Số đông người dùng cho rằng sự ra đi của CyanogenMod là một mất mát quá lớn trong hệ sinh thái Android. Nhưng chúng ta cũng cần suy xét lại, liệu sự mất mất đó có phải là điều cần thiết cho hệ sinh thái Android?
Dấu hiệu từ trước
Nếu bạn chưa biết thì vào ngày 31 tháng 12 năm 2016, Cyanogenmod và tất cả dịch vụ liên quan đã phải chính thức ngừng hoạt động vĩnh viễn.
Lý do cho việc này bởi vì công ty đã không còn nhận được hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ dẫn đến không đủ kinh phí cho việc duy trì hoạt động của nền tảng này.
Chúng ta có lẽ đã đoán ra được phần nào sự thiếu ổn định của Cyanogen (đơn vị chủ quản của CyanogenMod và các dịch vụ liên quan) ngay từ khi công ty này liên tục “thay máu” với các CEO Kirk MC Master và sau đó là COO Lior Tal.
Chính sự lục đục về nhân sự và bất ổn về mặt tài chính đã khiến cho CyanogenMod sụp đổ hoàn toàn.
Lineage OS liệu có phải là giải pháp tốt?
CyanogenMod là một dự án mã nguồn mở nên đội ngũ lập trình viên và nhà phát triển không dễ dàng nhìn đứa con tinh thần của mình chết đi một cách dễ dàng như vậy.
Họ đã tạo ra Lineage OS như là một “người thừa kế” của CyanogenMod. Và sứ mệnh của nó cũng sẽ là tạo nên một Android không có bóng dáng Google.
Nhưng cục diện đã thay đổi, có lẽ sứ mệnh này sẽ khó mà hoàn thành được bởi vì không phải ai cũng sẽ biết đến Lineage OS như biết đến CyanogenMod.
Cho đến thời điểm bài viết này thì Lineage OS cũng vẫn chưa có được một nguồn hỗ trợ tài chính nào ổn định để tiếp tục phát triển dự án này. Cũng như việc xây dựng lại thương hiệu mới sẽ là một chặng đường còn rất dài và nhiều khó khăn.
CyanogenMod sụp đổ, ai là người có lợi?
Câu trả lời chắc chắn là Google. CyanogenMod sinh ra với sự mệnh mang đến một Android không có Google. Điều này mang lại sự thoải mái cho người dùng khi mà các bản ROM Android khác thường được đi kèm với một bộ dịch vụ Google Plays quá nặng nề và đôi khi trở nên thừa thãi.
CyanogenMod đem lại cho người dùng nhiều quyền được quyết định trên thiết bị của mình hơn. Dĩ nhiên CyanogenMod đã biến mình trở thành một “cái gai” trong mắt của Google khi làm cho đứa con của Google mất đi “DNA” của hãng.
CyanogenMod làm giảm sự phụ thuộc của người dùng và Google đồng nghĩa với việc họ làm giảm sự tiếp cận đến các dịch vụ của Google. Rõ ràng 'gã không lồ tìm kiếm' không mong muốn điều này, nó ảnh hưởng đến lợi ích của hãng khi bản thân Google đang sống còn nhờ các dịch vụ.
Bạn đã từng dùng CyanogenMod chưa? Bạn thấy sự ra đi của CyanogenMod là cần thiết không?
Biên tập bởi Tech Funny