Sau hàng loạt những tính toán sai lầm, cuối cùng Cyanogen đã nhận ra rằng không dễ dàng để lật đổ được 'cây cổ thụ' Google, cùng 'những chú robot xanh' của họ.
Mặc dù trong bản thông báo về tình trạng của công ty, ban lãnh đạo đã nói rằng mã nguồn của hệ điều hành CyanogenMod sẽ mở ra cho tất cả mọi người, nhưng sẽ chẳng mấy ai cảm thấy hứng thú với những 'di sản' mà Cyanogen để lại nữa.
Song song với sự kiện đó, việc Google ra mắt dòng smartphone Pixel hoàn toàn mới đã ngầm khẳng định rằng: Họ mới chính là người đang 'nắm giữ' Android và sẽ không ai có thể chạm vào nó một lần nữa.
Nhìn lại Cyanogen, thật sự rất tiếc cho họ, nhưng nếu bạn đã theo dõi công ty này trong một thời gian thì chúng ta sẽ thấy việc họ đưa ra tuyên bố từ bỏ hệ điều hành CyanogenMod không có gì làm lạ.
Nhiều nhân viên bị sa thải, quyết định chuyển hướng sang việc viết các phần mềm hỗ trợ cho Android đã báo trước điều chẳng lành dành cho bản thân của Cyanogen.
Cái thời huy hoàng của Cyanogen là tầm cách đây 3 hay 4 năm về trước, khi mà sự phân mảnh của hệ điều hành Android đang lên tới đỉnh điểm vì sự bỏ bê của Google.
Bằng cách này hay cách khác, chúng ta khó có thể phủ nhận được rằng hệ điều hành CyanogenMod rất thuần túy, mang đậm chất của 'chú robot xanh' hơn bất kì phiên bản Android nào đã được được tùy biến tại thời điểm đó.
Và việc hệ điều hành này được phát triển cho nhiều thiết bị khác nhau (kể cả những chiếc smartphone đã bị chính 'cha đẻ' của chúng bỏ rơi) với mong muốn hợp nhất hệ điều hành của các 'chú dế thông minh' đã giúp Cyanogen có được thành công.
Nhưng rất nhanh chóng, Google đã nhận ra thiếu sót của họ. Đích thân 'gã khổng lồ' này đang từng ngày dẹp đi cái khái niệm 'phân mảnh' cho Android, bằng cách đưa ra những quy chuẩn khác nhau và buộc các nhà sản xuất smartphone phải tuân theo.
Bên cạnh đó, bản thân Google cũng tự tay 'làm lại từ đầu' thông qua những phiên bản Android Lollipop, Marshmallow hay Nougat. Từ Android 5.0 đến 7.0, ngay cả người dùng phổ thông cũng thấy rằng Google đang nghiêm túc trở lại với hệ điều hành Android.
Những tính năng hữu ích, sự gọn nhẹ, giao diện được cách tân,... là những điều đã giúp cho phiên bản Android gốc tưởng chừng như sẽ 'chết' dưới tay của Cyanogen bỗng 'lật ngược thế cờ' một cách ngoạn mục.
Không nói quá nhưng hiện giờ nếu dùng phiên bản Android 7.0 do chính Google xây dựng, bạn sẽ thấy rằng nó chẳng thua kém những phiên bản CyanogenMod của thời đỉnh cao một chút nào.
Cộng thêm việc 'gã khổng lồ' trong mảng tìm kiếm tung ra bộ đôi Pixel và Pixel XL với phiên bản Android đặc biệt (được chính tay Google tùy biến đôi chút), kết hợp cùng với trợ lý ảo Google Assistant, bản thân họ đang muốn tuyên bố: Android sẽ ở lại với Google mãi mãi, cho đến khi Google không còn nữa thì thôi.
Qua biến cố trên, chúng ta có thể thấy rằng một khi Google đã muốn làm điều gì đó, chẳng ai có thể ngăn cản họ. Cyanogen cũng hiểu điều đấy. Thế nên hiện giờ tạm thời 'quy hàng' Google có lẽ là giải pháp hay giành cho họ.
Nhưng đừng vì thế mà những bạn yêu thích cái cảm giác được tự tay cài ROM khác cho smartphone của mình phải buồn nhé. Cyanogen không chết, nó chỉ chuyển sang một chương mới hơn với cái tên Lineage OS mà thôi.
Hãy tạm đón chào những phiên bản Android mới được Google đầu tư và chăm chút hơn. Cyanogen chỉ là 'kẻ nổi loạn' để mang đến sự công bằng hơn cho người dùng. Nếu Google không làm tốt, Cyanogen (hoặc một biến thể khác) sẽ lại xuất hiện.
- Top ROM tùy chỉnh tốt nhất dành cho thiết bị Android hiện nay
- Các hãng smartphone Android đang tỏ ra lo ngại với Google Pixel?
Biên tập bởi Tech Funny