Trước đây TECHRUM đã từng có bài viết về khẩu độ của camera trên điện thoại nói riêng và camera nói chung. Đó là lúc các hãng smartphone bắt đầu chuyển sang đầu tư cho khẩu độ thay vì 'đua số chấm' độ phân giải cảm biến ảnh. Tuy nhiên khi mà khẩu độ trên một chiếc máy tầm trung như J7 Pro đã lên đến con số F/1.7 thì có lẽ chúng ta cũng cần kiểm tra xem nó hiệu quả thế nào nhé.
Đầu tiên, nhắc lại một chút về khẩu độ, để dễ hiểu và gần gũi nhất đối với người dùng phổ thông, mời các bạn xem lại bài viết trước đây về khẩu độ một cách cơ bản: Trải nghiệm khẩu độ f/1.9 trên Galaxy J7 Prime, để làm gì? | TECHRUM.VN
Sau khi đọc bài viết về khẩu độ thì chắc hẳn các bạn cũng đã nắm được một chút nó ảnh hưởng thế nào đối với hình ảnh được chụp. Tuy nhiên cần phải nhắc lại và nhấn mạnh một lần nữa, khẩu độ lớn về lý thuyết là cho ánh sáng vào nhiều hơn, nhưng thực tế, bức ảnh chụp xong mà bạn xem nó sáng cỡ nào, nó đẹp hay xấu thì còn lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố, hiểu một cách đơn giản, không phải ánh sáng vào bao nhiêu tức là ảnh sẽ sáng bấy nhiêu, mà tuỳ vào máy ảnh, smartphone... mà thuật toán xử lý ảnh, các thông số khác nữa, sẽ quyết định những gì bạn xem trên một bức ảnh. Và khẩu độ trên camera điện thoại hiện chưa cho phép thay đổi.
Vậy thì tại sao khẩu độ F quan trọng trong khi còn nhiều yếu tố khác quyết định chất lượng bức ảnh?
Vâng, lại nói một cách dễ hiểu nhất có thể, ánh sáng vào nhiều, thì khi cần thiết phải giảm sáng cho ảnh có màu sắc hài hoà và đẹp thì kết quả tổng thể bức ảnh vẫn còn khả năng rất đẹp. Ngược lại nếu ánh sáng không đủ mức cần thiết để ảnh đẹp, nhưng phần mềm chụp ảnh của máy cố gắng tăng sáng, tăng ISO chẳng hạn, cố làm cho ảnh sáng lên, thì khả năng lúc ảnh được chỉnh sáng lên, chất lượng ảnh lúc này có thể sẽ giảm, ví dụ như noise (nhiễu) nhiều hơn chẳng hạn. Do đó, đơn giản mà nói, dư thì thường tốt hơn thiếu. (Trừ trường hợp dư quá mức, cái gì quá mức cũng không tốt hen).
Rồi, nói là vậy, giờ chúng ta cùng xem thử ảnh chụp thiếu sáng từ J7 Pro với khẩu độ F/1.7 và iPhone 6 với khẩu độ F/2.2 (F/1.7 lớn hơn F/2.2 nhé). Cả hai máy đều chụp Auto, không lấy nét tay, không đo sáng tay. Chỉ giơ lên và bấm chụp.
Như các bạn thấy, không phải khẩu độ lớn hơn càng nhiều thì ảnh phải sáng hơn từng ấy, vì cái quan trọng là ảnh phải đẹp chứ sáng không thôi mà xấu thì vẫn vô nghĩa, do đó các ảnh chụp có độ sáng khá đều nhau do thuật toán xử lý và một số yếu tố khác, tuy nhiên J7 Pro nhỉnh hơn một chút, độ sáng và độ nét tốt hơn.
Cũng lưu ý chúng ta không so sánh tổng quát camera của hai sản phẩm, mà chỉ tập trung vào hiệu quả mà khẩu độ lớn góp phần mang lại một bức ảnh thiếu sáng có chất lượng tổng thể tốt hơn. Các ảnh chụp ở trên cũng không thể hiện sức mạnh tối đa của từng chiếc camera được sử dụng.
Nếu so với các sản phẩm cùng phân khúc, như J7 Prime chẳng hạn, thì các bạn sẽ thấy sự khác biệt lớn hơn, tuy nhiên mình chọn so với iPhone 6 vì muốn nhấn mạnh hiệu quả mà camera trên J7 Pro mang lại có giá trị rất cao. Hy vọng bài viết giúp được những bạn đang còn mù mờ về khẩu độ và hữu ích đối với các bạn đang quan tâm đến Galaxy J7 Pro.