Trả lời ICTnews hồi giữa tháng 9/2016, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, theo chỉ đạo của Bộ TT&TT thì 3 nhà mạng là Viettel, VinaPhone, MobiFone được cấp phép 4G trong tháng 9 trên băng tần 1800 MHz. Đây là băng tần mà 3 nhà mạng này đã được Bộ TT&TT cấp phép trước đây cho 2G.
'Khi được cấp phép thì các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone có thể triển khai cung cấp dịch vụ 4G. Tuy nhiên, đối với đấu giá băng tần 2.6 GHz có thể phải thực hiện trong năm 2017', ông Đoàn Quang Hoan nói.
Đây là tin vui cho hơn 100 triệu thuê bao di động của 3 nhà mạng trên vì họ sắp được sử dụng dịch vụ 4G bởi trên thực tế rất nhiều khách hàng phàn nàn về chất lượng dịch vụ 3G các nhà mạng đang cung cấp ở mức rất chậm. Không chỉ có ý kiến phàn nàn của khách hàng về chất lượng dịch vụ 4G mà các tổ chức độc lập trên thế giới như Open Signal, Ookla, Akamai… đánh giá Việt Nam có chất lượng dịch vụ di động băng rộng ở mức 'thảm hại', xếp sau cả Lào và Campuchia.
Bình luận về việc triển khai 4G tại Việt Nam, Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT (nay là Bộ TT&TT) cho rằng, thị trường và doanh nghiệp viễn thông sẽ quyết định quá trình triển khai mạng 4G LTE nhanh hay chậm chứ không phải cơ quan quản lý. Hiện đã có 500 nhà mạng trên thế giới cung cấp dịch vụ mạng 4G và việc triển khai mạng 4G ở Việt Nam là chậm so với thế giới. 'Vì vậy, tốc độ băng rộng di động Việt Nam đang nằm trong nhóm thấp nhất thế giới theo đánh giá của OpenSignal là do chúng ta chưa triển khai mạng 4G', Tiến sĩ Mai Liêm Trực nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Mai Liêm Trực, việc triển khai chậm mạng 4G cũng có những cái lợi và hại nhất định. Trong đó, cái lợi là có thể tạo điều kiện giúp doanh nghiệp Việt Nam đưa ra mức cước rẻ hơn. 'Tuy nhiên, tôi cho rằng năm 2016 là thời điểm tốt nhất để Việt Nam cung cấp dịch vụ 4G và không thể chậm hơn được nữa', Tiến sĩ Mai Liêm Trực khẳng định.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, dù việc triển khai mạng 4G LTE sớm hay muộn phụ thuộc chính sách của cơ quan quản lý và nhu cầu của các doanh nghiệp nhưng năm 2016 là thời điểm chín muồi để triển khai mạng 4G và không thể chậm hơn nữa.
Ông Lê Nam Thắng phân tích, thông thường trên thế giới một công nghệ mới được xác định bắt đầu phổ cập là khi công nghệ này chiếm khoảng 10-15% số thuê bao. Do đó nếu chọn thời điểm này triển khai sẽ hạn chế được rủi ro công nghệ.
Hiện nay số thuê bao di động trên thế giới là gần 7 tỷ thuê bao, trong đó thuê bao 4G năm 2015 khoảng 700-800 triệu năm và dự báo năm 2016 có khoảng trên 1 tỷ thuê bao tương đương 10-15% tổng số thuê bao di động trên toàn cầu nên năm 2016 là thời điểm có thể chính thức triển khai công nghệ này từ góc độ tiêu chí mức độ phổ cập của công nghệ.
Về vấn đề băng tần, có nhiều nước phải quy hoạch dọn dẹp để có băng tần cho 4G. Ở Việt Nam, về cơ bản thì việc quy hoạch và dọn dẹp băng tần cho 4G đã thực hiện xong. Trên thế giới sử dụng băng tần cho 4G thì thông dụng nhất là băng 1.800 MHz mà chúng ta đang dùng cho 2G, nhưng Bộ TT&TT đã có thông tư cho phép sử dụng 4G trên băng tần đó, còn 3G có thể chuyển xuống dùng các băng tần thấp hơn như băng 850 Mhz, 900 Mhz.
Chúng ta cũng quy hoạch và dọn dẹp xong băng 2.3 MHz, 2.6 MHz cho 4G. Đồng thời, đang thực hiện số hóa truyền hình để giải phóng băng 700 Mhz cho 4G. Như vậy về tổng thể băng tần cho 4G ở Việt Nam đã sẵn sàng.
Ông Lê Nam Thắng phân tích tiếp, xét về yếu tố thị trường, trong thời gian qua nhu cầu sử dụng băng rộng của khách hàng tăng cao. Hiện có khoảng 30- 40% khách hàng sử dụng dịch vụ data, trong một vài năm tới khả năng lưu lượng data sẽ vượt quá lưu lượng thoại và khi đó nhu cầu dùng dịch vụ 4G càng tăng mạnh hơn. Do đó, cần sớm triển khai dịch vụ 4G để đón đầu nhu cầu sử dụng data ngày càng tăng với chất lượng tốt và tốc độ cao.
Ông Mantosh Malhotra, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Nam Á cho rằng, Việt Nam có thể không triển khai 4G sớm nhưng có thể phổ cập nhanh đến người dùng vì lợi thế đi sau như giá thiết bị đầu cuối, đi thẳng vào công nghệ mới… Tuy nhiên, không nên chậm trễ việc này nữa.
Theo ictnews
Nguồn: Thế giới di động