Sẽ có nhiều TV
TV là một 'đặc sản' của CES. LG, Sony, Samsung, Panasonic và các hãng nhỏ hơn như Hisense, TCL, LeEco sẽ mang những chiếc TV mới nhất, công nghệ hiện đại nhất tới trưng bày và giới thiệu. Năm nay 4K sẽ tiếp tục xuất hiện phổ biến hơn nữa, công nghệ HDR ra mắt năm ngoái thì năm nay sẽ được mang lên nhiều dòng sản phẩm hơn.
LG hứa hẹn sẽ quay trở lại cuộc chơi với những màn hình OLED mới, Sony thì đang được đồn là sẽ có TV OLED trong năm 2017 này. Samsung thì vẫn thích TV màn hình cong nên hãng có lẽ sẽ tiếp tục ra mắt thêm các dòng mới sử dụng tấm nền kiểu này. Ngoài ra, các công nghệ thông minh và stream hình ảnh như Chromecast hoặc các nền tảng chung như Android TV sẽ là những điểm đáng chú ý trong thị trường Smart TV.
Xe tự lái sẽ là tâm điểm
CES không chỉ giới hạn ở những món đồ gia dụng hay thiết bị di động, trong những năm gần đây ngày càng nhiều hãng xe đem công nghệ của mình tới CES. Cách đây ít năm chỉ có Ford tham dự, còn bây giờ thì có hẳn một hội trường dành cho xe cũng như các công ty cung cấp linh kiện có liên quan.
Năm nay cũng sẽ không khác, và công nghệ xe tự lái hay xe được kết nối mạng sẽ là những thứ đáng quan tâm vì chúng đang dần biến thành hiện thực chứ không còn là trên giấy tờ hay ý tưởng nữa. Lĩnh vực xe tự lái giờ có đủ mặt anh tài, từ các công ty làm xe như Audi, Mer, BMW cho đến các công ty cung cấp dịch vụ vận tải như Uber. Kết nối mạng cũng sẽ giúp xe trở nên thông minh đúng nghĩa và có khả năng giao tiếp với nhau nhằm giảm rủi ro cho người đi bên trong, cũng như cải thiện tình hình giao thông.
VR biến hình tới mức nào?
CES 2016 diễn ra trong bối cảnh VR đang trở thành trào lưu. Việc đeo một chiếc kính to lớn trước mắt không phải là chuyện lạ trong show diễn năm ngoái. Còn trong năm nay VR đã tiến hóa hơn, trầm lắng hơn một chút, và bắt đầu tiến tới giai đoạn mà mỗi hãng đều cố gắng làm ra một thứ thật khác biệt so với phần còn lại của thị trường. Sẽ không ngoa khi nói các sản phẩm VR năm nay có một chút quái dị nhưng không kém phần thú vị, ví dụ như khả năng theo dõi chuyển động của toàn bộ cơ thể, điều khiển bằng bàn tay, các kính đeo All in one... Các thiết bị di động hỗ trợ tốt hơn cho VR cũng sẽ xuất hiện, ví dụ như Qualcomm tiết lộ về Asus ZenFone AR: có Tango và Daydream, ra mắt vào ngày 4/1.
Ngoài Oculus và HTC - hai công ty lớn trong mảng VR hiện nay, CES cũng sẽ có sự tham gia của rất nhiều công ty làm VR đến từ Trung Quốc và họ thường có những ý tưởng rất độc đáo. Phần lớn những món đồ này có thể sẽ không thành công về mặt thương mại, cũng không phải là một tượng đài lớn như Oculus hay HTC, nhưng điều đó sẽ giúp cho ngành VR trong dài hạn.
Công nghệ AR cũng đã có mặt ở CES từ nhiều năm nay, tuy nhiên nó chủ yếu nhắm tới các giải pháp dành cho doanh nghiệp hoặc những nhu cầu rất đặc thù.
Nhà nhà làm drone
Chúng ta có drone bay lên trời, có drone đi bộ, thậm chí có cả drone bơi dưới nước, và CES năm nay các chiếc drone sẽ càng tiến hóa theo nhiều cách khác nữa. Đây là một phần trong nỗ lực trở nên khác biệt của các công ty drone bởi nếu họ chỉ đơn giản ra mắt một con drone quay phim thì không thể cạnh tranh lại với DJI. Những xu hướng drone mà chúng ta đang nghe nói nhiều bao gồm: drone bay tốt trong nhà, drone chuyên dùng để đua, hay drone chuyển phát hàng hóa.
Cũng sẽ có nhiều chiếc camera drone bắt chước theo kiểu dáng, tính năng của dòng DJI Phantom nhưng với mức giá thấp hơn. Đây sẽ là món đồ hấp dẫn cho những người yêu thích sáng tạo bằng video, hay cho những vlogger muốn tạo sự khác biệt trên YouTube. Vẫn còn nhiều cơ hội dành cho các sản phẩm giá tốt lắm.
Âm thanh không dây
Năm ngoái CES tràn ngập tai nghe không dây, và điều này sẽ càng hot hơn khi mà Apple giờ đã bỏ jack tai nghe khỏi iPhone, Samsung cũng được đồn là sắp làm theo chuyện tương tự. Với thị trường tiềm năng là hàng chục triệu chiếc iPhone, các nhà sản xuất âm thanh sẽ tranh nhau tạo ra những chiếc tai nghe Bluetooth tốt với giá hợp lý để lấy tiền từ người dùng. Chúng ta cũng có thể sẽ thấy nhiều hơn những cái tai nghe dùng jack Lightning với giá thấp hơn. Tai nghe chuyên dụng dành cho dân audiophile và dân chơi game cũng sẽ góp mặt chung vui.
Thiết bị wearable không chỉ dừng lại ở smartwatch
2016 không phải là năm tốt cho các sản phẩm wearable. Android Wear chậm ra mắt, Pebble đóng cửa, Apple Watch sụt giảm doanh số. Xu hướng smartwatch đang tới hồi chững lại để tìm ra con đường đi tốt nhất. Trong khi đó, các hãng sẽ làm ra những món đồ wearable khác không chỉ giới hạn vào việc đeo trên cổ tay. Có thể chúng ta sẽ thấy những chiếc vòng đeo cổ thông minh, tai nghe theo dõi sức khỏe hay quần áo tích hợp cảm biến phân tích da chẳng hạn.
Nhìn chung, các tính năng mà chúng ta có thể kỳ vọng của thiết bị wearable sẽ chủ yếu xoay quanh hai chữ 'sức khỏe'. Ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc tập luyện thể thao và sống khỏe, đây sẽ là thị trường màu mỡ để các công ty khai thác.
Những chiếc kính VR, AR cũng có thể xem là thiết bị đeo được, kính mắt thông minh cũng vậy, hay thậm chí là những bộ đồ với máy móc gắn trên đó cũng thuộc vào mảng này. Để xem có gì hay thì bọn mình sẽ chia sẻ cho anh em xem nhé.
PC sẽ vui trở lại
Ngành PC đang phải nỗ lực tự làm mới mình để tránh tuyệt chủng, vậy nên chúng ta sẽ thấy rất nhiều món đồ vui và hay ở CES 2017. Chưa gì Dell đã ra mắt XPS 13 hai trong một và màn hình viền siêu mỏng rồi kìa, sắp tới HP, Lenovo, Asus, Acer có lẽ cũng sẽ tung ra thêm những chiếc laptop, 2 trong 1 và máy để bàn mới. Kỳ vọng xu hướng năm nay sẽ là viền mỏng, thiết kế mỏng nhẹ, pin trâu, màn hình lật cảm ứng, USB-C, USB 3.1.
Cả Intel hay NVIDIA cũng thường dùng CES như là nơi trình diễn những công nghệ CPU và GPU mới nhất của họ, năm nay tâm điểm sẽ là dòng chip Kaby Lake và card đồ họa GeForce GTX 1050. Biết đâu chúng ta cũng sẽ nghe thêm về dự án PC module Project Christine của Razer hay màn hình cuộn của LG chẳng hạn.
Không thể không nhắc tới VR. Cùng với sự phát triển của kính VR thì các máy tính hỗ trợ chơi game VR cũng đang xuất hiện phổ biến. Đó không còn là những cỗ máy cồng kềnh, đắt tiền mà ngay cả laptop giờ cũng đã chiến được VR. Có lẽ ở CES này sẽ xuất hiện thêm những chiếc PC VR giá dưới 1000$.
Nhà thông minh
Smart home chưa bao giờ là thứ thú vị nhất ở CES nhưng thị trường này đang mở rộng một cách từ từ theo từng năm. Cứ năm sau lại có nhiều hãng đem đồ chơi của mình tới CES với đủ mọi thứ: đèn, quạt, tủ lạnh thông minh, máy hút bụi thông minh, máy giặt thông minh, thậm chí có cả kệ thông minh nữa. Các hãng này hi vọng sẽ thu hút thêm người dùng không chỉ bằng tính năng mà còn bằng sự dễ dùng: bạn có thể tự đi ra cửa hàng mua 1 món đồ thông minh, tự về nhà lắp đặt và sử dụng không khác gì đồ tiêu dùng thông thường.
Các nền tảng chung dành cho smarthome dường như sẽ được chú trọng hơn trong năm nay. AllJoyn, Apple HomeKit, LG Home và Samsung SmartThings là những cái tên lớn, các công ty nhỏ hơn chỉ việc lấy nền tảng đó đem làm phần mềm cho thiết bị của họ là xong. Việc này giúp giải quyết bài toán tương thích giữa nhiều món đồ trong nhà, người dùng cũng không phải cài hàng tá app vào điện thoại chỉ để điều khiển căn hộ của mình.
Theo Tinhte.vn