Từng là một trong những người đầu tiên trên thế giới sản xuất ra những sản phẩm cầm tay kết nối mạng, Andy vẫn làm việc không ngừng nghỉ ở tuổi 54, tiếp tục tạo ra những đột phá mới trong giới công nghệ. Để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, người đàn ông này đã phải trải qua không ít sóng gió trong cuộc đời.
Andy Rubin - đồng sáng lập hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay, Android.
Andy thể hiện năng khiếu và đam mê với máy móc từ rất sớm. Niềm đam mê của cậu trai trẻ có một phần lớn được di truyền từ người cha, giám đốc của một công ty thương mại chuyên doanh thiết bị điện tử, máy móc, linh kiện tân tiến nhất thị trường lúc bấy giờ.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử tại Đại học Utica, thành phố New York, Andy tham gia điều hành một hệ thống máy tính cho một công ty nhỏ. Từ 1986 đến 1989, Andy làm việc tại Carl Zeiss AG với vị trí kĩ sư robot.
Kì nghỉ tới Đảo Cayman là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Andy. Một cách vô tình, Andy đã giúp người đàn ông có tên Bill Caswell - một nhân viên của Apple – thoát khỏi cảnh 'màn trời chiếu đất' sau khi ông này cãi nhau với bạn gái và bị đuổi ra khỏi nhà. Nhờ vậy, cậu được trả ơn bằng vị trí kĩ sư sản xuất tại Apple từ năm 1989 đến năm 1992. Giai đoạn này, hãng Apple bắt đầu chiếm lĩnh thị trường bằng những chiếc máy tính cá nhân Macintosh.
Quãng thời gian làm việc tại Apple đã nhen nhóm trong chàng trai trẻ ý tưởng phát triển Android trong những năm sau đó. Năm 1993, Andy thôi việc tại Apple và bắt đầu làm cho MSN TV, General Magic rồi thành lập công ty Danger. Inc (công ty này được Microsoft mua lại vào năm 2008).
Năm 2003, Andy tiếp tục thành lập Android Inc. và giữ cương vị CEO tại công ty này cho tới năm 2005. Mục tiêu của Andy Rubin là phát triển những điện thoại ngày càng thông minh hơn, có thể tương tác với địa điểm và sở thích của người dùng.
Google mua lại công ty Android Inc vào năm 2005 và nhường cho Andy Rubin ghế Phó Giám đốc phát triển hệ điều hành Android. Chiếc smartphone đầu tiên chạy Android là HTC Dream, được tung ra vào tháng 10/2008.
Sau khi Google đánh dấu sự ra đời của dòng sản phẩm Nexus vào năm 2010, hàng loạt các điện thoại chạy Android khác cũng lần lượt xuất hiện trên thị trường. Tới nay, hơn 2 tỷ thiết bị, từ điện thoại, tivi, đồng hồ đeo tay tới ô tô đời mới đều được điều hành bởi hệ Android lừng danh này.
Dù đạt được nhiều thành công, nhưng Andy vẫn không hề hài lòng với những gì mình làm được. Ông cho rằng các nhà sản xuất điện thoại cần làm việc chăm chỉ hơn nữa để đi đúng hướng, tạo ra được những sản phẩm hoàn hảo nhất. Trong khoảng thời gian tới đây, chiếc Essential Phone có lẽ sẽ là minh chứng cho những hứa hẹn của người đàn ông này khi được tung ra trên thị trường.
Chiến lược của Essential Phone
Thị trường smartphone hiện nay đầy rủi ro và cạnh tranh khốc liệt. Các hãng điện thoại nhỏ đang 'thoi thóp' chiếm 1 phần nhỏ lợi nhuận và đứng nhìn 2 ông lớn Apple, Samsung tranh giành nhau phần lớn khách hàng. Nhiều người bắt đầu phàn nàn rằng công nghệ đã bắt đầu nhường chỗ cho kinh doanh, không còn gì có thể coi là đột phá được nữa.
Andy bất đồng với quan điểm này, ông tin rằng vẫn còn hàng nghìn ý tưởng mới lạ cho điện thoại nhưng đơn thuần là các công ty sẽ không làm theo, vì các ý tưởng này 'quá đột phá', không thích hợp cho kinh doanh. Khi Apple lên kế hoạch cho một tính năng mới, họ sẽ tự hỏi liệu tính năng này có giúp họ bán được 50 triệu chiếc iPhone vào quý sau hay không.
Con số 50 triệu sản phẩm có vẻ không quá xa vời với Apple, nhưng với Essential Phone, đó lại là một câu chuyện khác. Essential Phone được thiết kế để trở thành một món hàng xa xỉ, ẩn chứa những công nghệ, phương thức sử dụng hiện đại không dành cho số đông.
Sau thành lập hệ điều hành, Andy giờ đây muốn bắt đầu với cả phần cứng bằng chiếc Essential Phone.
Andy Rubin và Jason Keats, trưởng phòng thiết kế sản phẩm, dành khoảng thời gian không nhỏ để tìm được đối tác sản xuất phù hợp với dòng điện thoại mới, sẵn sàng áp dụng những công nghệ và nguyên vật liệu mới nhất, hiện đại nhất, thiên về chất lượng chứ không phải số lượng.
Chính Jason Keats cũng hi vọng Essential Phone sẽ là sản phẩm độc đáo, dành cho người dùng đại trà. Những người sẵn sàng bỏ tiền ra mua Essential Phone, trong mắt các nhà sáng lập, hẳn phải là những khách hàng tinh tế, hiểu biết, không bị ảnh hưởng bởi quảng cáo hay xu hướng nói chung.
Với hệ điều hành Android, chiếc Essential Phone sử dụng chip Snapdragon 835, 4GB RAM và bộ nhớ trong 128GB. Mục tiêu của Essential Phone không phải là thống lĩnh thị trường, mà là chiếm được lòng tin và sự hưởng ứng của người dùng.
Mặc dù kết quả khi ra mắt sẽ ảnh hưởng tới hướng phát triển nói chung của Andy, nhưng người đàn ông này dự định sẽ tích hợp tính năng điều khiển thiết bị một cách tổng thể, từ đồng hồ, bóng điện, tủ lạnh hay thậm chí cả máy nướng bánh, tất cả đều có thể được kết nối mạng và điều khiển online.
Ngoài ra, ông hi vọng ngoài việc sử dụng phần mềm mở, Essential Phone còn có thể kết nối với phần cứng mở, kết hợp với nhiều loại phụ kiện khác nhau để bù đắp những gì điện thoại khó có thể làm được trong tương lai gần.
Theo Nhịp sống kinh tế