Không thể gỡ bỏ bloatware
Giống như máy tính Windows, nhiều điện thoại Android có chứa bloatware. Bloatware là phần mềm được nhà sản xuất hoặc nhà mạng cài sẵn trên điện thoại. Những phần mềm bloatware này có thể hữu ích nhưng cũng có cái vô ích, và người dùng không thích sử dụng.
Vấn đề nằm ở chỗ dù phần mềm cài sẵn hữu ích thế nào, chúng vẫn chiếm một khoảng bộ nhớ điện thoại. Phần mềm được cài đặt trong phân vùng hệ thống, vì thế bạn thường không thể gỡ bỏ chúng – điều này tương tự như bạn không thể gỡ bỏ Gmail hay những ứng dụng quan trọng khác đi cùng hệ điều hành Android. Bloatware lại thường chiếm một lượng không gian lớn – Galaxy S4 bản 16GB của Samsung chỉ còn lại 8GB bởi quá nhiều không gian đã bị các ứng dụng mà Samsung đưa vào phiên bản Android của họ.
Những ứng dụng cài sẵn có thể bị vô hiệu, nhưng không giải phóng được chút bộ nhớ nào. Bạn chỉ có thể gỡ chúng ra bằng một ứng dụng dành cho những máy đã root như Titanium Backup hoặc bằng cách cài đặt ROM tuỳ chỉnh.
Không thể vô hiệu launcher
Các nhà sản xuất máy Android như Samsung, HTC, và nhiều hãng khác thường thay đổi diện mạo hệ điều hành Android bằng cách dùng một launcher khác biệt, hay chủ đề (theme) mới lạ cho ứng dụng... Launcher là một khái niệm trên hệ điều hành Android để chỉ toàn bộ giao diện người dùng bao gồm màn hình chủ (homescreen), biểu tượng (icon), khay ứng dụng (app drawer) và các ứng dụng nhỏ đặt trên màn hình chủ (widget). Nhà sản xuất phải thay đổi mã (code) của Android để dùng một launcher khác lạ, và như vậy chúng khiến cho người dùng không thể sử dụng giao diện mặc định nếu bạn thích nó hơn.
Trên thiết bị Samsung, TouchWiz là giao diện duy nhất. Tất nhiên, bạn có thể cài launcher của bên thứ ba, như Apex Launcher rất phổ biến, có chức năng tương tự như launcher mặc định của Google trên Android, nhưng nhà sản xuất đã lấy mất của bạn quyền được lựa chọn sử dụng Launcher của Android trên thiết bị.
Nếu bạn thực sự muốn dùng Launcher gốc của Android, bạn sẽ phải cài đặt ROM tuỳ chỉnh như CyanogenMod. Bạn bị mắc kẹt trong giao diện của nhà sản xuất hoặc giao diện của bên thứ ba, và không hề dễ dàng vô hiệu giao diện tuỳ chỉnh của nhà sản xuất đẻ dùng giao diện hệ điều hành của Google nếu bạn thích nó hơn.
Chậm cập nhật phần mềm
Phần lớn các smartphone đều cần có sự hỗ trợ của nhà mạng và nhà sản xuất để nâng cấp phần mềm. Tuy nhiên, chính vì điều này khiến người dùng thường bị chậm cập nhật phần mềm. Một phần là do nhà sản xuất phải đưa ra những cập nhật được thiết kế phù hợp riêng với từng mẫu điện thoại, sau đó nhà mạng phải thông qua những cập nhật này. Vì thế, quy trình cập nhật phần mềm của smartphone Android thường bị chậm trễ.
Điều này từng khiến những mẫu smartphoen chủ lực như HTC chỉ nhận được một số ít cập nhật, các mẫu điện thoại cấp thấp không bao giờ nhận được cập nhật. Trong khi đó, thường các phiên bản phần mềm cập nhật hay dành cho các mẫu điện thoại cao cấp hơn, mới hơn. Điều này cũng có lợi cho nhà sản xuất và nhà mạng, vì nó khiến các thiết bị nhanh chóng trở nên lỗi thời, và khuyến khích người dùng nâng cấp lên smartphone mới nhanh hơn.
Những chỉnh sửa khiến máy không ổn định
Ngoài việc buộc người dùng phải sử dụng launcher riêng, hoặc chỉnh sửa phần mềm để sản phẩm có vẻ khác biệt, nhà sản xuất còn có thể khiến các thiết bị Android bất ổn và tệ hơn. Chẳng hạn, nhiều người đã phàn nàn ứng dung Gallery trên máy HTC One thường xuyên bị trục trặc – HTC đã có một số thay đổi trong hệ điều hành Android và điều này khiến máy chạy không được ổn định. Google không thể chỉnh sửa điều này, vì ứng dụng Gallery có sẵn trong Android và HTC đã chỉnh sửa nó. HTC cần phải xác định lỗi mà họ đã gây ra và sửa lỗi này.
Khoá điện thoại để không dùng được với mạng khác
Đây là một câu chuyện đã cũ, từ trước khi có smartphone, nhưng các nhà mạng nước ngoài thường 'khoá' thiết bị của họ để người dùng không thể sử dụng trên mạng khác. Bạn có thể đã mua một chiếc điện thoại mới và ký kết hợp đồng 2 năm, nhưng đừng hy vọng mang chiếc điện thoại đó ra dùng với mạng khác. Đây là câu chuyện phổ biến tại Mỹ.
Khoá bootloader để bạn không cài được hệ điều hành khác
Điện thoại Andriod – thậm chí là mẫu điện thoại Nexus thân thiện với nhà phát triển của Google – cũng được bán ra với bootloader đã bị khoá. Bootloader hiểu đơn giản là chương trình khởi động hệ thống và hệ điều hành đã được lập trình sẵn và đặt trong ROM. Bootloader đã khoá sẽ chỉ khởi động một hệ điều hành đã được thông qua, đảm bảo hệ điều hành không thể bị xáo trộn, phá hỏng mà người dùng không hay biết.
Trên một thiết bị Nexus hay một điện thoại khác có bootloader đã khoá, bạn có thể chọn mở khoá bootloader, để cho phép cài đặt một hệ điều hành khác, chẳng hạn như Ubuntu. Những điều này thường cần đến ROM tuỳ chỉnh. Tuy nhiên, mở khoá bootloaer theo cách này sẽ khiến bạn không được hưởng chế độ bảo hành – các nhà sản xuất thường tuyên bố như thế.
Một số nhà mạng và nhà sản xuất bán điện thoại ra theo cách bạn không thể mở khoá bootloader, điều này cũng đồng nghĩa họ lấy mất của bạn cơ hội được dùng ROM tuỳ chỉnh – nghĩa là bạn không thể cài đặt hệ điều hành khác, hay có phiên bản Android cập nhật hơn nếu nhà mạng và nhà sản xuất đã ngừng cập nhật thiết bị của bạn. Mở khoá bootloader trong trường hợp này vẫn có thể làm, nhưng phức tạp hơn và khá rủi ro về vấn đề bảo mật.
Tất nhiên, nhà mạng và nhà sản xuất cũng muốn nâng cao trải nghiệm người dùng cho bạn, song vì một vài lý do nào đó, vô tình họ có thể khiến smartphone Android của bạn trở nên tệ hơn.