Chúng ta đã quá quen với việc Apple là cái tên thường bị đem ra soi mói trên thị trường di động. Tuy nhiên, có một điều nghịch lý là: Những thứ gây tranh cãi của Apple rồi sẽ trở thành xu hướng.
Hãy tin đi, điều này không hề sai nếu bạn là người quan sát thị trường di động trong những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2016. Apple liên tục có những động thái và chiến lược được cho là không thể hiểu nổi và nhận lại khá nhiều gạch đá từ cộng đồng người dùng. Thế nhưng chỉ không lâu sau đó, những thứ được xem là “quái gở” đó lại đột nhiên được các nhà sản xuất khác “học hỏi” và mặc nhiên trở thành xu hướng mới của làng di động.
Trong bài viết này, hãy cùng Minh Tuấn Mobile nhìn lại những xu hướng bị ném đá tơi tả khi ra mắt những lại sớm được thị trường công nghệ hưởng ứng nồng nhiệt mà Apple đã tạo ra nhé.
Loại bỏ jack cắm tai nghe 3.5mm
Apple là nhà sản xuất smartphone tiên phong trong việc loại bỏ cổng cắm tai nghe 3.5mm kể từ thế hệ iPhone 7. Chiếc điện thoại này là sản phẩm đầu tiên của Apple được bán mà không có giắc cắm tai nghe 3.5 mm, một động thái gây khiến cả làng công nghệ phẫn nộ. Ở thời điểm này, nhiều người cho rằng đây là một động thái “hút máu” người dùng của Apple để bán được tai nghe AirPods đầu tiên vừa được ra mắt, đây là một trong những chiếc tai nghe không dây hoàn toàn (True Wireless) đầu tiên trên thị trường, được kết nối với điện thoại thông qua Bluetooth.
Cứ ngỡ như động thái này của nhà Táo sẽ không được ủng hộ và bị ném đá lâu dài thì bất ngờ ngay sau đó, hàng loạt các nhà sản xuất smartphone khác cũng thực hiện điều tương tự, thậm chí việc loại bỏ jack cắm 3.5mm đã trở thành tiêu chuẩn quan trọng của những chiếc flagship hiện nay để đảm bảo khả năng chống nước cho điện thoại. Bên cạnh đó, khi mà thị trường tai nghe không dây ngày càng phát triển, tai nghe có dây dường như đã mất đi chỗ đứng, và việc trang bị thêm một cổng tương thích trên smartphone đã trở nên thừa thãi, thay vào đó các nhà sản xuất có thể tận dụng không gian này cho các thành phần khác như pin.
AirPods – Sản phẩm từng bị “nhạo báng” không thương tiếc giờ đã trở thành biểu tượng của sự giàu sang
Cũng là một sản phẩm được ra mắt vào năm 2016 gây khá nhiều tranh cãi, đó là mẫu tai nghe True Wireless AirPods thế hệ đầu tiên. Ở thời điểm mới ra mắt, Apple đã bị cả làng công nghệ cười vào mặt khi bị cho là ra mắt một sản phẩm quá dị hợm, vừa xấu vừa không đảm bảo chất lượng âm thanh, lại còn dễ bị rơi rớt khi sử dụng mà lại đi kèm một mức giá quá cao.
Như đã nói ở đoạn trên, đây là một trong những chiếc tai nghe không dây hoàn toàn đầu tiên được ra mắt giữa bối cảnh mà thị trường tai nghe có dây đang được ưa chuộng. Trái ngược trước những dèm pha mà thiết bị này nhận phải, doanh số của AirPods đã góp phần thúc đẩy doanh số thiết bị đeo của Apple, bao gồm Apple Watch và Beats, doanh thu tăng tới 10 tỷ USD từ năm 2017 đến 2018.
Có thể nói, AirPods là sản phẩm giúp khởi đầu và phát triển thị trường tai nghe không dây. Hiện nay, gần như các nhà sản xuất đã bỏ qua những mẫu tai nghe sử dụng cổng cắm 3.5mm, thay vào đó những mẫu tai nghe sử dụng giao tiếp Bluetooth để kết nối, đặc biệt là các mẫu True Wireless, phủ dài trên mọi tầm giá. Còn AirPods của Apple, chúng vẫn giữ chỗ đứng số 1 trên thị trường tai nghe không dây hoàn toàn và trở thành biểu tượng của sự giàu sang.
Thiết kế notch “tai thỏ” dị hợm lại khiến cả làng công nghệ đi theo
Tiếp theo, vào cuối năm 2017, Apple đã trình làng mẫu iPhone X có giá 1,000USD, đẩy khoảng giá của smartphone lên một “tầm cao” mới. Tuy nhiên, giá cả không phải là điều đáng để nói nhất ở đây, mà chính là thiết kế tràn viền sử dụng notch “tai thỏ” vô duyên trên màn hình. Nhiều người tự hỏi rằng tại sao Apple có thể tạo ra một sản phẩm như thế, vừa không có thẩm mỹ vừa gây trở ngại trong việc sử dụng cũng như thiết kế ứng dụng.
Thế nhưng đúng như người ta thường nói, Apple đã không làm thì thôi, còn đã làm thì chắc chắn sẽ trở thành xu hướng, và thiết kế màn hình “tai thỏ” được phổ cập một cách chóng mặt trên thị trường di động vào năm 2018, từ các mẫu smartphone giá rẻ, tầm trung đến phân khúc cao cấp. Nhà nhà tai thỏ, người người tai thỏ, nhiều nhà sản xuất thậm chí còn bắt chước thiết kế y hệt của mẫu iPhone này.
Cụm camera vuông như bếp lò vẫn gây được hiệu ứng Domino
Năm 2019, Apple tiếp tục bị chê tơi tả vì thiết kế của mẫu iPhone 11 Series được cho là quá xấu khi cụm camera sau được bố trí thành hình vuông, còn bị lồi lên nhìn không khác gì những chiếc bếp than. Có lẽ khi mà thị trường công nghệ đang quá an toàn với cụm camera nằm ngang hay dọc có hình chữ nhật, động thái này của Apple thực sự chưa khiến con người ta quen mắt.
Thiết kế này không bị bắt chước quá nhiều trên thị trường, nhưng mặt khác nó lại khởi xướng cho các trào lưu thiết kế camera quái dị hơn, chẳng hạn như hình chữ nhật to tướng tương tự như Galaxy Note 20 Series, Xiaomi Mi 11, Huawei P40,… Có thể thấy hình dạng của cụm camera sau hiện nay đã không còn một quy chuẩn nào cố định, tất cả các nhà sản xuất khác đang tự do sáng tạo theo cách của mình.
Loại bỏ bộ sạc và tai nghe khỏi hộp, điều sẽ sớm phổ cập trong làng di động
Nghịch lý mới nhất mà Apple vừa tạo ra và dự kiến sẽ sớm trở thành xu hướng mới của các nhà sản xuất smartphone, đó là việc loại bỏ củ sạc và tai nghe đi kèm trong hộp iPhone 12 Series. Đây là động thái được cho là “hút máu” của Apple khi buộc người dùng phải sắm thêm bộ sạc mới có giá không hề rẻ, cũng như mẫu tai nghe mới nếu như người dùng không có sẵn.
Samsung và Xiaomi đã “nhanh tay” cà phịa pha xử lý này của Táo khuyết, nhưng lại sớm “tự vả vào mặt mình”. Xiaomi mới đây đã trình làng mẫu Mi 11 mới, không đi kèm với bộ sạc trong hộp, thế nhưng điểm cao tay là hãng vẫn cung cấp tùy chọn có sạc với mức giá không đổi. Trong khi đó, Samsung đã âm thầm xóa bài đăng chế giễu Apple và các tin đồn gần như chắc chắn rằng Galaxy S21 sắp ra mắt cũng sẽ không có củ sạc và tai nghe kèm hộp.