Làm thế nào để Siri có thể dẫn đầu cuộc chơi? Dưới đây là 3 tính năng cần-phải-có, giúp cho cô nàng Siri giành được vị trí dẫn đầu trong trận chiến của các trí thông minh nhân tạo.
Siri được Apple giới thiệu cách đây 5 năm. Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, đặc biệt là trí thông minh nhân tạo, cô trợ lý ảo này đã có mặt trên hầu hết các thiết bị iDevice: từ iPhone, iPad cho đến Apple Watch. Tuy nhiên, sân chơi này càng ngày càng có thêm nhiều đối thủ nặng kí tham gia, Cortana của Microsoft, Google Assistant của...Google và Alexa của Amazon. Vậy, làm thế nào để Siri có thể dẫn đầu cuộc chơi? Dưới đây là 3 tính năng cần-phải-có, giúp cho cô nàng Siri giành được vị trí dẫn đầu trong trận chiến của các trí thông minh nhân tạo.
Khả năng tích hợp Siri vào ứng dụng của bên thứ 3
Với iOS 10, bạn có thể sử dụng Siri để điều khiển 6 loại ứng dụng sau: gọi xe, nhắn tin, tìm kiếm hình ảnh, thanh toán, gọi điện thoại VoIP, và ứng dụng Workout. Tuy nhiên, đối với người dùng thì đây vẫn chưa đủ. Còn rất nhiều ứng dụng khác sẽ trở nên 'bá đạo' hơn rất nhiều nếu được tích hợp cùng Siri.
Vì vậy, Apple cần phải cho ra mắt bộ Sirikit - bộ cài đặt dành riêng cho các nhà phát triển ứng dụng sử dụng để tích hợp cô trợ lý ảo này vào các phần mềm của họ. Tuy điều này có đi ngược lại với tôn chỉ của Apple là luôn duy trì một hệ sinh thái kín. Nhưng thật sự mà nói, tiềm năng của Siri còn rất nhiều, để khai phá hết được, Apple cần đến sự chung tay của những nhà phát triển ứng dụng khác.
Sẽ rất tuyệt vời nếu người dùng có thể yêu cầu Siri để chơi các tập tiếp theo của một chương trình truyền hình trên Netflix hoặc tự động tìm đường trên các ứng dụng như Google Maps. Hay thậm chí những trò chơi trên iPhone hoặc iPad sẽ trở nên vô cùng thú vị nhờ sự góp mặt của Siri. Đây chỉ là một số ví dụ cho thấy tiềm năng của Siri. Hi vọng Apple sẽ sớm cho phép các nhà phát triển ứng dụng độc lập khả năng tích hợp Siri vào ứng dụng của họ.
Xâm nhập vào thế giới phần cứng
Trở lại trong tháng ba, đã có những tin đồn về việc Apple đang nghiên cứu về 'Siri Speaker' - một thiết bị cạnh tranh với Amazon Echo và Google Home. Đây chắc chắn là một sản phẩm rất tiềm năng bởi các sản phẩm phần cứng của Apple vốn dĩ đã rất tuyệt vời rồi. Nay chúng cần một thứ gì đó để kết nối lại với nhau, một lần nữa tạo nên hệ sinh thái kín của Apple.
Chẳng hạn như, bạn có thể yêu cầu Google Home chơi một bản nhạc trên Google Play hoặc Youtube; tương tự như bạn có thể yêu cầu 'Siri Speaker' chơi nhạc trên ứng dụng Apple Music hoặc mở kênh yêu thích của bạn trên Apple TV. Apple Music hiện nay là một trong những ứng dụng nghe nhạc bản quyền sở hữu đông đảo người dùng nhất hiện nay và doanh số của Apple TV cũng không phải là tệ. Vậy tại sao Apple không chế tạo một thứ gì đó, sử dụng sức mạnh của trợ lý ảo Siri để kết nối chúng lại?
Tạm gọi công nghệ điều khiển các thiết bị của nhà thông minh này là Apple HomeKit. Khi công nghệ này trở nên được hỗ trợ rộng rãi hơn bởi những nhà sản xuất thiết bị smarthome khác, một chiếc loa Siri cũng sẽ trở thành trung tâm điều khiển giọng nói của các sản phẩm gia dụng như đèn thông minh, tủ lạnh thông minh hay máy điều hòa thông minh.
Xem thêm Nhà thông minh không thế thiếu 2 thứ này: Google Home và Google Wifi
Quan trọng nhất là, trợ lý ảo Siri cần phải trở nên thông minh hơn
Cho dù có bao nhiêu ứng dụng kết nối với Siri hay có bao nhiêu phiên bản khác nhau của Siri được Apple tung ra, điều quyết định thành công hay thất bại của công nghệ trí thông minh nhân tạo cuối cùng vẫn nằm ở chỗ...trợ lý ảo đó thông minh cỡ nào. Điều này thể hiện qua việc Siri có thể nhận biết và hiểu rõ yêu cầu của người dùng, cho dù người dùng đó có là ai và yêu cầu đó khó khăn hay phức tạp cỡ nào. Để tôi luyện khả năng nghe - hiểu này, Siri cần phải trải qua hàng chục ngàn lần thí nghiệm huấn luyện từ vô số các điều kiện khác nhau. Có như vậy, Siri mới có thể dần học hỏi và ghi nhớ nhiều trường hợp trong những ngữ cảnh khác nhau.
Có những khoảnh khắc mà Siri không thực sự có vẻ 'thông minh' cho lắm. Như không thể nhận ra yêu cầu của người dùng, hay thậm chí là thực hiện sai thao tác. Một thí nghiệm nho nhỏ như sau: khi được hỏi một vài câu hỏi về cuộc tranh luận bầu cử Tổng thống tại Mỹ, trợ lý ảo Alexa của Amazon và Google Assistant đã có thể đưa ra trả lời một cách chính xác. Trong khi Siri lại cung cấp những kết quả tìm kiếm trên web về các cuộc tranh luận tổng thống. Đơn giản thế đấy, Alexa và Google Assistant có thể hiểu được câu hỏi của bạn; nhưng Siri lại trả về kết quả tìm kiếm.
Siri cần phải ít nhất làm được yêu cầu sau: người dùng có thể hỏi câu hỏi bất kỳ và cô trợ lý ảo này đưa ra câu trả lời chính xác gần như ngay lập tức. Nếu Apple có thế 'huấn luyện' Siri lên tới mức đó, cộng thêm với vai trò trung tâm trong hệ sinh thái kín của Apple, quả thật những gã khổng lồ công nghệ kia sẽ phải ngã mũ.
Trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói sẽ là một phần cực kỳ quan trọng về cách chúng ta tương tác với công nghệ trong tương lai. Siri chỉ mới 'ăn mừng' sinh nhật lần thứ 5 của mình gần đây. Nhưng Apple vẫn phải cố gắng nhiều để tích hợp 3 tích năng trên cho Siri. Nhằm giúp cho cô nàng trở thành trợ thủ đắc lực cho người dùng iDevice.
Xem thêm Top 9 tính năng tuyệt vời nhất trên Apple Watch
Xem thêm 5 lý do bạn nên sử dụng iWork thay cho MS Office
Xem thêm Hướng dẫn sử dụng tính năng AssistiveTouch trên iOS 10
DominV
Theo Macworld
Nguồn: fptshop.com.vn