Bloomberg cáo buộc, Apple phủ nhận
Từ đầu tháng 10, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Apple sẽ không có đủ iPhone X cung ứng ra thị trường vào mùa mua sắm, dịp lễ cuối năm. Họ đang phải trải qua nhiều thách thức trong việc sản xuất chiếc điện thoại hội tụ hàng loạt công nghệ hiện đại, đặc biệt là Face ID với số lượng lớn và quỹ thời gian hạn hẹp.
Vì vậy, theo Bloomberg, Táo khuyết đã âm thầm đề nghị các nhà cung cấp làm giảm độ chính xác của hệ thống nhận diện khuôn mặt để việc sản xuất đại trà trở nên dễ dàng hơn.
Ngay lập tức, Trudy Muller - người phát ngôn của Apple khẳng định Bloomberg đã sai hoàn toàn và hãng vẫn đang làm việc chăm chỉ để biến Face ID trở thành tiêu chuẩn vàng cho công nghệ nhận dạng gương mặt. Chất lượng và độ chính xác của nó sẽ không thay đổi với tỷ lệ sai số 1/1 triệu, nghĩa là gần như bằng không.
Vấn đề cốt lõi là máy chiếu điểm
Bộ cảm biến 3D cho Face ID bao gồm 3 yếu tố chính: 1 máy chiếu điểm (dot projector), đèn chiếu (flood illuminator) và camera hồng ngoại (infrared camera).
Khi Face ID hoạt động, đèn chiếu sẽ phát ra ánh sáng hồng ngoại để camera sử dụng nhằm nhận biết sự hiện diện của gương mặt. Sau đó, máy chiếu điểm sẽ chiếu 30.000 điểm lên gương mặt đang nhìn vào điện thoại để xác định tính chính xác, từ đó cho phép mở khóa điện thoại hay không.
Sở dĩ hệ thống phải sử dụng quá trình 2 bước là vì máy chiếu điểm có nhu cầu tính toán lớn, sẽ làm pin cạn nhanh nếu được kích hoạt thường xuyên như đèn chiếu.
Các thành phần tạo nên hệ thống Face ID (Bấm vào để phóng to ảnh)
Trọng tâm của các vấn đề mà Apple đang gặp phải nằm ở máy chiếu điểm. Vào tháng 9, tạp chí Wall Street Journal cho biết Apple đang gặp khó khăn khi sản xuất các mô-đun tạo ra máy chiếu điểm.
Máy chiếu điểm sử dụng một thiết bị được gọi là laser để phát xạ. Chùm tia laser chiếu sáng thông qua một ống kính quang học có chức năng tập trung chùm sáng thành 30.000 điểm ánh sáng hồng ngoại chiếu lên mặt người dùng.
Trong khi đó, laser được làm từ vật liệu bán dẫn gallium arsenide, còn ống kính cấu thành từ thủy tinh, nghĩa là cả hai đều mong manh, dễ vỡ.
Đặc biệt, nếu các thành phần có kích thước rất nhỏ trên bị sai lệch dù chỉ vài micron (1 micron = 0.001 mm), công nghệ Face ID sẽ hoạt động không chính xác.
Các ống kính rất nhỏ và dễ hư hỏng
Tồi tệ hơn, Apple lại mất đi một trong những nhà cung cấp laser là Finisar Corp. Công ty này không thể đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của Apple đúng hạn để bắt đầu việc sản xuất, vậy là hãng phải dựa vào một số các nhà cung cấp laser còn lại như Lumentum Holdings Inc. và II-VI Inc.
Mặt khác, sự mỏng manh của các thành phần khiến 2 nhà cung cấp là LG Innotek Co. và Sharp Corp gặp khó khăn trong việc kết hợp laser và ống kính để tạo ra máy chiếu chấm. Cụ thể, tại một thời điểm, chỉ có khoảng 20% máy chiếu chấm sản xuất ra có thể sử dụng được.
Công nghệ cao, nhưng thời gian hoàn thành quá ít
Như vừa nêu trên, để áp dụng Face ID, cảm biến là thách thức lớn nhất về mặt kỹ thuật. Cho đến trước khi iPhone X ra đời, Microsoft là hãng thành công nhất trong việc triển khai công nghệ này với bộ điều khiển Kinect thuộc máy chơi game cầm tay Xbox dùng để phát hiện các chuyển động của người chơi.
Kinect có kích thước bằng một quyển sách, và Microsoft chỉ bán 24 triệu bộ điều khiển một năm. Trong khi đó, cảm biến dùng cho Face ID lại nhỏ hơn nhiều, và Apple thường bán đến hơn 200 triệu iPhone mỗi năm. Thử thách dành cho Tim Cook và các cộng sự rõ ràng là rất lớn.
Nên nhớ rằng, Apple đã mất rất nhiều thời gian để phát triển iPhone X: 'Công nghệ này đã được chúng tôi nghiên cứu trong vòng năm năm' - Giám đốc thiết kế Jony Ive cho biết.
Vừa muốn tốt lại vừa muốn nhanh, một phong cách rất... Apple
Công nghệ áp dụng quá phức tạp, nhưng hãng lại không cho các nhà cung cấp nhiều thời gian, luôn đặt ra những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và thời hạn như họ vẫn thường làm trong quá khứ. Thế nên, điều tất yếu phải đến là các nhà cung cấp không thể đáp ứng được.
Vì vậy, các nhà cung cấp bắt buộc phải giảm tốc độ sản xuất nhằm phòng ngừa đổ vỡ và đảm bảo các bộ phận được lắp ráp với mức độ chính xác theo yêu cầu. Nhưng do iPhone X cần được bán đúng hạn, Bloomberg cho rằng Apple đã giảm một số chi tiết kỹ thuật để quá trình sản xuất diễn ra thuận lợi hơn.
Giả sử điều tra của Bloomberg là chính xác, chúng ta sẽ cần thêm thời gian để biết được thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của Face ID như thế nào.
Khi mới ra mắt, Face ID được Apple giới thiệu có tỷ lệ sai số 1/1 triệu (1 triệu người lạ xâm nhập thì chỉ 1 người có thể qua mặt Face ID để mở khóa điện thoại). Thậm chí kể cả khi bị 'hạ cấp', nó vẫn chính xác hơn nhiều so với Touch ID – tỷ lệ sai số là 1/50.000.
Rắc rối không chỉ nằm ở Face ID
Không chỉ gặp khó khăn trong việc sản xuất cảm biến 3-D, Apple còn thiếu hụt nhà cung cấp sản xuất màn hình OLED, một điểm cải tiến đáng chú ý khác của iPhone X. Kết quả là hãng phải phụ thuộc hoàn toàn vào Samsung. Nói vui thì Samsung chỉ cần 'hắt hơi sổ mũi' là Apple sẽ phải bán những chiếc iPhone X không có màn hình.
Tình trạng thiếu hụt cảm biến 3D sẽ sớm kết thúc?
Các nhà đầu tư của Apple đã rất lo lắng về việc, nguồn cung iPhone X không đáp ứng đủ nhu cầu khiến người dùng quay sang lựa chọn smartphone Samsung hoặc Huawei. Tuy nhiên, hiện tại Apple đã bước đầu vượt qua những rào cản.
Apple đang làm việc với hãng Himax Technologies (Đài Loan) để đẩy mạnh sản xuất ống kính, bộ phận mới chỉ có Heptagon (Singapore) là nhà cung cấp duy nhất nên sản lượng đầu ra không nhiều. Trong khi đó, Sharp đang nỗ lực để nâng năng suất máy chiếu chấm lên trên 50 %, còn LG Innotek đã vượt qua cột mốc này.
Sự thiếu hụt cảm biến 3D dự kiến sẽ kết thúc vào đầu năm 2018. Mặc dù vậy, doanh số yếu kém của iPhone 8 cùng việc iPhone X (rất có thể) sẽ không được sản xuất nhiều trong thời gian đầu sẽ khiến doanh số iPhone giảm đáng kể so với năm ngoái.
Có thể thấy, dù là một 'gã khổng lồ' như Apple đi chăng nữa, việc nghiên cứu và giới thiệu những công nghệ mới quả là điều không hề dễ dàng phải không nào?
Biên tập bởi Tech Funny