Camera smartphone ngày càng được cải tiến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế vì kích thước của điện thoại vẫn còn quá nhỏ.
Nguyên nhân nào khiến smartphone cần đến camera kép?
Hiện nay điện thoại thường sở hữu ống fix là ống kính một tiêu cự, nên khó zoom quang bởi thiết kế smartphone ngày càng mỏng và nhẹ, nếu zoom lên thì chất lượng ảnh sẽ bị giảm. Chính vì thế, các nhà sản xuất đã nghĩ ra cách khắc phục tình trạng này là bổ sung chế độ HDR, hoặc đưa ống zoom vào điện thoại nhưng đều không thành công. Điển hình như Samsung đã từng cho ra mắt S4 Zoom – chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới có khả năng zoom quang 10x. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trang bị ống zoom để làm gì trong khi thiết kế của máy rất dầy và thô?
Do đó, làm thế nào để nâng cao chất lượng camera trên smartphone mà vẫn giữ nguyên thiết kế của chúng? Giải pháp các nhà sản xuất đưa ra là đưa nhiều ống kính lên cùng một thiết bị.
Những smartphone đầu tiên sở hữu camera kép
One M8 mở ra xu hướng dùng camera kép trên điện thoại
Chiếc điện thoại đầu tiên sở hữu camera kép là HTC One M8 được ra mắt vào năm 2014. Ống kính chính của máy có cảm biến 4MP, ống kính thứ hai có nhiệm vụ ghi lại thông tin về độ sâu trường ảnh cho phép người dùng lấy nét hoặc chỉnh màu sắc của ảnh sau khi chụp. Tính năng này đã gây được sự chú ý nhất định nhưng nó hoạt động vẫn còn khá nhiều lỗi, chỉ làm tốt trong điều kiện đủ sáng và khi điện thoại được cầm trên tay hoặc có giá đỡ.
Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi Huawei cho ra mắt chiếc P9 với hệ thống camera kép được giới chuyên môn đánh giá cao. Ở P9, Huawei đã trang bị một ống kính đơn sắc chuyên để chụp ảnh đen trắng với chất lượng camera tốt, thu được nhiều chi tiết để bổ trợ cho ống kính ảnh màu thứ hai. Mỗi camera có tiêu cự khác nhau, vi xử lý của P9 có nhiệm vụ đo độ sâu của ảnh dựa vào những điểm khác biệt giữa hai ống kính. Cuối cùng màu sắc sẽ được hợp nhất vào ảnh đen trắng và quá trình này diễn ra rất nhanh trong thời gian người dùng nhấn nút chụp.
Apple cũng không nằm ngoài cuộc đua smartphone camera kép khi ra mắt iPhone 7 Plus. Phương pháp của Apple cũng tương tự như Huawei là so sánh ảnh từ hai tiêu cự khác nhau, tuy nhiên iPhone sở hữu một ống kính góc rộng và một ống kính tele. Vì vậy, chất lượng ảnh tương đương với zoom quang học 2x và có khả năng chụp ảnh xóa phông.
Galaxy Note8 là chiếc smartphone đầu tiên của Samsung sở hữu camera kép. Tuy nhiên, camera kép của Note8 lại sử dụng tính năng Live Focues, cho phép tùy chỉnh xóa phông theo thời gian thực bằng cách trượt thanh kéo trên màn hình nên người dùng có thể xem trước mức độ làm mờ hậu cảnh khi chụp.
Galaxy Note8 cho phép người dùng xóa phông theo thời gian thực với tính năng Live Focus.
Tính đến thời điểm hiện tại thì Note8 là chiếc điện thoại duy nhất sở hữu tính năng chống rung OIS trên cả hai ống kính, hỗ trợ tốt chụp ảnh chân dung trong điều kiện thiếu sáng hoặc đang chuyển động. Sắp tới sẽ là iPhone X của Apple cũng được tích hợp tính năng này. Không chỉ sở hữu Face ID, iPhone X còn có khả năng chụp ảnh xóa phông bằng camera trước.
Hiện nay, các hãng công nghệ khác cũng đang lựa chọn giải pháp tương tự là Nokia, Oppo, Asus hoặc OnePlus. Bên cạnh đó, Motorola và LG lại có hướng đi hoàn toàn khác khi trang bị hai camera hoàn toàn độc lập trên các thiết bị của mình, điển hình như LG G6 hay Moto X4. Thay vào đó, người dùng có thể chuyển đổi giữa ống kính góc rộng chuẩn và ống kính siêu rộng để phù hợp với từng hoàn cảnh.
Camera kép hiện đã trở thành xu hướng nhưng các chuyên gia cho rằng phần cứng sẽ đạt tới một giới hạn vật lý, nên để tạo được một bước đột phá cho chất lượng ảnh được chụp bằng smartphone thì cần phải xây dựng thật tốt sức mạnh xử lý và phần mềm.
Google Pixel 2 tuy không có camera kép nhưng vẫn chụp ảnh xóa phông tốt.
Google Pixel 2 chính là minh chứng rõ ràng cho điều đó, khi mà chỉ cần một ống kính duy nhất, nó vẫn được đánh giá là camera tốt nhất hiện nay theo thang điểm của DxOMobile. Để có được điều này, Google đã sử dụng công nghệ Dual Pixel và các thuật toán trí tuệ nhân tạo để mang đến hàng loạt các tính năng mà các nhà sản xuất khác phải cần đến hai ống kính như: tạo hiệu ứng chiều sâu, chế độ HDR+…
Duyên