Một chiếc điện thoại RAM yếu có ảnh hưởng gì? Nên làm gì khi điện thoại Android có dung lượng RAM quá yếu?
Liệu có cách nào để giải quyết vấn đề RAM quá yếu?
RAM là một thông số rất quan trọng trên điện thoại Android. Nó chính là bộ nhớ đệm để lưu những ứng dụng tạm thời, do đó nếu RAM ít thì máy sẽ thường xuyên xảy ra hiện tượng lag, giật, ứng dụng bị treo hay bị tắt đột ngột. Nếu bạn có một chiếc điện thoại RAM lớn trên 4GB thì sẽ không phải lo lắng về RAM, nhưng nếu máy bạn chỉ có RAM 1GB mà chưa có điều kiện nâng cấp thì phải làm sao?
RAM là gì?
RAM (Random Access Memory), tạm dịch là bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên. Hiểu đơn giản thì RAM sẽ là nơi chứa các dữ liệu tạm thời, là không gian cho các ứng dụng đang chạy. RAM càng lớn thì bạn càng mở được nhiều ứng dụng cùng lúc và ngược lại. Ứng dụng càng nặng thì sẽ chiếm càng nhiều bộ nhớ RAM.
Nên mua điện thoại Android có RAM bao nhiêu?
Theo thời gian thì yêu cầu RAM trên điện thoại Android ngày càng tăng, do các ứng dụng ngày càng nặng và chiếm nhiều bộ nhớ RAM (“ngốn” RAM). Trong thời điểm hiện tại, nếu smartphone Android của bạn có RAM 3GB thì được xem là đủ dùng, RAM 4GB là con số rất tốt và nếu RAM dưới 2GB thì sẽ được xem là RAM yếu.
4GB là một con số thoải mái cho dung lượng RAM, còn 3GB là đã đủ để máy chạy mượt
Giải pháp nào cho những điện thoại RAM yếu?
Như đã nói ở trên, với những chiếc điện thoại Android có dung lượng RAM 2GB trở xuống, thì máy bạn sẽ thường xuyên rơi vào tình trạng phải khởi động lại ứng dụng, lag giật hay treo ứng dụng. Nếu chưa thể mua máy mới cấu hình tốt hơn, bạn có thể “sống chung” với chiếc điện thoại hiện tại của bạn bằng những giải pháp sau:
Gỡ bỏ hoặc tắt các ứng dụng không cần thiết: Sẽ có nhiều ứng dụng mà bạn gần như không bao giờ dùng trong danh sách các ứng dụng hiện tại. Bạn cần lướt qua một lượt danh sách ứng dụng, cân nhắc xem mình có dùng không và gỡ chúng đi. Máy càng ít ứng dụng chạy nền thì RAM sẽ càng được giảm tải.
Tuy nhiên cần lưu ý là có một số ứng dụng hệ thống cài sẵn, bạn không thể gỡ mà chỉ có thể tắt (Disable) nó. Với những ứng dụng này bạn nên tắt vì không những giảm áp lực cho RAM mà còn không làm bộ nhớ máy đầy lên bởi những bản cập nhật không cần thiết.
Google thường cài sẵn những ứng dụng ít người Việt Nam dùng
Sử dụng những phần mềm nhẹ (Lite): Bạn có biết Facebook và Facebook Messenger, hai ứng dụng rất phổ biến này lại là những “kẻ” gây tốn RAM và tài nguyên điện thoại nhất. Có lẽ Facebook cũng tự nhận thức được điều này và họ tung ra các ứng dụng phiên bản nhẹ Facebook Lite hay Messenger Lite dành cho máy có RAM yếu. Bạn nên gỡ bỏ (hoặc tắt – disable) Facebook, Facebook Messenger để cài Facebook Lite và Messenger Lite.
Máy RAM yếu nên cài Facebook Lite thay vì bản đầy đủ
Cài Greenify: Greenify là một ứng dụng rất tốt dành cho các máy RAM yếu. Nó sẽ giúp ngủ đông những ứng dụng chạy nền không cần thiết chỉ sau một cú chạm. Bạn chỉ việc tải về Greenify miễn phí trên Play Store, sau đó chọn các ứng dụng cần đóng băng thường xuyên là xong. Greenify sẽ tạo một tiện ích “ngủ đông nhanh” cho bạn để đưa các ứng dụng vào ngủ đông, không tốn RAM vì chạy nền.
Grennify là một ứng dụng hữu ích cho máy RAM yếu
Không cài các ứng dụng diệt virus hay dọn dẹp hệ thống: Nghe thì có vẻ vô lý nhưng thực ra chính các ứng dụng diệt virus và dọn dẹp hệ thống lại là “thủ phạm” làm máy chạy chậm đi khi “ngốn” rất nhiều RAM vì luôn luôn chạy nền. Thực tế bạn không nên cài những ứng dụng này. Nếu sợ virus thì bạn chỉ cần đừng nhấn vào các link độc hại hay cài những phần mềm lạ còn dọn dẹp hệ thống thì dùng nút đa nhiệm trong máy là đủ.
Không dùng hình nền động và tiện ích (widget): Những hình nền động hay các tiện ích đẹp mắt như thời tiết sẽ chiếm một phần bộ nhớ RAM của bạn. Nếu không quá cần thiết thì bạn không nên sử dụng những yếu tố này. Nên “hy sinh” một chút để máy chạy mượt hơn.
Quân LNH