Thiết kế:
Thiết kế cải tiến cũng mang lại cụm cảm biến vân tay mới, nó ngắn hơn đáng kể so với các cảm biến vân tay trên điện thoại khác, lại đặt ở vị trí không thật sự thuận tiện là phía dưới camera. Mình thường xuyên chạm vào phần camera của máy, làm bám vân tay rất nhiều trên đó. Galaxy S9+ còn đỡ chứ S9 thì có lẽ sẽ tệ hơn, trừ các bạn tay rất nhỏ. Trên thực tế thì mình hiếm khi sử dụng cảm biến này, bởi vì tính năng quét thông minh Intelligent Scan hoạt động khá hiệu quả. Intelligent Scan sẽ tự động chuyển đổi giữa cảm biến mống mắt (an toàn hơn nhưng chậm) và nhận diện khuôn mặt (kém bảo mật nhưng nhanh) để các bạn có thể mở khóa nhanh nhất có thể.
Chính vì việc kết hợp cả hai hình thức bảo mật này mà Intelligent Scan không thể dùng để thanh toán hay xác thực những giao dịch mang tính thương mại. Ngoài ra thì khi bạn nhắm mắt lại, Intelligent Scan vẫn nhận. Với mình thì nó là điểm yếu lớn nhất, nên để đảm bảo an toàn của bản thân với các bà vợ ở nhà thì các bạn nên chọn mở khóa bằng mống mắt kết hợp với cảm biến vân tay. Nhân nói về mống mắt thì nó đã được cải tiến khá nhiều trên S9 so với Note 8, nhạy hơn, quét xa tốt hơn.
Có một điểm chê nữa phải nói trên Galaxy S9: phím Bixby. Không chỉ chiếm vị trí thuận lợi nhất, làm người dùng thường xuyên bấm nhầm (nhất là khi chơi game) mà nó chỉ có thể bị tắt đi chứ không thể bị thay thế. Đúng ra Samsung nên cho phép người dùng gán chức năng khác cho phím này, còn đối với mình thì hiện tại nó chỉ đóng vai trò nút bấm để giải trí mỗi khi buồn.
Cuối cùng, trong thiết kế của Galaxy S9 có một điểm mạnh nữa mà ít người để ý đến: loa của máy. Loa của S9 bây giờ là loa stereo, nó không quá lớn, chỉ nhỉnh hơn khoảng 30% so với Galaxy Note 8 nhưng tiếng thì trong và rõ hơn rất nhiều. Người dùng ngày càng thích dùng loa điện thoại để phát nhạc nên loa lớn sẽ là một ưu điểm.
Màn hình:
Có một điểm mạnh khác của màn hình, đã có từ thời Galaxy S8 nhưng ít ai để ý: Samsung là hãng duy nhất đến thời điểm này trang bị 2 cảm biến ánh sáng ở mặt trước và sau của máy. Ứng dụng của 2 cảm biến rất dễ hiểu, máy sẽ nhận diện chính xác hơn điều kiện môi trường xung quanh. Lấy ví dụ nếu mình đang đứng ngoài trời, bóng mình che mất cảm biến ánh sáng thì hầu hết các điện thoại khác sẽ tự giảm độ sáng màn hình xuống, rất khó nhìn, trong khi trên S9 thì điều đó không xảy ra. Hơn thế nữa thì khi các bạn thay đổi môi trường sáng đột ngột, màn hình S9 sẽ chuyển dịu hơn và đỡ gắt hơn so với S8/Note 8 trước kia.
Trong phần hiển thị, có một điểm mình cực thích là khả năng chuyển đổi sang chế độ Nightmode. Ví dụ dễ thấy nhất là khi duyệt web, Samsung cho phép chuyển sang tông đen chữ trắng chỉ bằng 2 nút bấm. Chế độ này giúp tiết kiệm pin rất nhiều so với màn hình trắng mặc định, đặc biệt là khi duyệt tinhte.vn dùng tông trắng chủ đạo. Tuy sự chênh lệch sáng giữa chữ và nền vẫn hơi gắt nhưng Samsung làm nightmode tốt hơn rất nhiều so với Smart Invert trên iOS 10.2. Phải đến iOS 10.3 sắp tới thì Apple mới cải tiến tính năng này.
Hiệu năng:
Nói đi thì cũng phải nói lại, bản thân Apple vẫn làm rất tốt việc tối ưu hóa phần mềm và con chip của họ. Thử nghiệm xuất file video thì có những lúc iPhone X nhanh gấp đôi, hay một số game nặng cũng vậy. Rõ ràng là với việc phân mảnh thì Google và các OEM của họ vẫn còn cần làm rất nhiều điều để tối ưu hệ thống.
Cá nhân mình mà nói, việc S9 đỡ lag hơn hẳn, mượt hơn rất nhiều so với S8 và Note 8 thật sự là cải tiến rất rất lớn trong việc sử dụng điện thoại hằng ngày. Quyết định đổi máy từ Note 8 lên S9+ cũng vì lý do này. Trước S9+ thì OnePlus 5T hay Google Pixel 2 là những chiếc máy siêu mượt, siêu ít trễ nhưng giao diện của chúng thì lại đơn sơ và hơi chán.
Camera:
Nếu có hai điểm ấn tượng nhất về camera S9, thì đó chính là ống kính khẩu độ kép f1.5 và khả năng quay phim 960fps. Điểm thứ nhất gây ấn tượng về mặt kỹ thuật phần cứng trong khi điểm thứ hai là về tư tưởng, một tư tưởng hoàn toàn khác của Samsung mà mình có chia sẻ ở đầu bài.
Về khẩu độ f1.5, nếu chỉ có điểm này thì đối với mình Galaxy S9 cũng chỉ bình thường thôi. Khác biệt là ở chỗ Samsung đã trang bị thêm một vòng khẩu ở bên ngoài, và chính vòng khẩu này tạo nên sự khác biệt. Vòng khẩu này về bản chất giống với các ống kính kiểu Lens Baby trước kia, hay việc bạn cắt dán các ngôi sao gắn vòng ngoài để tạo hiệu ứng. Chính vòng khẩu này là yếu tố tiên quyết làm cho hiệu ứng bokeh hay phần background của S9/S9+ mờ nhiều hơn và hiệu ứng chuyển mềm hơn, dịu hơn rất nhiều, giảm cảm giác bị gắt.
Hơi tiếc một chỗ là Samsung lại chỉ dùng khẩu độ f2.4, vốn không có nhiều ý nghĩa thực tiễn trong việc chụp ban ngày. Nó sẽ giúp phơi đêm, sẽ giúp chụp macro tốt hơn một chút, các hiệu ứng sẽ nổi hơn nhưng để đạt được hiệu quả thực sự thì Samsung nên trang bị thêm khẩu f5.6 hoặc tốt nhất là f8, giống như Nokia từng làm trên chiếc Nokia N86 gần 10 năm về trước với bộ 3 khẩu f2.4, f3.2 và f4.8.
Hơi đáng tiếc một chút là Galaxy S9 không có khả năng quay phim HDR, một tính năng mới xuất hiện trên Xperia XZ2 cho dù màn hình của nó được chứng nhận HDR.
Điểm ấn tượng thứ hai là khả năng quay siêu chậm 960 khung hình mỗi giây. Tính năng này không mới, nhưng Samsung lại hiện thực hóa nó rất tốt. Không chỉ về chất lượng hình ảnh mà còn ở cả cách mà họ giúp người dùng tạo ra những video này. Việc quay slomo trên S9 gần như là tự động hoàn toàn, người dùng gần như không phải can thiệp gì nhiều, và khi quay xong thì chúng ta còn có nhạc lồng sẵn, còn cho phép tắt mở nhanh các hiệu ứng Slomo hay thậm chí là bổ sung thêm các hiệu ứng quay ngược hay loop, những hiệu ứng mà bạn phải tốn vài phút để thực hiện trên máy tính (chép vào phần mềm, import, chỉnh hiệu ứng, xuất ra…)
Nhìn chung khả năng quay Slomo trên Galaxy S9 thể hiện đúng triết lý mới của họ, cố gắng tạo ra những gì đó thực tế và hữu ích hơn, dễ sử dụng hơn thay vì cứ làm cho có và để kệ người dùng tự xoay sở.
AR Emoji:
Đây là tính năng được Samsung giới thiệu rất nhiều, và nó mang ý nghĩa rất tốt về mặt lý thuyết. Chỉ tiếc là do những giới hạn về phần cứng mà AR Emoji không thể theo dõi các cơ trên khuôn mặt bạn theo thời gian thực, nó chỉ có thể dùng camera để nhận diện 100 điểm trên mặt lúc bạn tạo AR Emoji, rồi dùng công nghệ máy học để cố gắng nhận diện các thành phần trên đó, để rồi xử lý tạo hình theo. Hệ quả là chúng ta sẽ có những biểu cảm hơi đơ đơ nhẹ.Tuy việc tạo hình chưa tốt nhưng cái cách mà Samsung nghĩ để người dùng chia sẻ những AR Emoji này, cho phép chia sẻ lên Facebook, Zalo, tin nhắn… hay bất cứ nền tảng nào khác làm mình đánh giá AR Emoji rất cao. Nó thoải mái hơn hẳn cách mà Apple đang tự giới hạn Animoji trong iMessage.
Cũng cần lưu ý là sau này, việc tạo ra hệ thống tracking khuôn mặt như iPhone X không phải là dễ dàng. Đơn giản là các bộ xử lý hình ảnh ISP trên di động hiện tại mới chỉ hỗ trợ 4 camera, mà bản thân S9+ đã có tới 4 cái rồi (2 camera đằng sau, camera trước và cảm biến mống mắt). Chúng ta sẽ phải thấy một ISP mới, mạnh mẽ hơn thế hệ hiện tại để có thể làm được điều này.
Pin:
Hiệu năng cao hơn, màn hình sáng hơn, pin thì không thay đổi, và hệ quả là chúng ta có một thiết bị ngốn pin hơn so với S8+ hay Note 8. So với hai thiết bị trên thì pin của S9+ kém hơn một chút, mặc dù có thể sử dụng được cả ngày nhưng rõ ràng là mình không hài lòng về điều này. Ước gì Samsung dám chấp nhận máy dày hơn một chút, và trang bị viên pin 4000mAh thì mình sẽ hạnh phúc hơn.Kết luận:
Nếu bạn cảm nhận được S8 hay Note 8 bị chậm, thì cá nhân mình khuyên các bạn nên thử S9, ít nhất là ngoài cửa hàng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Bản thân mình đã quyết định sẽ nâng cấp lên S9, bởi vì tốc độ, độ trễ là những thứ rất quan trọng với mình. Đây cũng là lý do lớn nhất để chuyển sang S9 thay vì tiếp tục sử dụng Note 8 cho đỡ tốn tiền.Trên thực tế, số tiền mà chúng ta phải bỏ ra cho điện thoại đang ngày một tăng cao, từ iPhone X giá 30 triệu cho đến S9+ giá cao hơn cả Note 8. Mình thật sự nhớ đến ngày xưa, ngày mà Nokia còn thống trị thị trường thì 15 triệu là cái giá cao nhất chúng ta phải trả cho một chiếc máy flagship. Còn bây giờ, mọi thứ đang trở nên quá mắc tiền. Chỉ mong Note 9 sẽ không tiếp tục bị tăng giá so với S9/S9+.