Ở nhiều quán Milano - chuỗi quán cà phê mang về (take away) đang nổi lên ở TP.HCM vài năm gần đây - khách hàng có thể đưa điện thoại có cài ứng dụng ví điện tử đến máy thanh toán của quán, máy POS này sẽ quét mã trên ứng dụng và trừ tiền trong tài khoản ví điện tử thay vì khách phải móc ví trả tiền mặt.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị M-Service (công ty sở hữu ví điện tử MoMo) so sánh ví von ví điện tử như kênh rạch, ngân hàng như dòng sông.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị M-Service.Nói rõ hơn, ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó Tổng giám đốc MoMo - cho biết hiện nay các giao dịch trên ví MoMo nằm ở mức 100-200 ngàn đồng, thậm chí dưới 100 ngàn đồng. Ngược lại, ở các khoản lớn hơn, từ 1-2 triệu đồng trở lên, khách hàng có xu hướng dùng ngân hàng.
Do đó, trách nhiệm của ví điện tử là cung cấp dịch vụ đến những khách hàng có những khoản chi nhỏ lẻ mà ngân hàng không đủ nhân lực để bao quát tới, hoặc số tiền quá nhỏ không đáng kể. Ông Tường ví dụ tương lai thậm chí ví điện tử có thể được dùng để thanh toán cho những khoản rất nhỏ như tiền gửi xe máy – trị giá vài ngàn đồng.
Phó Tổng giám đốc MoMo cho biết hiện đã triển khai các dịch vụ tương tự, như ở chuỗi quán cà phê Milano kể trên. Với dịch vụ này, khách hàng uống cà phê dù chỉ 10.000 đồng cũng có thể dùng ví điện tử, bằng cách mở ứng dụng lên, cho máy quét mã QR Code, mã vạch lướt qua là có thể thanh toán tiền mà không cần móc ví.
Đối với khách hàng nhỏ lẻ như quán cà phê, chỉ có đơn vị ví điện tử mới đủ nhân sự tiếp cận trong bối cảnh ngân hàng không đủ nhân lực. Ngoài ra, việc hiện đại hóa trong thanh toán có thể giúp những merchant (đơn vị bán hàng) nhỏ lẻ như quán cà phê, hiệu bánh… có được nguồn thông tin khách hàng, để từ đó đưa ra các chính sách hậu mãi tốt hơn. Điều này sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh cho các cửa hàng nhỏ so với các chuỗi lớn hơn được đầu tư bài bản.
Cách thanh toán bằng ví điện tử này cũng được triển khai ở các hệ thống siêu thị như Co.op Mart, Lotte Mart, chuỗi cà phê Coffee House.
Nói trong buổi ký kết giữa MoMo và Ngân hàng Á Châu sáng nay 5/1, ông Từ Tiến Phát – Phó Tổng giám đốc ngân hàng – khẳng định ví điện tử sẽ tiếp cận được khách hàng ở những vùng xa xôi, ở những khoản tiền nhỏ mà ngân hàng không mở rộng tới được. Hợp tác này cho phép khách hàng dùng dịch vụ ngân hàng online của ACB thực hiện liên kết được với ứng dụng MoMo trên điện thoại để sử dụng các tiện ích của MoMo.
Ông Từ Tiến Phát – Phó tổng giám đốc ngân hàng ACB.Ông Phát cho biết mục tiêu của ngân hàng khi kết hợp với ví điện tử nhằm tiếp cận nhóm khách hàng trẻ tuổi, từ 18-30, ưa chuộng công nghệ. Lợi ích về tài chính có thể không cao, nhưng việc đưa thêm ví điện tử vào ngân hàng có thể gia tăng tiện ích cho khách. Đồng thời ví điện tử cũng tiếp cận được những khách hàng nhỏ lẻ, khách hàng vùng nông thôn, do đó gia tăng tập khách hàng cho ngân hàng.
Hiện tại, ngoài 2 triệu khách hàng trên ứng dụng dành cho điện thoại, ông Diệp cho biết MoMo còn có 2,5 triệu khách hàng lẻ đến từ vùng nông thôn. Ở khu vực xa thành phố này, khách hàng chỉ cần đến các điểm đại lý để nhận và chuyển tiền qua tài khoản chứ không cần dùng ứng dụng di động, hay phải di ra ngân hàng – đây chính là lợi thế của ví điện tử so với ngân hàng.
Cách làm kết hợp online-offline rất phổ biến hiện nay và được áp dụng rộng tại Việt Nam và các thị trường mới nổi. Chẳng hạn, dù khách đặt mua hàng online, nhưng việc thanh toán phải dùng offline, tức giao tiền khi nhận hàng – điều này các chuyên gia lý giải do khách hàng lo ngại tính an toàn khi thanh toán online và chất lượng hàng hóa chưa được sờ tận tay.
Do vậy, các dịch vụ ví điện tử cũng phải triển khai cả online – thông qua ứng dụng trên smartphone, và cả offline – thông qua các điểm giao dịch tại quầy.
Theo ICTNews
Biên tập bởi Nguyễn Hữu Tình