Người chủ mới đầy rắc rối
Theo trang Telegraph, Uzan là một gia tộc đã có điều tiếng xấu trong việc kinh doanh, họ đã từng bị chính 'cha đẻ' của Vertu là Nokia đưa ra toà vào năm 2002. Trước đó, Uzan cũng từng mượn tiền của Nokia và Motorola nhằm thành lập nhà mạng Telsim vào năm 1994, mở đường cho Vodafone kinh doanh tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Gia tộc Uzan trước đây cũng từng nắm giữ nhiều công ty lớn nhỏ khác nhau, trong đó có cả ngân hàng và nhiều trạm phát sóng. Nhưng sau những vụ bê bối kể trên, họ bắt đầu mất dần uy tín vào năm 2003.
Trong khi đó, Vertu sau khi được mua lại bởi Godin Holdings không có sự chuyển biến đáng kể vì thị trường điện thoại ngày càng khốc liệt, kể cả ở phân khúc dành riêng cho giới thượng lưu.
Godin Holdings chẳng thu lại được một đồng lợi nhuận nào trong thương vụ mua lại hãng điện thoại cao cấp này, và... họ đã hết kiên nhẫn với Vertu.
Đồng thời lúc này, gia tộc Uzan đang muốn tìm lại hào quang xưa, họ tin rằng Vertu sẽ giúp họ hiện thực hoá điều đó. Vậy nên thương vụ mua bán Vertu đã được diễn ra giữa Godin Holdings và gia tộc Uzan.
Chân dung người chủ mới của Vertu, ông Hakan Uzan. (Nguồn ảnh: sozcu. Do ảnh của vị tỉ phú này không nhiều, nên chất lượng ảnh không được tốt, mong các bạn thông cảm)
Vì sao Vertu bị bán đến 3 lần?
Nếu lần thứ 3 Vertu bị bán cho Hakan Uzan là bởi lí do Godin Holdings đã hết kiên nhẫn với sự đầu tư không như mong muốn, thì lần đầu tiên bị bán của hãng điện thoại cao cấp này diễn ra vì lí do... thiếu tiền.
Vào năm 2012, theo trang The Verge, khi Nokia đang dần gặp khó khăn, họ không chỉ quyết định đóng cửa mảng nghiên cứu công nghệ, sa thải 10 ngàn nhân viên mà còn bán lại Vertu cho quỹ đầu tư EQT của Thuỵ Điển với cái giá 200 triệu Euro để cứu vãn tài chính. Trong thương vụ này, Nokia được giữ lại 10% cổ phần của Vertu.
Những tưởng về chủ mới Vertu sẽ tốt hơn, nhưng chỉ ba năm sau (2015), Vertu tiếp tục đánh dấu cột mốc buồn trong lịch sử của họ. Vertu một lần nữa bị EQT bán lại cho quỹ đầu tư Godin Holdings và một 'nhà đầu tư giấu tên' với cái giá không được tiết lộ và nguyên nhân Vertu bị bán cũng được giấu kín.
Những cột mốc đáng nhớ của Vertu
Năm 1998, thương hiệu Vertu được Nokia thành lập với mục tiêu với mục đích tạo nên những chiếc điện thoại sở hữu thiết kế có một không hai, kết hợp cùng chất lượng đỉnh cao dành riêng cho giới thượng lưu.
Không như các hãng điện thoại khác, Vertu đặt nhà máy của mình ở Church Crookham, Hampshire thuộc Vương Quốc Anh. Đến tận năm 2003 họ mới cho ra mắt được dòng điện thoại đầu tiên, Vertu Signature.
Năm 2010, Vertu Constellation Quest chạy hệ điều hành Symbian là chiếc smartphone đầu tiên của họ. Một năm sau (2011), Vertu giới thiệu mẫu smartphone có màn hình cảm ứng đầu tiên: Vertu Constellation Touch, chiếc điện thoại này vẫn chạy hệ điều hành Symbian.
Đến năm 2013, chiếc smartphone chạy Android do chính tay Vertu sản xuất mới xuất hiện với cái tên Vertu Ti. Sở hữu hệ điều hành được đông đảo người dùng ưa chuộng, kết hợp với thiết kế không đụng hàng và chất liệu tạo nên chiếc máy toàn loại đắt tiền, thế nên Vertu Ti chỉ dành cho giới nhà giàu mà thôi.
Nhắc tới Vertu là nhắc tới những chiếc điện thoại được lắp ráp bằng tay 100%. Nhưng điều làm nên sự khác biệt của điện thoại Vertu chính là vật liệu chế tạo. Các kim loại quý hiếm như Titan, vàng, bạch kim, thậm chí cả thép không gỉ và Liquidmetal đều có thể được dùng để chế tạo nên điện thoại Vertu.
Không chỉ được làm từ vật liệu đắt tiền, mà các công nghệ tân tiến, sự nghiên cứu tỉ mỉ cũng được Vertu đề cao. Ví dụ, chỉ để làm mẫu Vertu Signature đã cần đến 8 kĩ sư và phải mất tới 4 năm để hoàn thiện bàn phím cho chiếc điện thoại này.
Để bảo đảm từng thiết bị đều hoàn hảo trước khi đến tay người dùng, gần 100 cuộc kiểm nghiệm nghiêm ngặt đã được thực hiện trên mỗi sản phẩm. Cùng với đó là các dịch vụ xứng tầm đẳng cấp toàn cầu như: Vertu Concierge, Vertu Life, Fortress, Select,… đã góp phần tạo nên thương hiệu Vertu sang trọng.
Cận cảnh xưởng sản xuất điện thoại Vertu
Vertu đã chính thức có mặt tại nước ta từ năm 2006. Tính đến 11/2016, Vertu đã bán ra 500 ngàn chiếc điện thoại lẫn smartphone khác nhau trên toàn cầu, và Việt Nam đã góp một phần trong đó.
Theo CafeF, ở Việt Nam, Vertu đã liên tục gặt hái những thành công, khi doanh thu của dòng điện thoại này vẫn tăng trưởng đều qua các năm. Mẫu điện thoại cổ điển Signature S là sản phẩm được ưa chuộng nhất tại nước ta.
Vertu đã giới thiệu ba phiên bản Bespoke của dòng điện thoại Signature S độc quyền cho thị trường Việt vào năm 2016. Và kết quả họ thu được sau 6 tháng rất khả quan, Bespoke đã chiếm được 30% tổng doanh số của Vertu tại Việt Nam.
Ông Nicholas Holt - Tổng giám đốc Vertu khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong buổi chia sẻ với VnExpress đã nhìn nhận rằng Việt Nam là một trong những thị trường rất quan trọng đối với họ trong năm 2017.
Đó là những gì mình đã tìm hiểu và chia sẻ cùng bạn về Vertu, một công ty không chú trọng về số lượng, chỉ quan tâm đến chất lượng, sự đẳng cấp trên từng sản phẩm của họ. Tuy đã qua '3 lần đò', nhưng vẫn luôn còn đó một Vertu... đúng 'chất'!
Nếu có điều kiện, bạn có mua điện thoại sang chảnh như Vertu không? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn ngay bên dưới nhé.
Tech Funny