
Quả tim nhân tạo dạng mềm đầu tiên trên thế giới tại Học viện Công nghệ Liên bang, Zurich, Thụy Sĩ.
Vấn đề đối với tim nhân tạo trước đây, đó là cấu trúc sắt và nhựa khó có thể tương sinh với mô trong cơ thể hoặc tạo các cục máu đông hay gây nhiễm trùng máu do cách thức chuyển động không tự nhiên.
Một nhóm nghiên cứu thuộc Học viên Công nghệ Liên bang (ETH) tại Zurich (Thụy Sĩ), dẫn đầu bởi tiến sĩ Nicholas Cohrs đã tạo ra trái tim nhân tạo bằng silicon dạng mềm đầu tiên trên thế giới.

Trái tim được tạo ra từ máy in 3D, cho phép các nhà nghiên cứu mô phỏng cấu trúc phức tạp dựa trên chất liệu mềm, dẻo. Quả tim có cấu trúc đơn khối, do đó nhà sản xuất không phải lo lắng về sự ăn khớp giữa các chi tiết bên trong trừ bộ phận cuống tim, nơi máu bơm ra và vào.
Trong thử nghiệm, trái tim hoạt động tương đối tốt, bộ phận đã đẩy được chất dịch tương tự như máu chạy trong áp suất giống bên trong cơ thể. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn còn một số hạn chế.
Quả tim là một sản phẩm thử nghiệm, chưa thể sử dụng để thay thế tim người. Vật liệu để tạo ra tim nhân tạo chỉ duy trì được trong khoảng vài nghìn nhịp đập trong nửa tiếng đồng hồ, tùy nhịp tim của mỗi người. Theo kế hoạch, thiết bị sẽ được sản xuất và thiết kế dựa trên loại vật liệu khác để có thể hoạt động trong thời gian dài hơn.
Anastasios Petrou, kỹ sư máy đồng thời là người dẫn đầu trong cuộc thử nghiệm cho biết ông rất thích thú khi được cầm trên tay quả tim nhân tạo và coi thành công lần này là nguồn cảm hứng để tiếp tục theo đuổi mục tiêu tạo ra sản phẩm có thể thay thế trái tim con người.
Hoàng Phương
Theo Đời sống & Pháp lý