ hơn 22% và nhẹ hơn 16% để phù hợp với thân máy nhỏ hơn, tuy nhiên tốc độ và tuổi thọ màn trập là như nhau.
Một lợi thế nhỏ của GFX 100S là màn trập nhẹ hơn nên độ trễ ngắn hơn một chút là 0,07 giây so với 0,09 giây trên GFX 100.
9. PIN/THỜI GIAN SỬ DỤNG
GFX 100S: 460 bức ảnh
GFX 100: 2x400 bức ảnh
Một trong những lý do để màn trập của GFX 100S nhỏ hơn GFX 100 là để pin của máy ảnh có thể đặt vừa vặn trong tay cầm thay vì đặt bên dưới máy ảnh như với GFX 100.
Nếu pin được sạc đầy, GFX 100S có thể chụp được 460 bức ảnh, nhiều hơn một số máy ảnh Mirrorless Full-Frame hiện tại.
Tuy nhiên thiết kế báng cầm dọc của GFX 100 khiến nó có thể chứa được hai viên pin. Mỗi viên pin được sử dụng để cung cấp năng lượng cho máy trong mỗi lần chụp và khi pin được sạc đầy, nó có thể chụp được khoảng 2x400 bức ảnh. Đó là một điểm cộng lớn cho GFX 100.
10. KHẢ NĂNG QUAY VIDEO
GFX 100S: Thời gian quay tối đa 120 phút
GFX 100: Thời gian quay tối đa 60 phút
Khả năng quay video 4K không crop ở 30p là giống nhau trên cả hai máy nhưng GFX 100S vẫn có lợi thế hơn ở 1 chút ở 2 ưu điểm sau:
Đầu tiên là nó không chỉ có Chống rung Quang học mà còn có Chống rung Điện tử thế hệ mới với hệ số crop 1,1x và nó tỏ ra rất hữu ích trong quá trình sử dụng cầm tay cũng như chuyển động.
Thứ hai là thời gian quay phim tối đa đã được kéo dài từ 60 phút trên GFX 100 lên 120 phút trên GFX 100S.
11. GIÁ CẢ
GFX 100S: $ 5,999/£ 5,499
GFX 100: $ 9,999/£ 9,999
Giá của GFX 100S là một điều đáng để bàn, nó là một chiếc máy ảnh Medium Format 102MP nhưng mức giá chỉ ngang các máy ảnh Full-Frame flagship đầu bảng. Trên thực tế, giá của nó còn rẻ hơn cả Sony Alpha A1!
Hiện tại, GFX 100 vẫn đang được bán với giá 9.999 USD và nó có vẻ quá cao so với GFX 100S. GFX 100 có tuổi thọ pin dài hơn, kính ngắm và thiết kế cầm nắm tốt hơn nhưng lợi thế của nó khó có thể biện minh cho sự chênh lệch giá quá lớn.
Giữa Fujifilm GFX 100S và GFX 100: Bạn nên chọn cái nào?
Nếu bạn có nhu cầu chụp cố định và làm việc hàng giờ liền trong studio hoặc tại các địa điểm nhất định, GFX 100 vẫn là công cụ tốt hơn… nhưng không nhiều!
Nhưng nếu bạn thích làm việc cầm tay với phong cách di động và ở ngoài thực địa thì GFX 100S là sự lựa chọn tốt nhất.
Nó làm được mọi thứ mà GFX 100 có thể làm được nhưng nhẹ hơn, rẻ hơn và dễ dùng hơn cho người mới dùng Medium Format!
Một số hình ảnh được chụp từ GFX 100S
Theo: Digital Camera World, PetaPixel
Các bác có thể xem thêm bài:
So sánh Chất lượng Video và Khả năng Chống rung IBIS của Fujifilm X-T4 - Sony A7III - Nikon Z6