Cơ quan Hàng không Vũ Trụ Mỹ (NASA) sẽ đi đầu trong các cuộc nghiên cứu, họ thậm chí còn đưa vi khuẩn lên bầu trời cùng với khinh khí cầu. Ngoài ra, còn rất nhiều các tổ chức khoa học khác cũng tận dụng sự kiện này phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Dưới đây là một số thí nghiệm lý thú diễn ra khi mặt trời bị che khuất trên khắp nước Mỹ.
Làm phim về nhật thực
Hàng triệu người dẫn Mỹ sẽ theo dõi nhật thực, trong số đó có rất nhiều tình nguyện viên tới từ các phòng thí nghiệm quốc gia và tổ chức giáo dục. Mỗi nhóm này đều sử dụng loại kính viễn vọng riêng biệt và ghi lại dữ liệu đẩy đủ về hiện tượng. Những dữ liệu về thời gian và địa điểm của nhật thực sau đó sẽ được tổng hợp, biển tập lại thành một bộ phim khoa học có độ dài 90 phút.
Kiểm tra âm thanh của nhật thực
Thay vì chụp hình về nhật thực, một số sinh viên thuộc Đại học Austin Peay State (ASPU) tại bang Tennessee (Mỹ) sẽ kiểm tra âm thanh. Liên kết với NASA, nhóm sẽ thiết lập thí nghiệm sóng radio tần số thấp tại cánh đồng trồng đỗ gần khu vực nhật thực. Họ sẽ quan sát và ghi lại độ nhiễu radio mà nhật thực tạo ra, từ đó so sánh với điều kiện thông thường.
Trao đổi với báo giới, nhà vật lý học Dennis Gallagher, người chịu trách nhiệm giám sát thí nghiệm cho biết lý do họ chọn cánh đồng trồng đỗ vì nơi ấy cách xa với lưới điện và lý tưởng cho một chuyến picnic.
Mặt trăng che khuất hầu hết ánh sáng mặt trời giúp các nhà khoa học quan sát sự vật theo một cách khác.
Quan sát hành vi động vật
Con người không phải là loài duy nhất chịu ảnh hưởng của nhật thực. Cũng tại đại học ASPU, hai nhà khoa học sẽ quan sát hành vi của dế và bò khi mặt trăng hoàn toàn che khuất mặt trời.
Đây không phải lần đầu và duy nhất có người nghiên cứu hành vi các loài động vật trong sự kiện này. Nhật thực năm 1991, người ta phát hiện loài nhện đã gỡ mạng của chúng xuống. Sau đó, năm 1999, các nhà khoa học quan sát đàn bò gồm 12 con và chúng có vẻ chỉ hơi bối rối khi hiện tượng diễn ra.
Bảo vệ các thiết bị công nghệ khỏi lóa mặt trời
Một điểm quan trọng mọi người cần lưu ý đó là bảo vệ các thiết bị điện tử khỏi lóa mặt trời. Hiện tượng diễn ra khi từ trường mặt trời tạo ra một lượng bức xạ cực lớn. Lóa mặt trời là tự nhiên nhưng chúng có thể gây ra những rối loạn trên trái đất, đặc biệt với việc truyền dẫn diện hay tần số vô tuyến. Năm 1989, một vụ lóa mặt trời đã gây ra hiện tượng mất điện toàn thành phố tại vùng Québec (Canada). Vấn đề là mặt trời quá sáng khiến cho các nhà khoa học không thể quan sát được từ trường và đưa ra dự báo chính xác.
Trong thời gian diễn ra nhật thực, mặt trăng sẽ che phủ hoàn toàn ánh sáng, cho phép quan sát rõ hơn bầu khí quyển của mặt trời. Một nhóm các nhà khoa học sẽ thực hiện công việc đó trên dãy núi Casper tại Wyoming. Họ hy vọng nhân cơ hội đó sẽ có thêm thông tin dự đoán về vụ lóa mặt trời tiếp theo, từ đó đưa ra các biện pháp bảo vệ các thiết bị điện tử.
Quan sát nhật thực từ trên cao
Khác với hầu hết mọi người sẽ ngắm nhìn nhật thực dưới đất, một số nhà nghiên cứu sẽ có cơ hội theo dõi từ hai chiếc máy bay của NASA trên độ cao 15.000 m. Từ đây, họ có thể quan sát rõ hơn sao Thủy do trước đây vị trí mặt trời thường xuyên cản trở việc theo ghi chép dữ liệu về hành tinh này.
Hiện tượng nhật thực toàn phần sẽ diễn ra vào ngày 21/8, quét theo suốt chiều dài nước Mỹ trong khoảng thời gian 1,5 giờ đồng hồ. Dự kiến sẽ có khoảng 200.000 khách du lịch ghé thăm và tham gia sự kiện.
Hoàng Phương
Theo Đời sống & Pháp lý