Cyanogen, công ty đứng đăng sau sản phẩm CyanogenMod, cuối năm 2016 đã đưa ra tuyên bố sẽ ngừng mọi hoạt động của sản phẩm này. Sẽ không còn bất cứ bản cập nhật hệ điều hành nào nữa và cũng chẳng còn bất cứ bản built hay bản cập nhật an ninh nào được đưa ra trong tương lai. Những chiếc điện thoại chạy hệ điều hành này, chẳng hạn như chiếc OnePlus đời đầu, sẽ buộc phải chuyển sang một phiên bản mã nguồn mở khác.
Công ty đã đạt được thành công nhất định khi bán hệ điều hành của mình cho một số nhà sản xuất như WileyFox và OnePlus, những công ty đã không đủ khả năng để tự tạo cho mình một giao diện Android tùy biến. Ban đầu, hệ điều hành này được phát triển để dành cho những người muốn nhiều hơn những thứ mà Android có được. Thế nhưng, các khách hàng cao cấp như OnePlus cuối cùng đã từ bỏ CyanogenMod để đến với một hệ điều hành tùy biến trên nền tảng Android của mình với tên gọi OxygenOS.
Dự án mã nguồn mở mà Cyanogen sử dụng có thể sẽ được tiếp tục. Vấn đề lớn nhất mà dự án gặp phải cũng giống như bất cứ bản mod Android nào, có thể kể đến như nguồn lực, thời gian. Rất khó để kiếm tiền nhờ vào các bản mod và khi Android càng bổ sung thêm nhiều tính năng hơn thì những bản mod của Cyanogen lại càng trở nên vô dụng.
Rất khó để Cyanogen có thể tiếp tục nếu không có nguồn vốn và buộc phải để những người đang sử dụng phần mềm của mình bơ vơ, không nhận được bất cứ bản vá an ninh nào. Đây là một vấn đề lớn và nhiều người dùng sẽ không muốn chuyển sang một phiên bản hệ điều hành mã nguồn mở nào khác.
Việc Cyanogen bỏ cuộc chơi cũng không có gì bất ngờ. Tháng trước cộng tác viên của trang Forbes, Ryan Whitman đã đăng tải một bài viết trong đó khẳng định Cyanogen đang phải cắt giảm nhân sự, tiết kiệm chi phí và có thể đóng cửa.
Điều đáng chú ý nhất của Cyanogen đó là vào năm 2015 khi CEO công ty này, ông Kirt McMaster tuyên bố: “Chúng tôi sẽ bắn một viên đạn xuyên qua đầu Google”. Nghe thì có vẻ rất mạnh miệng và hùng hồn nhưng cuối cùng có vẻ viên đạn này lại xuyên qua đầu Cyanogen chẳng khác gì một phát súng tự sát.
Vấn đề chính là rất khó để bắn một viên đạn xuyên qua đầu một công ty tạo ra thứ mà sản phẩm của bạn dùng làm nền tảng. Cyanogen sẽ chẳng là gì nếu không có Dự án mã nguồn mở Android, một phiên bản hệ điều hành Android không hạn chế của Google. Thông thường, nó sẽ không bao gồm các dịch vụ Google Play, thứ khiến Android có được sức mạnh như ngày nay. Rất khó để biến sản phẩm như vậy trở thành đối thủ của Android trừ khi bạn cũng sở hữu được ngân hàng ứng dụng hùng hậu như Google Play. Tuy nhiên, Cyanogen đã kiếm được một thỏa thuận với Google cho phép hệ điều hành này gán các dịch vụ của mình kèm theo hệ điều hành mà hãng bán cho các bên thứ 3.
Có một điều rất rõ ràng rằng rất khó để đánh bại Google trong cuộc chơi của chính Google. Cyanogen là một sản phẩm cho phép người dùng Android có thêm lựa chọn để tùy biến sâu giao diện điện thoại. Nhưng sau khi Google tung ra các thiết bị như Pixel và Samsung, LG cũng như Sony đã tùy biến giao diện gốc Android để thỏa mãn nhu cầu của người dùng thì Cyanogen nhanh chóng bị đẩy ra ngoài cuộc.
Cyanogen rất cố gắng để hoàn tất vai trò của mình và chúng ta nên cảm ơn họ. Song giờ đã đến lúc nói lời tạm biệt!
Xem thêm: Hướng dẫn cách nhanh nhất để tìm lại điện thoại Android bị mất
Theo ictnews.vn