Theo Livescience, các nhà khoa học của NASA dự định sẽ khoan sâu vào lòng một trong những siêu núi lửa nguy hiểm nhất thế giới nằm dưới công viên quốc gia Yellowstone ở Mỹ. Họ tin rằng với sự trợ giúp của các vòi phun nước áp suất cao, núi lửa sẽ được làm mát, giải phóng nhiệt từ khối magma và giảm nguy cơ phun trào.
NASA dự định khoan sâu vào Yellowstone khoảng 10 km và bơm nước theo đường mũi khoan để làm giảm áp lực phun trào. Chi phí của dự án ước tính 4,5 tỷ USD nhưng có thể được bù đắp trong tương lai khi một nhà máy địa nhiệt có thể được xây dựng để khai thác năng lượng ở đó.
Nước sẽ được phun qua mũi khoan để làm giảm nhiệt magma bên trong núi lửa (Ảnh:Inquisitr)
Tuy nhiên, theo nhà khoa học Brian Wilcox ở Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA ở Viện công nghệ California, khoan xuyên siêu núi lửa ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm.
“Sẽ rất mạo hiểm nếu bạn khoan vào đỉnh buồng magma và cố gắng làm mát nó từ đó. Phần vòm của buồng magma có thể trở nên giòn hơn và dễ nứt hơn. Những khí gas độc hại trong magma ở đỉnh buồng có thể được giải phóng”, BBC dẫn lời Wilcox.
Theo Wilcox, mối đe dọa từ siêu núi lửa lớn hơn nhiều so với tiểu hành tinh hay sao chổi. Một vụ phun trào siêu núi lửa có thể tác động lâu dài tới hành tinh, bao gồm nạn đói trên toàn thế giới và một lượng khí sulphur dioxide (SO2) khổng lồ xâm nhập vào bầu khí quyển. Liên Hiệp Quốc ước tính nguồn dự trữ lương thực toàn cầu chỉ đủ cung cấp trong 74 ngày.
Nếu phun trào, núi lửa Yellowstone sẽ gây ra thảm họa (Ảnh: Inquisitr)
Tro bụi cũng là một mối đe dọa khác gây lo ngại. Những vụ phun trào lớn có thể khiến tro bụi bao phủ hơn nửa lục địa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, hệ thống thông tin liên lạc và vận tải hàng không…
Theo USGS, chu kỳ phun của Yellowstone là 600.000 năm và lần cuối cùng siêu núi lửa này phun trào là cách đây 640.000 năm. Vì vậy, lập kế hoạch chuẩn bị ứng phó là việc nhất định cần làm sớm.
Hoài Anh