Nhiều người Anh nghĩ đến làn sương độc bí ẩn từng giết chết 12.000 người tại London năm 1952.
Theo các nhân chứng kể lại, trong một ngày nắng nóng, khi họ đang tắm tại bãi biển Birling Gap thuộc quận East Sussex, phía Nam nước Anh, một làn khói bắt đầu xuất hiện trên mặt nước và tiến dần vào bờ. Khi gió thổi khối sương về hướng đông, nhiều người đã hít phải chúng. Lực lượng an ninh đã cảnh báo mọi người sơ tán khỏi khu vực, đồng thời đưa những người bị nhiễm độc đi cấp cứu.
Nhận tin báo, chính quyền đã thành lập lực lượng ứng phó khẩn cấp. Các đơn vị khử độc được cử đến hiện trường với đồ bảo hộ toàn thân, đưa những người bị ảnh hưởng đi điều trị và thanh lọc kịp thời. Vài giờ sau đám khói đã biến mất, những bãi biển được coi là đủ an toàn cho người dân xuống tắm trở lại.
Bãi biển Birling Gap thuộc quận East Sussex, phía nam nước Anh, nơi làn mây độc tiến gần vào bờ và tiếp xúc với người dân.
Đám mây bí ẩn đã gây ra không ít bối rối cho các nhà khoa học. Một số người bị phơi nhiễm miêu tả chúng có mùi nhựa cháy, số khác lại cho rằng làn khói không màu và không mùi. Bộ phận an ninh cho biết làn khói có thể xuất phát từ sự cố hóa học khi một số nhân viên nghĩ rằng chúng là khí clo, mặc dù cảnh sát đã loại trừ khả năng này.
Ban đầu, làn sương được cho là khói từ các nhà máy công nghiệp tại Pháp phía bên kia bờ biển, tương tự như sự kiện đã xảy ra trước đây, tuy nhiên giả thuyết này đã bị loại bỏ do hướng gió không thể đưa chúng đến Anh.
Video hiện trường tại thời điểm các làn khói xuất hiện và tiến dần vào bờ.
Doanh nghiệp cấp nước địa phương đã ra thông cáo cho biết các nhà máy của họ vẫn hoạt động bình thường và không xảy ra sự cố nào dẫn đến làn khói độc. Người phát ngôn cũng nói thêm rằng họ không sử dụng clo tại các trạm nước.
Một số khác cho rằng nguyên nhân có thể do tảo nở hoa, khi điều kiện thời tiết thuận lợi đã kích thích loài thực vật biển sinh sản với số lượng khổng lồ, giải phóng lượng lớn khí gas gây kích ứng. Hiện vẫn chưa rõ nguồn gốc của sự cố môi trường, các làn khói đã tan biến và không có dấu hiệu trở lại.
Hoàng Phương
Theo Đời sống & Pháp lý