Mẫu giấy in bởi tia UV.
Cuộc nghiên cứu được thực hiện nhằm làm giảm tác động của sản xuất giấy tới nạn phá rừng.
Nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Shandong (Trung Quốc) và Đại học California (Mỹ) cho biết bí mật đằng sau công nghệ đó là sự thay đổi màu sắc hóa học. Một lớp hóa chất mỏng được phủ lên các tờ giấy truyền thống, khiến chúng có khả năng tái sử dụng và in được bằng ánh sáng.
Giáo sư hóa học Yadong Yin tại địa học California là đồng tác giả nghiên cứu. Ông cho biết, ý nghĩa quan trọng nhất của sáng chế là tạo ra lớp thể rắn đổi màu dùng để sản xuất loại giấycó thể in lại nhiều lần bằng ánh sáng, không cần mực nhưng vẫn đem đến cảm giác giống như đang dùng chất liệu truyền thống.
Nhóm tin rằng sản phẩm sẽ mang lại lợi ích kinh tế và môi trường cho xã hội hiện đại.
Sản xuất và tiêu hủy giấy hiện có tác động xấu tới môi trường, là nguồn gây ô nhiễm công nghiệp lớn nhất khi giấy phế liệu chiếm tới 40% bãi chôn lấp. Ngay cả việc tái chế giấy cũng gây ô nhiễm do mực in cần phải được tẩy trước khi tiến hành xử lý. Bên cạnh đó, sản xuất giấy cũng đóng góp vào nạn chặt phá rừng. Tại Mỹ, khoảng 30% khối lượng cây thu hoạch để làm giấy và hộp carton.
Tại Mỹ, khoảng 30% khối lượng cây thu hoạch để làm giấy và hộp carton.
Giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu cố gắng phát triển loại vật liệu thay thế cho giấy dùng một lần. Một trong những khả năng đó là tận dụng tính năng đổi màu của các chất hóa học. Cách tiếp cận này đã vấp phải một số trở ngại trong việc tẩy mực, chi phí sản xuất cao, các chất độc hại và kỹ thuật phủ lên giấy thông thường.
Tuy nhiên nhóm nhà nghiên cứu cho biết họ đã vượt qua được nhữngtrở ngại nói trên để tạo ra loại giấy mới có thể ứng dụng ở bất kỳ lĩnh vực nào, nơi thông tin được in ra và chỉ cần lưu giữ trong thời gian ngắn.
Giáo sư Yin cho biết, họ tin rằng sản phẩm này có nhiều ứng dụng thực tế, dùng để lưu các thông tin thạm thời như báo, tạp chí, poster quảng cáo, tờ ghi chú...
Lớp phủ được cấu tạo bởi 2 loại hạt, Blue Prussian, thuốc màu không độc hại có khả năng biến thành không màu khi nhận electron và Titan Dioxide,vật liệu tăng tốc phản ứng hóa học khi phơi nhiễm ánh sáng UV.
Khi 2 chất trộn lẫn và phủ lên giấy, bề mặt sẽ có màu xanh dương. Để in chữ hay hình ảnh lên, giấy sẽ được tiếp xúc với tia UV, từ đó kích thích các hạt Titan Dioxide. Khi bị kích thích, Titanium Dioxide giải phóng electron, sau đó bị thu lại bởi Blue Prussian, khiến màu xanh chuyển dần thành không màu.
Vì đọc chữ xanh trên nền trắng dễ hơn là chữ trắng trên nền xanh, do vậy nền của giấy sẽ được in bởi ánh sáng (nền mất màu trong khi chữ được in giữ nguyên xanh).
Màu sắc khác cũng có thể dùng tương tự các hạt Blue Prussian. Có thể in lên giấy chữ hay hình ảnh độ nét cao và lưu lại trong 5 ngày, sau đó bề mặt sẽ chuyển lại thành màu xanh. Nội dung có thể xóa đi nhanh hơn khi làm nóng giấy trong 10 phút.
Mẫu các loại giấy có lớp hóa chất khác nhau mang lại màu sắc khác nhau khi in.
Các nhà nghiên cứu dự đoán loại giấy in bằng ánh sáng sẽ có giá hợp lý hơn khi được sản xuất ở quy mô lớn. Vật liệu phủ có giá thấp và việc tráng lên bề mặt giấy truyền thống có thể thực hiện đơn giản bằng cách ngâm hoặc phun lên.
Công đoạn in ấn cũng góp phần làm giảm chi phí so với trước đây do không sử dụng mực. Điều quan trọng nhất là loại giấy in bằng ánh sáng có thể tái sử dụng lên tới 80 lần, làm giảm chi tiêu đáng kể.
Bước tiếp theo, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu kết hợp máy in laser với loại giấy mới để tăng tốc độ in và có thể sử dụng nhiều màu mực cùng lúc.
Hoàng Phương
Theo Đời sống & Pháp lý