Điểm yếu của sản phẩm này là giá, không có HDMI, độ sáng màn hình ở mức trung bình khá. Nhìn chung với 8 triệu đồng thì các bạn có rất nhiều lựa chọn màn hình 27 hay thậm chí là lớn hơn nữa, nhưng để mang lại những trải nghiệm như MB169AC thì gần như là không có sản phẩm nào khác. Có lẽ chỉ những màn hình GeChic mới có chất lượng hiển thị cao hơn MB169AC trong lĩnh vực di động, nhưng chúng lại gặp một số vấn đề khác mà mình sẽ nói kỹ hơn khi mượn được để chia sẻ với anh em.
Asus MB16AC là dòng màn hình di động cao nhất của Asus ở thời điểm hiện tại, nên không có gì ngạc nhiên khi nó mang thương hiệu ZenScreen, có thiết kế viền siêu mỏng, nặng 780g, dày 8mm và trang bị đầy đủ những tính năng bổ trợ như lọc tia sáng xanh Blue Light Filter theo 4 mức độ được các tổ chức uy tín TÜV Rheinland chứng nhận, hỗ trợ chống flicker cùng hàng loạt chế độ hiển thị khác nhau (xem video, làm hình sRGB, chơi game, đọc sách, phòng tối... ) hay tự động xoay dọc màn hình với máy tính Windows...
Thế nhưng nếu chỉ có vậy thì mình cũng không quan tâm về MB16AC lắm, vì các tính năng trên của nó chỉ là phụ, cái chính là chất lượng hiển thị thật sự xuất sắc. So với màn hình máy tính đạt 99% dải màu sRGB, đã được cân chỉnh lại thì MB16AC vẫn không thua quá nhiều trong hầu hết các trường hợp, đối với người dùng bình thường. Trước kia mình có thử dùng màn hình gắn ngoài của Asus nhưng nó cho chất lượng hiển thị trung bình, đến MB16AC thì mình đã thay đổi. Tất nhiên là các bạn sẽ có ít màu sắc hơn, độ tương phản không quá cao, đôi lúc shadow hơn quá, đôi lúc mất chi tiết so ở các khu vực highlight nhưng rõ ràng là MB16AC không hề thua kém so với các máy tính xách tay tầm trung trên thị trường.
Có một điểm yếu dễ thấy nhất về chất lượng hiển thị của MB16AC là độ sáng, với độ sáng tối đa chỉ khoảng 200 nit (bạn không thể đòi hỏi hơn ở một màn hình chỉ tiêu thụ 8W điện), rõ ràng ánh nắng mặt trời không phải người bạn tốt của màn hình này. Khi trời quá sáng thì các bạn sẽ hơi khó để nhìn MB16AC, nhưng khi này hãy dùng case đi kèm, case này hỗ trợ nhiều góc nhìn khác nhau, có góc nhìn rất đứng nên nhìn chung tính hữu dụng của MB16AC cao hơn rất nhiều. Cũng cần lưu ý là độ sáng 200 nit chỉ đúng khi bạn dùng giao tiếp USB C, còn USB A (có adapter tặng kèm, hỗ trợ tất cả các loại máy tính, phải cài driver) thì độ sáng giảm chỉ còn 180 nit.
Có một điểm thú vị với MB16AC là khi muốn gọn nhẹ nhất có thể thì các bạn có thể ném bao bảo vệ ở nhà, mang theo màn hình và một cây bút (cỡ tiêu chuẩn, có tặng kèm trong hợp). Chúng ta có thể dùng bút này làm đế cho màn hình theo cả chiều dọc và ngang, rất thích.
Không biết các bạn thế nào, nhưng mình cực thích màn hình này, sẽ cân nhắc mua một chiếc để đi làm việc. Nó quá gọn gàng, nhẹ và cực kỳ hữu ích khi sử dụng. Chỉ cần một sợi cáp USB C là đủ. Với mức giá khoảng 8 triệu đồng chính hãng thì rõ ràng là MB16AC không phù hợp với hầu hết mọi người, nhưng nó mở rộng khả năng làm việc của mình lên rất rất nhiều.
Cần lưu ý là USB C của MB16AC truyền hình ảnh thông qua DisplayPort, nên một số máy sẽ không hỗ trợ (ví dụ như MacBook 12). Các máy nào có Thunderbolt 3 thì chắc chắn là hỗ trợ. Nếu cắm vào không nhận thì các bạn sẽ phải dùng USB thường và cài driver, hơi phiền một chút. Với bạn nào muốn mua MB16AC cho Nintendo Switch thì nó cũng sẽ không tương thích, vì Nintendo đã 'làm gì đó' để khóa không cho Switch hoạt động với màn hình USB C, có lẽ vì lo ngại chúng sẽ hút sạch pin của máy.