Hình ảnh người người cắm cúi vào chiếc smartphone ở bất cứ nơi nào trong mọi thời điểm đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Thậm chí nhiều người cầm điện thoại chẳng biết để làm gì, chỉ biết rằng nó là thứ duy nhất để giết thời gian. Nhưng thực tế, dùng smartphone để cứu cánh những lúc nhàm chán chính là đang giết bản thân , hãy để cho tâm trí nhàm chán một chút sẽ nhận lại rất nhiều lợi ích.
Có ai không ghét buồn chán? Trong thực tế, con người luôn muốn lánh xa cảm giác buồn chán, thậm chí nhiều người còn cho rằng những lúc như vậy họ thà bị sốc điện còn hơn là phải ngồi lặng lẽ và suy nghĩ buồn tẻ. Tuy nhiên, từ khi có smartphone ra đời, các tín đồ công nghệ đã có nhiều việc phải làm hơn, họ bận rộn cả ngày với đôi mắt và những ngón tay lướt trên màn hình trong những lúc nhàn rỗi. Theo nghiên cứu của Gallup cho thấy, đa số các chủ sở hữu smartphone đều kiểm tra điện thoại của mình ít nhất vài lần trong một giờ. (Nghiện điện thoại giờ đây được coi là một chứng bệnh, với tên gọi lâm sàng là: nomophobia). Nhưng thực tế, đừng hễ nhàn rỗi là lôi điện thoại ra nghịch, hãy cứ để bản thân nhàm chán một chút, cho tâm trí “đi dạo” để quý hơn những giây phút hạnh phúc.
Chán nản có khiến con người sáng tạo hơn
Các nghiên cứu tin rằng buồn chán có thể dẫn tới những ý tưởng sáng tạo sơ khai. Trong một nghiên cứu của nhà tâm lý học Anh Sandi Mann đã tiến hành khảo sát các đối tượng nhàm chán trong những công việc khác nhau, sau đó yêu cầu họ đưa ra những tư duy sáng tạo. Kết quả cho thấy, những người phải làm công việc nhàm chán nhất như đọc danh bạ điện thoại đã đưa ra những cải tiến thú vị nhất trong việc sử dụng những chiếc ly nhựa. Như vậy, sự nhàm chán khuyến khích tâm trí của con người “đi lang thang”, suy nghĩ mông lung hơn, sáng tạo hơn.
Nó cho phép bạn cảm nhận đươc điều gì đó không ổn
Nhà nghiên cứu, giáo sư triết lý Andreas Elpidorou đã giải thích trong một bài viết trên Tạp chí tâm lý học cho rằng trong trường hợp không có sự nhàm chán, con người sẽ bị mãi mắc kẹt trong các cảm xúc tiêu cực như trống vắng, hoang mang, thiếu định hướng trong cuộc đời, thậm chí là bỏ lỡ nhiều cảm xúc tình cảm, nhận thức và bổ ích. Chán nản chính là tiếng chuông cảnh báo con người đang không thực hiện những gì mà bản thân muốn. Đây cũng chính là thời điểm tạo động lực trong tiềm thức, thúc đẩy lòng quyết tâm chuyển đổi mục tiêu và môi trường xung quanh để tìm kiếm những cái mình cần.
Giúp con người đặt mục tiêu rõ ràng hơn
Các nhà nghiên cứu châu Âu và Mỹ phát hiện ra rằng, khi chán nản, tâm trí của con người thường mơ màng hơn, không suy nghĩ về những gì đang xảy ra xung quanh. Họ thường tưởng tượng về tương lai. Cụ thể, trong một quá trình được gọi là “kế hoạch tự truyện” (autobiographical planning), con người thường xuyên đặt ra kế hoạch và những dự định trong tương lai khi mơ mộng lúc nhàm chán.
Giúp con người làm việc hiệu quả hơn
Các nhà khoa học tại Đại học Bar-Ilan đã phát hiện ra: mơ mộng cũng có tác động tích cực đến hiệu suất công việc. Đây là thời điểm có thể kích thích vùng não chịu trách nhiệm cho cả hai cơ chế: “kiểm soát suy nghĩ” và hoạt động “giải phóng tư tưởng”, từ đó tác động tới hệ thần kinh có nhiều khai mở trí não có nhiệm vụ khác, làm giảm stress. Nhàm chán khiến con người mơ mộng, cảm xúc này không hề ảnh hưởng tới công việc mà ngược lại giúp hoạt động tích cực hơn. Hiển nhiên, đây là khi con người ở trạng thái nhàm chán và mơ mộng trong chừng mực.
Giúp con người cảm thấy hạnh phúc hơn
Triết gia Bertrand Russell từng trầm ngâm rằng: “Một cuộc sống quá hứng thú là một cuộc sống mệt mỏi trong đó có nhiều kích thích liên tục mạnh. Chúng ta cần phải có sự nhàm chán để biết quý trọng những giây phút vui vẻ và hạnh phúc trong đời”. Cũng giống như khi mãi chìm đắm trong hạnh phúc mà không biết khổ đau thì con người sẽ không cảm nhận được giá trị quý báu của những giây phút hạnh phúc.
Nhàm chán khiến bạn là một người tốt hơn
Các nhà nghiên cứu ở Ireland tin rằng sự nhàm chán có thể khiến con người vị tha hơn. Trong nghiên cứu, họ đã phát hiện thấy khi nhàm chán, con người không còn cảm thấy được ý nghĩa trong hoạt động và hoàn cảnh xung quanh, tạo ra xu hướng đổi mới và tìm kiếm lại ý nghĩa sống của cuộc đời mình. Vì vậy, tâm trạng này sẽ thúc đẩy con người muốn tham gia các hoạt động từ thiện để cảm thấy được lợi ích, ý nghĩa của bản thân đối với cuộc đời và những người xung quanh ví như đi hiến máu, quyên góp cho các tổ chức từ thiện.
Nó có thể cứu sống bạn
Đã bao nhiêu lần bạn dạo bước trên phố chỉ chăm chú đôi mắt vào màn hình điện thoại chứ không phải là môi trường xung quanh? Đây là hành vi sẽ bị trừng phạt nếu ở New Jersey. Người đi bộ có thể bị phạt 50 USD nếu sử dụng điện thoại cầm tay nhắn tin khi băng qua đường. “Người đi bộ bị phân tâm tiềm ẩn nguy hiểm cho bản thân và người đi đường”. Như vậy, hãy cứ để bản thân nhàm chán một chút, lững thững nhìn cảnh vật xung quanh sẽ hữu ích hơn khi nhờ smartphone cứu cánh.
Xem thêm:
Niềm hạnh phúc của những đứa trẻ không có internet
Tại sao con người không thấy mình hạnh phúc?
Tại sao con người lại lo lắng đến vậy?
Ung thư não: Điện thoại di động có phải là tội đồ?
Hương Nguyên
Theo Business Insider