Tôi đã từng là một người tử tế. Tôi luôn nghĩ đến người khác hơn cả nghĩ cho bản thân mình, và làm mọi thứ có thể để làm hài lòng những người xung quanh. Tôi xung phong làm phần lớn công việc cho các dự án của công ty. Tôi rút lại những yêu cầu của mình nếu như chúng làm người khác không thoải mái. Và tất cả thời gian rảnh của tôi đều là việc cho đi, cho đi, và cho đi.
Dù tôi đã đối xử tốt với mọi người như thế, nhưng kết quả thì không như những gì tôi mong đợi. Tôi cảm thấy mệt mỏi và buồn phiền bởi vì tôi đã không quan tâm đến chính mình. Khi tôi cứ xung phong làm càng nhiều thì mọi người lại càng hy vọng tôi làm nhiều thứ hơn cho họ. Tôi bắt đầu cảm thấy bất mãn vì không ai thèm quan tâm đến ý kiến của tôi nữa.
Không ai trong chúng ta muốn mình ích kỷ, nhưng với những việc nằm ngoài nhu cầu của cá nhân thì chúng ta lại không dành hết khả năng của mình để làm việc đó. Trong bài blog “Làm thế nào mà lòng vị tha biến chúng ta thành ích kỉ?”, tác giả nói rằng khi chúng ta không thể đạt được những nhu cầu cá nhân, thì chúng ta bắt đầu tìm những cách khác để đạt được, và vì thế mà hành vi đó trông ích kỷ. Nếu chúng ta muốn sống tử tế hơn và cho đi nhiều hơn, chúng ta thật sự cần phải ÍT tử tế hơn một chút.
Những điều khó chịu dưới đây sẽ xảy ra khi bạn quá “tốt”:
1. Nếu như lúc nào bạn cũng là người 'cho' thì người ta sẽ luôn tìm đến bạn để 'nhận'
Trong bài báo của trang Power of Positivity “5 việc quá tử tế có thể sẽ thành tiêu cực”, tác giả cho rằng nếu như bạn không đặt ra giới hạn, bạn sẽ bị người khác xem thường và lợi dụng. Tự đánh giá bản thân, chắc chắn rằng những nhu cầu của bạn được đáp ứng, và đặt ra giới hạn cho bản thân không đồng nghĩa với việc bạn phớt lờ đi những người xung quanh. Điều đó chỉ mang ý nghĩa là “bản thân bạn cũng rất quan trọng”.
Tôi nghĩ rằng mọi người sẽ thích tôi hơn và thấy tôi quan trọng hơn nếu như tôi cho đi nhiều nhất có thể. Nhưng thay vì vậy thì tôi thấy họ còn đánh giá tôi thấp hơn. Người khác sẽ đánh giá chúng ta theo cách chúng ta đánh giá chính mình. Khi tôi bắt đầu đặt ra giới hạn và nhờ giúp đỡ khi cần thì mọi người bắt đầu chú ý và đánh giá cao những đóng góp của tôi.
2. Bạn đặt kì vọng lên người khác quá nhiều
Khi bạn đối xử quá tử tế với mọi người, bạn sẽ nảy sinh kì vọng rằng người ta sẽ đối xử lại với mình y như thế. Nhưng thực tế khi họ không như sự kì vọng của bạn thì bạn sẽ nổi giận và bực bội.
Tôi đã nhận ra điều đó. Tôi đã đối xử với bạn bè rất tốt và thậm chí vượt cả ngoài mong đợi của họ, và tôi thấy mình bị xúc phạm khi bạn tôi lại không hề đối xử với tôi như vậy. Tôi giúp bạn khi bạn cần nhưng đến khi tôi cần thì bạn lại chẳng hề bận tâm. Điều mà tôi băn khoăn là tại sao họ chỉ biết lo cho bản thân mình, và trách nhiệm của tôi không phải là lo cho tôi mà lại là lo cho họ.
Trang Power of Positivity cho rằng khi bạn tốt với người khác quá, họ sẽ coi bạn như là giải pháp cuối cùng. Mọi người chỉ tìm đến bạn khi họ nghĩ bạn có thể giúp họ giải quyết bởi vì họ chỉ coi bạn như một công cụ để giúp họ đạt được mục đích của mình. Với những người như thế nếu bạn không chịu đặt ra giới hạn để ngăn lại thì có thể họ sẽ càng ngày càng quá đáng với bạn.
Chuyện này tôi đã từng trải qua và nhanh chóng trở nên vượt ngoài tầm kiểm soát. Hãy lịch sự nói “không”, không cần đưa ra quá nhiều lí do để giải thích hoặc phân bua chính là chìa khóa. Lúc đó, tôi chỉ đề nghị những cách giúp người đó giải quyết vấn đề và để họ tự làm, hoặc đề nghị họ tìm đến người khách thích hợp hơn.
3. Bạn sẽ quên đi việc phải đối tốt với chính mình
Khi bạn bận quan tâm đến người khác, bạn sẽ quên đối xử tốt với chính mình. Điều đó dẫn đến việc bạn sẽ không đạt được những nhu cầu cơ bản của bạn, và dần dần khiến bạn buồn bã và kiệt sức.
Tôi nhận ra việc cho đi quá nhiều đã làm tôi không để tâm đến những nỗi đau và sự chịu đựng trong lòng tôi. Tôi đã tự mình xác nhận và tôi tin rằng mọi người không thật sự coi trọng tôi. Khi tôi biết cách tiết chế việc “cho”, tôi có thêm thời gian để nhìn lại mình và học cách tự nâng cao giá trị của bản thân. Kết quả là tôi trở nên rộng rãi và biết thông cảm hơn.
4. Bạn sẽ bị coi là kẻ yếu
Trong bài báo “5 việc quá tử tế có thể sẽ thành tiêu cực” của Jessica Stillman, cô nói rằng nếu bạn quá tử tế sẽ làm cho người khác nghĩ rằng bạn là người yếu kém. Điều đó không chỉ khiến người khác lợi dụng bạn mà họ còn không xem bạn là một người có quyền uy.
Trong công việc, tôi thấy khi tôi làm quá nhiều và giới hạn đặt ra chưa nghiêm ngặt, người ta không ghi nhận những thành quả mà tôi đạt được. Bởi vì tôi còn không tự đánh giá được mình thì mọi người làm sao đánh giá được tôi.
5. Bạn sẽ trở thành con mồi cho những kẻ “thích nhờ vả”
Cũng theo Stillman thì khi bạn quá tốt hay nói khác đi là không thể từ chối lời nhờ vả của người khác thì bạn đang tự biến mình thành con mồi cho những người lười biếng và thích nhờ vả. Những người đó luôn tìm cơ hội để lợi dụng bạn bởi vì bạn không biết đặt ra giới hạn dành cho họ.
Tượng tự, chuyện này tôi cũng từng trải qua rồi. Tôi dành ra hàng giờ đồng hồ để “hỗ trợ” bạn tôi trên Facebook và dĩ nhiên là tôi không thể ngủ đủ giấc rồi. Tôi rút ra được bài học là làm một người bạn tốt và sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần thì được thôi, nhưng cũng nên cho họ biết thời gian rảnh của bạn cũng hạn hẹp và bạn chỉ rảnh vào một ngày nhất định nào đó.
7. Mọi người sẽ không tin bạn
Trên đời thật ra chỉ có một số ít người là tốt bụng thật sự. Nên Stillman cho biết nếu bạn cư xử quá tử tế với người khác thì họ cũng sẽ đặt ra nghi vấn bạn có động cơ gì khác không. Thậm chí người ta sẽ nghĩ bạn không đáng tin cậy và điều này khiến cho việc xây dựng các mối quan hệ cũng trở nên khó khăn hơn.
Trước đây, khi tôi chưa biết cách đặt ra giới hạn của mình, tôi không bao giờ thật sự được chấp nhận trong một tổ chức, cả về công việc lẫn các mối liên hệ cá nhân. Cho đến khi tôi định ra được giới hạn của bản thân và coi trọng bản thân tôi hơn thì mọi người cũng bắt đầu coi trọng tôi.
8. Bạn sẽ cảm thấy “thiếu thốn”
Khi bạn không đạt được những nhu cầu mình mong muốn thì hiển nhiên bạn sẽ bắt đầu tìm kiếm mọi thứ từ nhiều nơi khác. Điều này khiến bạn trở nên thiếu kiên nhẫn, cảm thấy thiếu thốn trong các mối quan hệ, cũng như liên tục tìm kiếm sự công nhận.
Đáng ngạc nhiên hơn là tôi lại có tất cả các dấu hiệu đó khi tôi không biết ưu tiên cho bản thân mình. Tôi cứ mãi cho đi và tìm kiếm sự trân trọng giá trị của tôi từ người khác. Cho đến khi tôi biết thể hiện giá trị của bản thân, thì cảm giác “thiếu thốn” đó không còn nữa.
9. Bạn sẽ dễ dính vào thói quen xấu
Khi bạn không thể nhìn thấy giá trị của bản thân, bạn sẽ dễ sa vào các thói quen không tốt để giải tỏa căng thẳng. Khi bạn cảm thấy bị quá tải, bạn sẽ tìm lối thoát từ việc tiêu xài, mua sắm, ăn uống hoặc các hoạt động dễ gây nghiện khác, vân vân.
Tôi đã từng dính vào rất nhiều thói quen tiêu cực như thế. Tôi luôn chi tiêu quá tay và thậm chí là nghiện ăn vặt khi tôi cảm thấy quá áp lực khi làm các nhiệm vụ mà không được người khác công nhận. Ngày mà tôi biết yêu bản thân, thói xấu cũng dần biến mất.
Mặc dù tốt bụng là một cách sống tốt, nhưng cho quá nhiều và không đặt ra giới hạn sẽ làm ảnh hưởng đến việc người khác nhìn nhận bạn cũng như không giúp được cho những người cần giúp đỡ theo ý bạn. Bạn cứ yêu quý và tôn trọng bản thân mình trước đi, rồi bạn sẽ biết cách đối xử tốt với mọi người xung quanh và họ cũng sẽ đối đãi với bạn như cách bạn muốn.