Vì sao smartphone Trung Quốc lại 'mê' Mỹ?
Khi nhìn vào mặt số liệu, thị trường Mỹ vẫn còn nhiều cơ hội cho các hãng smartphone lớn nhỏ khác nhau. Chẳng hạn trong Q2/2017, số liệu từ CounterPoint Research cho biết số lượng smartphone lên kệ tại 'Xử Sở Cờ Hoa' đã tăng đến 14%, trong đó 5 hãng smartphone hàng đầu với những cái tên quen thuộc như Apple, Samsung đã có mức tăng trưởng thị phần từ 88% lên 91%.
Đến Q3/2017, AndroidHeadlines dẫn nguồn từ Strategy Analytics và cho biết số lượng máy lên kệ đạt 39.5 triệu máy, đây là một con số mà nhiều thị trường lớn khác ao ước. Với một thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng về số lượng máy bán ra như vậy, bất kỳ một hãng smartphone nào cũng sẽ muốn nhắm đến chứ không riêng gì các hãng smartphone Trung Quốc.
Bên cạnh đó, thông tin được cung cấp từ TrendForce cũng cho thấy rằng trong năm 2018 này, các hãng smartphone Trung Quốc gần như buộc phải tìm đến những thị trường mới mẻ hơn vì thị trường nội địa đã bão hòa, tập khách hàng tiềm năng gần như đã có cho mình một chiếc smartphone rồi.
Khi 'miếng bánh' nội địa đã hết, kết hợp với một thị trường lớn như Mỹ vẫn còn đang trên đà tăng trưởng, khó có thể cản được ước mộng tiến vào thị trường này của các hãng như Huawei, Xiaomi hay OnePlus.
Và trong thời gian vừa qua, Huawei đã đánh tiếng muốn bán Mate 10 Pro tại Mỹ thông qua 2 nhà mạng, trong đó có AT&T còn phía OnePlus cũng cho biết họ đang sớm đàm phán với các nhà mạng để nhanh chóng mang smartphone của mình đến với thị trường béo bở này.
Nhưng tiến vào Mỹ không phải dễ
Trong tuần này, một trong những hãng smartphone đứng đầu tại Trung Quốc là Huawei đã chịu một cú sốc không hề nhỏ khi mẫu Mate 10 Pro sẽ không được AT&T phân phối vì một số lý do nhạy cảm mà nhà mạng này không tiết lộ.
Điều đó đã làm cả CEO của Huawei là Richard Yu dường như không giấu được thất vọng, đến mức ông đã 'hành động ngoài kịch bản' - theo một số trang báo đưa tin - tại sự kiện giới thiệu chiếc Mate 10 Pro ở CES 2018.
CNBC dẫn lời của Ông Yu về sự việc này như sau: 'Mọi người đều biết rằng 90% số lượng smartphone được bán ra tại Mỹ đều thông qua nhà mạng, vì vậy đó là một sự hụt hẫng rất lớn dành cho chúng tôi, nhưng còn là sự mất lớn không hề nhỏ dành cho phía nhà mạng. Còn về phía người dùng, họ đã không có thêm những sự lựa chọn tốt nhất'.
CEO của Huawei - ông Richard Yu
'Chúng tôi (Huawei) đã giành được sự tin tưởng từ các nhà mạng Trung Quốc, chiếm luôn cả sự tin tưởng ở các thị trường mới nổi và cả những nhà mạng lớn trên toàn cầu. Chúng tôi đã chứng minh được chất lượng của mình.' - Ông Yu chốt lại.
Huawei dĩ nhiên không từ bỏ 'giấc mơ Mỹ' này, họ vẫn sẽ bán Mate 10 Pro thông qua các nhà bán lẻ chứ không qua nhà mạng. Một hãng khác cũng đang cố gắng nhảy vào thị trường này là OnePlus khi CEO Của họ cũng đã úp mở về việc đang đàm phán với các nhà mạng tại đây để đưa OnePlus 6 'đặt chân' lên đất Mỹ trong nửa cuối năm 2018.
Nhưng từ trường hợp của Huawei, chúng ta có thể thấy rằng việc nhảy vào thị trường Mỹ thông qua các nhà mạng của nước này sẽ không hề dễ dàng do nhiều rắc rối khác nhau, phần lớn đến từ những lo ngại từ Chính Phủ Mỹ.
Bên cạnh đó, trong Q3/2017 vừa rồi, khi nhìn lại số liệu do Counterpoint cung cấp, Apple và Samsung đã chiếm hơn 50% thị phần, còn lại nhiều hãng khác vẫn đang tranh giành quyết liệt lẫn nhau cho nửa 'miếng bánh' thị phần đó.
Những cái tên có tiếng trong thị trường smartphone như LG, Sony hay Motorola đang cố gắng gây ảnh hưởng lên thị trường Mỹ, vì vậy khi smartphone Trung Quốc muốn nhảy vào giành lấy thị phần từ tay các hãng này sẽ không hề dễ dàng.
Hướng đi nào nếu không vào Mỹ?
Không phải thị trường giàu có mới dễ bán smartphone. Chính những thị trường mà người dân đa phần vẫn còn sử dụng nhiều mẫu điện thoại cơ bản hay chưa có smartphone mới là cơ hội ngon ăn dành cho các hãng điện thoại.
Chính vì vậy không phải tự dưng mà các hãng lại dành sự quan tâm đến các thị trường mới nổi như Ấn Độ hay Việt Nam, thậm chí cả Thái Lan hay Malaysia cũng chứng kiến smartphone Trung Quốc 'đổ bộ' ồ ạt để tìm kiếm cơ hội.
Thật vậy, trong lần được đi Thái hồi tháng 9/2017, ở hội chợ triển lãm smartphone tại Bangkok, mình đếm được có đến gần hai chục hãng smartphone Trung Quốc đang có mặt tại đây và hoạt động mạnh mẽ, những cái tên ít thấy ở thị trường Việt như Gionee hay Alcatel mang hàng loạt mẫu smartphone giá rẻ đến với quốc gia này.
Quay trở lại với Việt Nam, hiện tại đếm sơ và chỉ tính hàng chính hãng thì cũng đang có gần chục hãng smartphone Trung Quốc đang có mặt tại đây, và trong năm tới sẽ có những cái tên mới nhảy vào thị trường này, điển hình như IVVI hay thậm chí có thể có cả Honor theo tin đồn mình nghe được.
Những cái tên mới như IVVI dự kiến cũng sẽ nhảy vào Việt Nam
Nhưng nhảy vào nhiều là thế, thành công lại là câu chuyện khác vì giờ đây cả chục 'anh em' cùng có mặt, sự giẫm chân, tranh giành lẫn nhau là chắc chắn sẽ xảy ra. Chính vì vậy nếu muốn thành công tại Việt Nam nói riêng và ở các thị trường mới nổi nói chung, các hãng smartphone Trung Quốc cần phải có chiến lược rõ ràng.
Nếu không đánh vào camera selfie như OPPO thì phải có giá tốt như Xiaomi, tức phải có điểm nhấn mới thu hút được người dùng. Bằng không những tấm gương lúc đầu nhảy vào thị trường Việt đầy sôi nổi, sau lại ra đi không kèn không trống (mình xin phép không nêu tên các hãng này) sẽ diễn ra với bất kỳ hãng smartphone nào của người Trung Hoa.
Tech Funny