Trên những chiếc smartphone hiện đại, ngoài CPU thì RAM cũng là một yếu tố được rất nhiều nhà sản xuất chú ý, và trang bị “mạnh tay”. Câu hỏi đặt ra là 6GB hay 8GB RAM có cần thiết cho smartphone? RAM trên smartphone có ý nghĩa gì?
Để tìm được câu trả lời cụ thể quả không dễ dàng, đơn giản vì mỗi người sử dụng đều dùng máy với mục đích khác nhau, có người dùng để chơi game, lướt web, lại có người chỉ dùng để kiểm tra email cơ bản. Tuy vậy, khi xét ở góc độ một người sử dụng có tần suất chơi game, lướt web, kiểm tra email, và nhiều điều khác ở mức độ vừa phải thì 6GB hay 8GB RAM dành cho một chiếc smartphone là có phần dư thừa.
Đơn giản như những chiếc smartphone của các năm ngoái như LG V20, Samsung S7 hay HTC 10 có cùng 4GB RAM nhưng lại hoạt động rất nhanh và mượt mà, hiếm khi nào diễn ra tình trạng đầy bộ nhớ RAM. Vậy tại sao các nhà sản xuất phải trang bị đến 6GB hay 8GB RAM như trên HTC U11 và OnePlus 5? Trước hết chúng ta hãy cùng tìm hiểu điện thoại dùng RAM để làm việc gì.
Điện thoại dùng RAM để làm gì?
RAM là viết tắt của cụm từ Random Access Memory, tạm dịch là bộ nhớ truy xuất ngẫu nhiên. Trên điện thoại di động, RAM là một trong những yếu tố quan trọng bộ vi xử lý khi có nhiệm vụ là lưu trữ những dữ liệu tạm thời trên máy, và khi máy tắt đi thì toàn bộ dữ liệu lưu trữ trên RAM sẽ biến mất. Nhiệm vụ chính của RAM chính là cho phép máy có thể làm nhiều việc cùng lúc và nhanh hơn.
Ngoài việc được dùng làm bộ nhớ tạm thời để chạy ứng dụng, RAM còn tham gia vào hoạt động của toàn hệ thống như:
- GPU: Lưu trữ dữ liệu đồ hoạ và các dữ liệu cần thiết để bộ vi xử lý đồ hoạ hoạt động.
- Kernel: Làm nơi lưu trữ cho nhân hệ điều hành, và nhân hệ điều hành có nhiệm vụ quản lý tài nguyên, mọi hoạt động, giao tiếp giữa phần mềm và phần cứng của máy.
- RAMdisk: Lưu trữ những tập tin hay thư mục ảo. Những tập tin, thư mục ảo này chỉ xuất hiện vào thời điểm thiết bị hoạt động, chứa các thông tin như thời lượng Pin, tốc độ CPU, và một số dữ liệu riêng.
- Mạng: Thông thường, thông tin về số IMEI, mã hiệu của bộ phận thu phát sóng trên điện thoại sẽ được lưu vào chip riêng. Tuy nhiên khi máy hoạt động thì toàn bộ dữ liệu này sẽ được chuyển vào bộ nhớ RAM để hoạt động.
Việc sử dụng RAM để lưu trữ các thông tin xử lý là điều rất dễ hiểu, vì bộ nhớ RAM có tốc độ truy xuất nhanh hơn rất nhiều so với bộ nhớ trong của máy. Do đó, tốc độ truy xuất càng nhanh sẽ giúp máy hoạt động nhanh hơn.
RAM càng lớn thì càng tốt?
Câu trả lời là đúng. Rõ ràng là bộ nhớ RAM càng lớn sẽ càng tốt cho một chiếc smartphone. Nếu ví bộ vi xử lý là người đầu bếp, các ứng dụng là món ăn (dữ liệu), ổ cứng là tủ lạnh (nơi chứa dữ liệu) thì RAM sẽ là bếp nấu. Theo đó, nếu như bếp nấu đủ rộng, đủ lớn có thể nấu được nhiều món ăn cùng lúc lấy ra từ tủ lạnh thì người đầu bếp sẽ có khả năng hoàn thành mọi thứ nhanh hơn, thay cho việc phải lấy từng món ăn ra khỏi tủ lạnh bày lên bếp và hoàn thành từng món.
Trên điện thoại cũng vậy, bộ nhớ RAM càng lớn thì bộ vi xử lý càng có nhiều không gian để hoạt động. Bạn có thể mở nhiều ứng dụng, làm được nhiều thứ mà không lo đầy bộ nhớ RAM và bị hệ điều hành tự động tắt đi các ứng dụng của mình, khiến phải chạy lại ứng dụng trong lần dùng tiếp theo.
Việc không phải chạy hay load lại ứng dụng là một yếu tố rất quan trọng cho công việc và hoạt động của chúng ta trên một chiếc smartphone. Chẳng hạn như bạn có thể mở 3 - 4 game để chơi, thêm 10 tab trên trình duyệt để đọc tài liệu, tuy nhiên bạn bận một chuyện gì đó mà không thể tiếp tục đọc hay chơi game. Bạn tạm dừng và lần sau vẫn có thể tiếp tục chơi game đến đoạn đã ngừng trước đó, các tab trên trình duyệt vẫn được giữ nguyên và không bị tải lại. Rõ ràng điều này tạo cho người dùng một sự thoải mái rất lớn khi không còn phải lo mọi thứ đang làm sẽ biến mất trong lần sử dụng tiếp theo.
Làm sao để tận dụng dung lượng RAM tốt hơn?
Ở thời điểm hiện tại, cách duy nhất để chúng ta tận dụng tốt dung lượng RAM lớn trên smartphone là mở tất cả ứng dụng đang có. Sau đó mỗi lần dùng chỉ cần nhấn vào biểu tượng để mở, thì ứng dụng đều được chạy rất nhanh vì không phải tải lại từ đầu. Bên cạnh đó, các nhà phát triển cũng đang đề xuất ý kiến rằng các nhà sản xuất nên đặt hẳn phần giao diện và launcher của Android vào bộ nhớ RAM. Bằng cách này, giao diện trên Android sẽ luôn chạy mượt mà trong bất kỳ trường hợp nào và không bị ảnh hưởng bởi hệ điều hành.
Thực tế, HTC đã từng áp dụng ý tưởng này trên chiếc smartphone đầu bảng One M7 của mình. Kết quả là máy có tốc độ truy xuất rất nhanh, trải nghiệm giao diện mượt mà, nhanh nhạy và mang lại cho người dùng những trải nghiệm tốt, thoải mái. Ở thời điểm hiện tại, cũng có rất nhiều nhà sản xuất đã làm điều tương tự như HTC là đặt launcher và giao diện Android lên trên RAM.
RAM – hiệu ứng marketing cực kỳ hiệu quả
Nếu chỉ mãi nói về các phần kỹ thuật của RAM thì chúng ta đã bỏ quên đi một yếu tố rất quan trọng, khiến các hãng điện thoại liên tục trang bị RAM lớn trên các dòng smartphone của mình: hiệu ứng marketing và bán hàng. Thực tế chi phí mà các nhà sản xuất bỏ ra cho mỗi GB RAM là không hề quá đắt đỏ, nhưng sẽ giúp smartphone của họ trở nên ấn tượng hơn trong mắt của người dùng. Nếu chỉ quan tâm đến việc chạy được nhiều ứng dụng cùng lúc, thì smartphone được trang bị 6 GB hay 8 GB RAM là những sự lựa chọn không thể tốt hơn dành cho bạn.
Tuy vậy, bộ nhớ RAM 3 – 4 GB trên smartphone ở thời điểm hiện tại vẫn hoạt động rất ổn và tốt. Việc smartphone có 6/8GB RAM là điều rất tốt, tuy nhiên nếu smartphone của bạn chỉ có 4GB thôi thì cũng đừng lo, vì chúng không ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm sử dụng đâu.
Theo: Tinh Tế